📞

Nhà ngoại giao Panama: Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam và những bài học rút ra cho thế giới

David A. De León Salazar 16:03 | 08/05/2020
TGVN. Trong bài viết dành riêng cho TG&VN, TS. David A. De León Salazar - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Panama tại Việt Nam chia sẻ những cảm nghĩ về cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Việt Nam đã có những bước đầu thành công trong công tác chống dịch Covid-19. (Nguồn: Baophutho)

Bài viết này được ra đời từ một nơi, mà nhiều năm trước được gọi là Đông Dương, hiện nay là Việt Nam, một đất nước với 98 triệu dân, một quốc gia anh dũng, đấu tranh bất chấp mọi xung đột lịch sử, đã có thể chiến đấu trước kẻ thù vô hình tấn công tất cả chúng ta trong thế kỷ XXI, virus corona chủng mới hay Covid-19.

Như chúng tôi đã được biết qua nhiều cuốn sách lịch sử ở Panama, đó là Việt Nam với hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, rồi đến thời Pháp thuộc và tiếp theo là Chiến tranh Việt Nam. Đó là Việt Nam với những con người chăm chỉ, cần mẫn và chiến đấu hết mình. Đó là Việt Nam với 98 triệu dân và ước tính tăng trưởng năm 2020 đạt 3,3% sau khi có thể vượt qua đại dịch Covid-19, theo Ngân hàng Standard Chartered trong nghiên cứu toàn cầu và ước tính kinh tế cho quý II/2020.

Việt Nam, với sức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, GDP năm ngoái lên tới 7%, dù có sự sụt giảm doanh thu từ ngành du lịch, nhưng một số ngành tiếp tục phát triển như lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và bán hàng, chủ yếu là trực tuyến trong và sau đại dịch.

Nhưng làm thế nào mà Việt Nam, một quốc gia ít tài nguyên, không giàu có và rất đông dân, vẫn có thể kiểm soát được đại dịch?

Tôi có thể bắt đầu bằng cách chỉ ra các chiến lược và những thách thức đã phát sinh trong 3 tháng xảy ra dịch bệnh và sau đại dịch được bắt nguồn từ châu Á, nơi tôi đang sinh sống.

Những chiến lược đầu tiên là vào cuối tháng 1 khi xuất hiện trường hợp "nhập khẩu" đầu tiên từ tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 23/1, tất cả các giao thức y tế đã được kích hoạt và khi thấy rằng tình hình chưa được cải thiện ở Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu đóng cửa biên giới với nước láng giềng ở phía Bắc.

Những bệnh nhân Việt Nam đầu tiên là nhóm công nhân gồm 8 người được cử đi đào tạo nghề và trở về từ Vũ Hán, 6 người trong số họ dương tính với Covid-19, phần lớn đều từ tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 65 km về phía Bắc.

Vào ngày 3/2, sau kỳ nghỉ lễ dài nhân dịp Tết Nguyên đán, tất cả các trường học được đóng cửa như một biện pháp ngăn chặn và hạn chế lây nhiễm trong học sinh. Trong thời gian này, các lớp học trực tuyến được tiến hành và kéo dài đến cuối tháng 4. Đầu tháng 5, học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại trường học.

Một trong số 12 chốt cách ly tại xã Sơn Lôi. (Nguồn: Thanh niên)

Trở lại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã được cách ly phong tỏa trong vòng 21 ngày từ ngày 13/2 cho đến ngày 4/3, cuối cùng có 7 người đã bị nhiễm bệnh, tất cả đều do có tiếp xúc với những người trở về từ Trung Quốc.

Vào ngày 6/3, sau 21 ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm bệnh mới, trường hợp đầu tiên được phát hiện tại Hà Nội, đó là một cô gái 26 tuổi trở về từ châu Âu, cụ thể là từ Italy và Anh, trên chuyến bay từ London về Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát làn sóng thứ hai của dịch vào tháng 3, do những người bị nhiễm bệnh trở về chủ yếu từ châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á, các biện pháp đối phó với dịch đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm cách ly xã hội và sử dụng khẩu trang bắt buộc khi đi ra khỏi nhà kể từ ngày 28/3.

Phản ứng của chính phủ Việt Nam sau đợt bùng phát thứ hai mạnh mẽ hơn, vì ngay khi phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, Lữ đoàn của Bộ Tư lệnh Hóa học đã khử trùng tất cả các khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội bằng xe tải chở hóa chất đặc biệt, suốt đêm để ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

Vào ngày 10/3, tất cả công dân ở Việt Nam bắt buộc phải điền vào các biểu mẫu thông qua điện thoại di động của họ với các câu hỏi liên quan, để tìm hiểu xem họ đã tiếp xúc với những người bị nhiễm virus trước đó hay không để theo dõi các trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm.

Vào ngày 20/3, một ổ dịch mới được phát hiện đó là quán bar Buddha tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi 19 người có tiếp xúc gần trong quán bar bị nhiễm bệnh. Tại đây, khoảng 2.000 xét nghiệm đã được thực hiện để phát hiện các ca lây nhiễm có thể. Quán bar này là nơi nhiều người nước ngoài bị nhiễm bệnh nhất, vì nơi này tụ tập rất đông người nước ngoài.

Từ ngày 25/3, tất cả các hãng hàng không Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế và chỉ duy trì tối thiểu các chuyến bay nội địa để ngăn chặn đại dịch.

Sau đó, vào ngày 28/3, một ổ dịch mới được phát hiện là bệnh viện Bạch Mai ở trung tâm Hà Nội, nơi có khoảng 45 người bị nhiễm bệnh, khiến bệnh viện Bạch Mai trở thành tâm dịch lớn nhất của Hà Nội.

Bệnh viện Bạch Mai từng trở thành tâm dịch lớn nhất của Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều người trong số những người bị nhiễm là từ các công ty cung cấp vật tư và đồ ăn cho bệnh viện hoặc nhân viên phục vụ căng tin tại đây. Bệnh viện này nhanh chóng được cách ly cho đến ngày 12/4 như một cách để ngăn chặn lây nhiễm, phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh và theo dõi những người đã tiếp xúc với khoảng 5.000 nhân viên và các bệnh nhân tại bệnh viện này.

Với những sự kiện gần đây tại Việt Nam, ngày 1/4, Thủ tướng đã ra lệnh cách ly xã hội và dân chúng được yêu cầu không rời khỏi nhà của họ, chỉ khi cần thiết trong 22 ngày, cho đến ngày 22/4, khi mà hai thành phố chính Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao được hạ xuống như thành phố có nguy cơ lây nhiễm trung bình.

Nhưng trước khi có quyết định này, vào ngày 7/4, đã phát hiện một ổ dịch lây nhiễm mới ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội, nơi có 13 người bị nhiễm bệnh. Toàn bộ thôn Hạ Lôi được cách ly và xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Từ ngày 22/4, cả thôn vẫn được duy trì cách ly trong một thời gian xác định cho đến khi hoàn thành và không có ca nhiễm bệnh mới.

Tới ngày 1/5, Việt Nam đã phát hiện 270 trường hợp và 219 trường hợp được phục hồi, chiếm hơn 80% và quan trọng nhất là không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Tất cả thành công này là nhờ sự kiên trì của chính quyền trong cuộc chiến chống virus, theo dõi những người có thể nhiễm bệnh và những người đã tiếp xúc với họ.

Đặc biệt là sự tuân thủ của các công dân Việt Nam đối với các quy định nghiêm ngặt, mặc dù điều này hơi khó thực hiện bởi vì ở nhà 22 ngày mà không đi ra ngoài trong mùa này không phải là điều dễ dàng. Tất nhiên, mọi sự hy sinh đều có giá trị vì sức khỏe và sự an toàn của toàn xã hội.

Một điểm đáng chú ý khác là hành động nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam. Ngay khi phát hiện 1 trường hợp nhiễm bệnh mới, chính quyền đã ngay lập tức có những biện pháp cách ly các địa phương và tất cả những người tiếp xúc với họ.

Đồng thời, việc kiểm soát nhập cảnh của tất cả khách du lịch và công dân Việt Nam được thực hiện nghiêm ngặt. Những người này khi nhập cảnh được chuyển đến các khu cách ly tập trung trong vòng 14 ngày và thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết trong những ngày đó.

Tính đến ngày 1/5, có 42.129 người bị cách ly, hoặc tại bệnh viện, hoặc tại nơi cư trú của họ, hoặc tại các khu cách ly tập trung do chính phủ điều hành.

Bên ngoài một khu cách ly tại Hà Nội ngày 10/3. (Nguồn: Reuters)

Để kết thúc, tôi có thể chỉ ra rằng trong trận chiến này, nếu ví như trong một trận bóng đá thì Việt Nam giành phần thắng trong một nửa thời gian của trận đấu, trước kẻ thù độc ác và vô hình có tên Covid-19 đã gây nên nỗi ám ảnh cho tất cả chúng ta.

Từ giờ trở đi, theo tôi, đây sẽ là giai đoạn phức tạp nhất để giảm thiểu số người nhiễm bệnh và dần dần mở cửa nền kinh tế để làm sao giảm tối đa rủi ro ở một quốc gia 98 triệu dân và với các thành phố có hàng triệu dân như thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu chuyện về sự thành công của Việt Nam vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới. Bản thân tôi cũng đồng ý với các chuyên gia rằng việc bình thường hóa xã hội chỉ nên thực hiện cho đến khi có thể tìm ra các loại thuốc đặc trị hoặc vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

Sau khi đối mặt với loại virus vô hình này, thế giới sẽ gặt hái nhiều bài học kinh nghiệm.