📞
Sổ tay Văn hóa Đông - Tây:

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Mạc Ngôn nghĩ gì? (kỳ I)

09:00 | 13/09/2020
TGVN. Trong các tác phẩm, Mạc Ngôn khai thác nguồn gốc nông dân của gia đình, ghi lại những câu chuyện do người bà yêu dấu kể cho ông nghe thủa bé thơ và cả những gì diễn ra thời được huấn luyện trong quân đội.
Bìa cuốn sách "Báu vật của đời" và nhà văn Mạc Ngôn.

Nhà văn Trung Quốc đầu tiên được giải thưởng Nobel Văn học (năm 2000) là Cao Hành Kiện với tác phẩm Linh Sơn. Là một nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông di cư sang Pháp vào năm 1988 và mười năm sau (1998), ông trở thành công dân Pháp. Báo chí và giới phê bình Trung Quốc không hề rầm rộ về việc ông đoạt giải Nobel. Tờ Dương Thành vãn báo, vào năm 2001, thậm chí còn gọi ông là “nhà văn dở tệ” và cho rằng, việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch. Với chính quyền Trung Quốc, đó còn được xem là một đòn chính trị. Cao Hành Kiện không quan tâm đến sự chỉ trích này, ông tuyên bố: “Tôi với Trung Quốc như trang sách đã lật xong”. Thế nhưng, Linh Sơn của ông, tuy bị cấm rất gắt gao, lại được in trộm và bán lén lút trong một số cửa hàng, dưới tên một tác giả được bịa ra ngay tại chính quê hương mình...

Số phận của người Trung Quốc thứ hai đoạt giải Nobel Văn học (2012), Mạc Ngôn, lại khác hẳn. Hiện nay, ông là tác giả thuộc quản lý của Cục Chính trị - Bộ tổng Tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông được chính quyền hết sức hoan nghênh. Tên tuổi ông đã từng được trong nước và thế giới biết đến với tác phẩm Cao Lương đỏ (1986), được dịch ra tiếng nước ngoài (1988). Năm 1994, bộ phim cùng tên do đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể đã giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes.

Mạc Ngôn, tên thật là Quản Mô Nghiệp sinh năm 1955 trong một gia đình nhà nông nghèo tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thời kỳ loạn lạc bất ổn, cha mẹ thường khuyên ông có chuyện gì thì giữ lại, không nên nói ra ngoài vì “im miệng là tốt nhất”. Chính vì vậy mà sau này, ông đã chọn bút danh Mạc Ngôn với ý nghĩa là người không nói.

Từ năm 1959 đến 1961, gia đình ông gặp phải nạn đói do “Bước nhảy vọt của Mao”. Đến năm 1966, ông bị coi là phần tử xấu và bị đuổi khỏi trường học. Ông đã làm việc một thời gian ở nhà máy trước khi gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 1976. Mười năm sau (1986), ông tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng.

Trong các tác phẩm, Mạc Ngôn khai thác nguồn gốc nông dân của gia đình, ghi lại những câu chuyện do người bà yêu dấu kể cho ông nghe thủa bé thơ và cả những gì diễn ra thời được huấn luyện trong quân đội.

Sáng tác của ông có thể liệt vào phong trào “Tìm hiểu cội nguồn”, với các tác phẩm tìm về lịch sử quê hương Sơn Đông, về phương diện sử học, chính trị hay dân tộc, trong đó có một phần quan trọng là dành cho tự thuật, mà ngòi bút hiện thực thường điểm nhiều nét hài hước và huyền ảo. Sở dĩ, Mạc Ngôn được ưa thích trong và ngoài nước bởi văn phong rất phóng túng, không lẩn tránh đề tài như tình dục, quyền uy, chính trị của Trung Quốc hiện đại. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Mạc Ngôn là Cao Lương đỏVú to mông nhỏ (do sợ tục tĩu nên dịch là Báu vật của đời).

Cao Lương đỏ kể về một vùng quê trồng cao lương đỏ thời kháng Nhật. Cô gái trẻ Phượng Liên bị gả cho một người mắc bệnh phong. Trên đường đưa dâu, bị một bọn cướp phục kích. Cô được người phu kiệu cứu thoát và khi ấy, cô đã đem lòng yêu chàng trai trẻ này. Người này mấy hôm sau, khi cô bị trả về nhà, đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh phúc trong rừng đã đem lại cho cô một đứa con trai. Sau này, người cô yêu đã trở thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao, người anh hùng phục kích các đoàn xe quân sự Nhật. Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Dư Chiêm Ngao mà anh vẫn coi là cha nuôi. Người con gái ấy đã trở thành thiếu phụ, ngày ngày làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Sau đó, trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết, bà nói cho con trai biết về người cha thực sự, rồi ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của bà.

Vú to mông nhỏ lấy bối cảnh chính là vùng Cao Mật, bắt đầu từ dòng họ Thượng Quan, có đứa con dâu sinh đến đứa con gái thứ bảy mà vẫn chưa có một mụn con trai. Chồng của chị là Thọ Hỉ, nổi giận lôi đình đến mức cầm chày gỗ ném vào đầu chị. Lỗ Thị là người ở Sơn Đông, mới sáu tháng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ do chiến tranh. Cô được người cô và ông chú dượng mang về nuôi. Lên mười sáu tuổi, qua vụ đổi chác tiền bạc giữa người cô và Thượng Quan Lã Thị - mẹ chồng Lỗ Thị sau này, mà cô phải về làm dâu, chịu đựng biết bao đau đớn và tủi nhục. Đặc biệt, cô lại lấy phải Thọ Hỉ - một ông chồng “bất lực”, “không có khả năng truyền giống” khiến cô phải cắn răng đi “xin giống” của đàn ông khắp thiên hạ. Tưởng rằng có con thì cuộc đời Lỗ Thị sẽ đỡ khổ, nhưng không, cô vẫn phải gánh cái hủ tục nặng nề “trọng nam khinh nữ”, vì không sinh được con trai nối dõi. Cô bị người mẹ chồng hành hạ, bị người chồng bạo ngược vũ phu. Cuộc đời cô chỉ sang trang khi cả nhà chồng bị lính Nhật tàn sát, chỉ còn Lã Thị - bà mẹ chồng và bầy con thơ nheo nhóc. Cô buộc phải trở thành bà chủ gia đình, gánh vác nhà Thượng Quan. Lỗ Thị có tổng cộng chín đứa con riêng, tám gái và một trai. Không chỉ là người mẹ xứng đáng, cô còn trở thành người bà hiền dịu khi chăm sóc tám đứa cháu ngoại khác nhau. Gia đình Thượng Quan qua bao cơn “tai biến”, hết quân Đức, quân Nhật, Quốc Dân Đảng rồi đến Cộng sản Đảng, với cảnh tang tóc, li tán, nhưng Lỗ Thị vẫn mãi mãi giang tay che chở bảo bọc cho con cháu. Người phụ nữ ấy là hiện thân cho hình ảnh đất nước Trung Hoa lớn lên trên con đường phát triển với bao thăng trầm, “biển hóa nương dâu”…