Văn học viết bằng tiếng Pháp: khá nhiều nhà văn Bỉ viết tiếng Pháp nổi danh, nhưng họ đã trở thành công dân Pháp nên không tính vào văn học Bỉ. Thí dụ như Maeterlynck, Michaux, Simenon, Yourcenar…
Crommelynck Fernand (1885-1970) là nhà viết kịch bóc trần tâm hồn thật của con người, sử dụng mọi thứ logic nội tâm “lẩn thẩn” đến nực cười, hầu như vô lý. Tác phẩn chính: Anh chàng bị cắm sừng tuyệt vời (1920).
Anh chàng bị cắm sừng tuyệt vời là một vở “kịch hề trữ tình”, được coi là kiệt tác của Crommelynck. Tác giả đề cập đến ghen tuông dưới một sắc thái mới: miêu tả một tình yêu chân thật trong một tâm hồn đa nghi tự chuốc lấy vạ; quá trình diễn ra với một logic chặt chẽ, vừa nực cười vừa đau xót. Nhân vật chính là Bruno.
Anh yêu và lấy Stella, một cô gái thơ ngây, yêu chồng thiết tha, chung thủy với chồng. Chính tấm lòng chung thủy ấy lại khiến cho chồng ngờ là vợ giả vờ. Anh ghen bóng ghen gió, do đó mất hết tỉnh táo; anh tìm mọi cách, dăng đủ mọi bẫy để có bằng chứng là vợ ngoại tình.
Những cuộc nói chuyện với vợ chỉ là một thứ độc thoại của chồng muốn tìm hiểu và dò la. Anh chàng đọc cho thư ký viết những bức thư tình giả cho vợ. Rồi tới một lúc, để nghe chồng, cô vợ thụ động ngã vào vòng tay người khác trước cái cười hãi hùng và nghi hoặc của chồng.
***
De Coster Charles (1827-1879) là nhà văn khai thác vốn cổ đất nước. Tác phẩm chính: Truyền thuyết về Ulenspiegel và Lamme Goedzack ở xứ Flandres và các nơi khác (1867).
Truyền thuyết về Ulenspiegel và Lamme Goedzack ở xứ Flandres và các nơi khác (1867): Ulenspiegel (hay Eulanspiegel - tiếng Đức là chiếc gương của con cú) là một nhân vật trong truyện dân gian các vùng chịu ảnh hưởng Đức.
Có thể có một người mẫu thật của Ulenspiegel, sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIV. Ulenspiegel là một gã nông dân ra tỉnh, tính thích đùa cợt. Gã chơi cho dân thị thành vốn coi khinh người nông thôn nhiều vố cay độc (kiểu Trạng Quỳnh hay Ba Giai – Tú Xuất). Đối tượng trêu trọc của Ulenspiegel là những chủ quán, dân buôn, có khi cả tu sỹ và quý tộc.
Tác phẩm của De Coster kể về đời sống giang hồ của Ulenspiegel dưới một ánh sáng mới: Ulenspiegel trở thành một vị hảo hán làm việc nghĩa, gỡ những oan trái cho nhân dân, trừ gian để bảo vệ người ngay.
Truyện xảy ra dưới thời Bỉ - Hà Lan bị bạo chúa Tây Ban Nha Philippe II cai trị: nhân dân nổi dậy. Bố Ulenspiegel bị thiêu sống vì tội dị giáo. Ulenspiegel cùng một bọn khốn cùng tập hợp nhau làm loạn, chống lại chính quyền Tây Ban Nha.
Có thể coi tác phẩm là một thứ anh hùng ca dân tộc, vừa gây cười, vừa tình cảm, cách kể chuyện hấp dẫn.
***
Ghelderode Michel de (1898-1962) là nhà viết kịch theo phong cách biểu hiện chủ nghĩa, pha lẫn thần bí và kệch cỡm. Tác phẩm chính: Barabbas (1928), Cô Jaire (1949), Kỷ yếu âm phủ (1929).
Barabbas là kịch tôn giáo, rút từ Kinh thánh ra, có thể coi là một thi phẩm nói và diễn của Ghelderode. Barabbas là một tên ăn trộm bị án tử hình, được dân Do Thái xin cho ân xá nhân ngày lễ đạo Do Thái; trong khi đó, Chúa Jésus cũng bị án tử hình thì lại không được dân xin cho ân xá. Chẳng bao lâu, sau khi Jésus bị chết đóng đinh trên cây thập tự, Barabbas tỉnh ngộ do Ân Chúa và cũng bị giết hại. Tác giả viết kịch này cho gánh hát dân gian xứ Flandern hay Flandre.
Kỷ yếu âm phủ là kịch một màn. Câu chuyện xảy ra trong một Tòa Giám mục cổ kính xứ Flandre. Ở ngoài, đám đông làm ồn, xỉ vả các tu sỹ trong Tòa Giám mục vì được tin là giám mục Jan in Éremo chết, dân chúng không tin, đòi được xem thi hài của vị giám mục được mọi người ưa thích.
Trong khi phó giám mục Laquedeem kể cho thư ký của Giáo hoàng về cái chết của giám mục Jan trong tiếng ồn ào của dân chúng và tiếng sấm rền, thì chính giám mục Jan bước vào phòng, ngơ ngác, âm thầm.
Ông già 70 tuổi ấy có vẻ nhọc mệt, nghẹn ngào, không hiểu là hấp hối sắp chết hay chết rồi hồi lại. Cổ họng hình như bị nghẹn; ông giãy giụa, thổ ra cả bánh thánh do phó giám mục bỏ thuốc độc. Sau đó, ông biến vào phòng liệm.
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Tây Ban Nha (kỳ cuối)
Văn học Tây Ban Nha bao gồm các thể loại văn học như thơ, văn xuôi và kịch, trong đó nhiều tác giả, tác phẩm ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 16)
Ungaretti Giuseppe (1888-1970) là nhà thơ, tác phẩm chính: Vui sướng, Bến cảng bị vùi, Cảm xúc thời gian; Verga Giovanni (1840 - 1922) là ... |