Bartolini Luigi |
Bartolini Luigi (1892 - 1963) là nhà văn, nhà báo, họa sĩ theo khuynh hướng “Hiện thực mới”. Tác phẩm tiêu biểu: Tên ăn cắp xe đạp (1946).
Tên ăn cắp xe đạp là tiểu thuyết nổi tiếng đặc biệt. Vai chính là một công nhân thất nghiệp mua được một chiếc xe đạp làm công cụ làm ăn. Anh ta bị đánh cắp xe đạp.
Đề tài đi tìm xe mất là một cái cớ để tác giả đi sâu vào nạn thất nghiệp hoành hành ở Italy từ nửa thế kỷ, và đi sâu vào cả nỗi cô đơn của người dân thành thị (bơ vơ không ai giúp khi hoạn nạn).
Tác giả miêu tả một thành phố La Mã là ổ trộm cắp (các đường ngang ngõ dọc, gái đĩ, buôn lậu). Người bị mất xe nhờ cảnh sát can thiệp nhưng không ăn thua gì. Về sau, nhờ một gái đĩ môi giới, anh chuộc lại được chiếc xe đã mất.
Bernari Carlo (1909) là nhà viết tiểu thuyết hiện thực mới. Tác phẩm chính: Ba công nhân (1934).
Ba công nhân là tiểu thuyết đầu tiên viết về công nhân. Bút pháp hiện thực sâu sắc, như Alvaro viết về nông nhân.
Dưới con mắt của Bernari, thành phố Napoli giống như một thành phố phía Bắc chìm trong sương mù, các nhân vật phải đối phó với những thực tế trong khoảng thời gian 1918-1922: thất nghiệp, sinh hoạt công đoàn và chính trị sôi nổi, đình công…
Betti Ugo. |
Betti Ugo (1892 - 1953) là thẩm phán, sinh ra trong một gia đình tư pháp. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết và kịch (vạch trần tội lỗi dưới bộ mặt đường bệ, tập thể có trách nhiệm, chỉ Thượng đế mới xét xử công bằng).
Ông được coi là một tác giả quan trọng của sân khấu hiện đại Italy. Kịch: Tòa án thối nát (1944).
Trong Tòa án thối nát, Betti chú trọng vào phân tích tâm lý nhân vật do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Pirandello. Ông bóc trần tâm sự hư đốn của con người, đặc biệt là của giới tư pháp “đáng kính”.
Công lý của con người, vấp phải dục vọng (tiền, quyền lực). Sáng tác của ông phản ánh một lương tâm day dứt, tuy vậy, kết thúc tác phẩm bao giờ cũng hé chút ánh sáng hy vọng.
Boccaccio Giovanni |
Boccaccio Giovanni (1313 - 1375) là nhà văn, nhà nhân văn thời Phục Hưng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Decamerone (1349 - 1353) hay Mười ngày.
Decamerone hay Mười ngày là tập 100 truyện kể rải ra trong 10 ngày (tiếng Hy Lạp, deca: 10; hemera: ngày). Mặc dù phần nào còn gắn với thời Trung cổ, Boccaccio đã là người của thời Phục Hưng.
Ông là một nhà văn khẳng định giá trị và thấm nhuần tinh hoa văn hóa cổ Hy Lạp, La Mã. Boccaccio hiểu biết và yêu tha thiết cuộc sống trần gian (khác với thời Trung cổ với lý tưởng Thiên chúa giáo hướng về thế giới bên kia). Boccaccio sáng tác nhiều bằng tiếng La-tinh, nhưng vinh quang của ông lại là những tác phẩm bằng tiếng Italy, đặc biệt là tập Decamerone.
Năm 1348, trong khi bệnh dịch hạch hoành hành, 10 thanh niên thượng lưu (bảy nam, ba nữ) lánh nạn ở một biệt thự nông thôn. Họ quyết định mỗi người một ngày kể chuyện để giết thời giờ. Các truyện rất nhiều màu sắc, khi thì châm biếm giễu cợt, khi thì hiện thực trắng trợn thô lỗ, khi thì tình cảm thanh cao, bi xen lẫn hài.
Các đề tài truyện rất khác nhau, phần nhiều lấy tình yêu là động cơ, đề cao hiệu quả của bản năng, đầu óc khôn ngoan thực tế, lòng ham muốn thành công.
Có thể nói Boccaccio là ông tổ truyện ngắn phương Tây. Ông kể chuyện rất có duyên, rất sống động, tâm lý nhân vật rất thật, ông biến những chuyện vay mượn thành hiện thực.
Có nhiều truyện nổi tiếng, có ảnh hưởng lâu dài đến văn học châu Âu như: Bernabo ở thành Genoa kể về một người vợ trung thành bị một tên xảo trá vu là đã ngủ với hắn. Nàng trốn đi và sau đã lật mặt nạ của hắn. Isabella kể về một cô gái chôn đầu người yêu (bị anh em cô giết) vào một chậu cây, cô tưới bằng nước mắt.
Calandrino và hòn đá tàng hình kể về một anh chàng ngốc bị bạn lừa, đi tìm một thứ đá có thể khiến cho anh ta tàng hình (anh ta đánh oan vợ vì cho là vợ đã làm hòn đá mang về mất thiêng).
Titus và Gisippus kể về một chàng sinh viên thấy bạn mê vợ chưa cưới của mình, liền nhường nàng cho bạn vào đêm tân hôn, chàng bỏ đi, sống lao đao, suýt bị xử tử nếu không được bạn cứu thoát.
Griselda kể về một người vợ một dạ trung thành đối phó với những thử thách của chồng.