📞

Nhân tố Nga trong mối quan hệ Mỹ-Trung

Thái Bình 18:41 | 19/05/2021
Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm rất khác biệt về Nga. Và ở chiều ngược lại, nhân tố Nga cũng có những tác động rất riêng đối với 2 quốc gia này.
Nhân tố Nga có những tác động rất riêng đối với Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: The Telegraph)

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga gần đây đã trở nên đặc biệt căng thẳng, với các đòn trừng phạt và trả đũa ngày càng leo thang cũng như các động thái trục xuất giới chức ngoại giao khiến dư luận dậy sóng.

Tháng 4/2021, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Nga những năm gần đây đã quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 2 lần khen ngợi ngươi đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu gần đây. Hai bên thậm chí còn thống nhất về một cuộc gặp vào tháng 6 tới.

Rất dễ hiểu khi có người tự hỏi những mâu thuẫn giữa Moscow và Washington sẽ có những tác động gì hay ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Mỹ-Trung.

Trên thực tế, xét đến mối quan hệ này, người ta không thể không nhắc đến yếu tố Nga. Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm rất khác biệt về Nga.

Và ở chiều ngược lại, nhân tố Nga cũng có những tác động rất riêng đối với 2 quốc gia này.

Láng giềng tốt

Nga và Trung Quốc muốn trở thành láng giềng tốt và đối tác của nhau bởi cả hai đều tập trung vào mục tiêu siết chặt mô hình quản trị, khôi phục đất nước và vì vậy cần một môi trường quốc tế đảm bảo an ninh.

Kể từ khi Liên Xô tan rã và nước Nga độc lập hình thành, hai bên đã và đang nỗ lực tăng cường hợp tác.

Những thành tựu mang tính bước ngoặt trong quan hệ Nga-Trung có thể kể đến như Tuyên bố hồi tháng 4/1996 về quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, dựa trên bình đẳng và tin cậy lẫn nhau để hướng tới thế kỷ XXI; khởi động Cơ chế Thượng Hải 5 cũng ngay trong tháng 4/1996, tạo tiền đề thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 6/2001; ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Láng giềng Tốt tháng 7/2001.

Hai bên cũng đã phối hợp hành động trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), Nhóm BRICS, G20 và các tổ chức quốc tế khác nhằm thúc đẩy mục tiêu hòa bình và phát triển thế giới.

Đáng chú ý, Trung Quốc và Nga đã biến những xích mích và đối đầu trong lịch sử từ những năm 1960-1980 thành nền tảng để củng cố tinh thần bình đẳng, tin cậy, bao trùm, học hỏi lẫn nhau và hợp tác vì lợi ích chung.

Hai nước tuân thủ các nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào các nước thứ ba. Nói cách khác, sự phát triển và củng cố quan hệ Nga-Trung không nhằm vào Mỹ.

Yếu tố Nga không có ảnh hưởng trực tiếp đặc biệt đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố nở rộ hồi đầu những năm 2000, Mỹ và Nga từng phối hợp chặt chẽ và xích lại gần nhau. Trung Quốc nhận thấy điều này có lợi cho hòa bình và phát triển của thế giới, vì vậy không mấy lo ngại.

Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng xa rời và hiện thậm chí còn rơi vào bế tắc. Trung Quốc cho rằng, điều này không tốt cho cả hai nói riêng và thế giới nói chung.

Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã cố gắng kiềm chế Trung Quốc bằng cách lôi kéo Nga nhưng không được Moscow đáp lại. Chính quyền Mỹ hiện nay của Tổng thống Joe Biden dường như cứng rắn hơn với Nga song đồng thời cũng phần nào “bất lực” trước một Tổng thống Putin mạnh mẽ và cứng rắn.

Ba điểm nhấn

Theo trang China Focus, có 2 luồng quan điểm về nhân tố Nga trong mối quan hệ Mỹ-Trung rất đáng để cân nhắc.

Đối với một số người, sự thù địch giữa Mỹ và Nga kéo dài trong vài năm là điều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cuộc xung đột khó giải quyết và va chạm là điều khó tránh, thậm chí có thể kích động chiến tranh hạt nhân, và kéo cả Trung Quốc sa lầy. Mỹ và Nga sở hữu hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa thế nào nếu chiến tranh hạt nhân bùng phát?

Một ý kiến khác cho rằng, cách tiếp cận của Mỹ sẽ đưa Trung Quốc và Nga tiến tới việc xây dựng một liên minh. Đây là hệ quả của việc Mỹ cố gắng chiến đấu trên 2 mặt trận cùng một lúc.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga hiện ở mức sâu sắc và có ý nghĩa hơn nhiều so với một liên minh theo nghĩa thông thường. Mối quan hệ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi Mỹ.

Tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai của Nga hồi tháng 10/2020, Tổng thống Putin thậm chí còn nói rằng, ông "hoàn toàn có thể hình dung" về một liên minh quân sự với Trung Quốc, song lòng tin chiến lược và hợp tác song phương đã đạt đến mức cao đủ để sự hình thành một liên minh về mặt nguyên tắc trở thành điều không cần thiết.

Nhân tố Nga trong mối quan hệ Mỹ-Trung có một số đặc điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, ba nhóm mối quan hệ khác nhau liên quan đến Trung Quốc, Mỹ và Nga thể hiện những đặc điểm khác nhau, không chỉ bắt nguồn từ những điều kiện khác nhau mà còn từ chính sách, ý chí và mức độ tin cậy lẫn nhau trên phương diện chính trị.

Mối quan hệ Mỹ-Nga không phụ thuộc vào Trung Quốc, và mối quan hệ Mỹ-Trung cũng không lệ thuộc vào Nga.

Thứ hai, Trung Quốc và Nga ủng hộ và phát huy “tinh thần Thượng Hải” về tin cậy lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và phát triển chung.

Điều này có nghĩa là cả Trung Quốc và Nga sẽ không cản đường đối phương trong nỗ lực phát triển mối quan hệ với Mỹ.

Thứ ba, để xử lý đúng đắn các mối quan hệ nước lớn, điều quan trọng là mỗi bên đều phải trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình ngay từ đầu. Tất cả các nước lớn nên tìm kiếm vị trí thích hợp và đối xử bình đẳng với nhau.

Tâm lý chiến tranh lạnh và triết lý “một mất một còn” là điều không ai mong muốn trong bối cảnh ngày nay.

(theo China Focus)