Giới chức quân sự vẫn đứng ngoài mọi cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập. (Nguồn: Tellerreport) |
Ai đang đứng ngoài mọi đối thoại
Hãng tin Europa Press của Tây Ban Nha vừa qua dẫn một báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đánh giá rằng, tương lai của Venezuela sẽ không thể được quyết định nếu không có tiếng nói của giới quân sự, bởi các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nước này hiện nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt cả trong chính quyền lẫn các doanh nghiệp, vốn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Hiện nay, cả Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lẫn thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido dường như đều hiểu rõ điều này, song đến nay, giới chức quân sự vẫn đứng ngoài mọi cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập.
Từ sau khi tự phong là “tổng thống lâm thời” Venezuela vào ngày 23/1/2019, ông Guaido đã tìm mọi cách để kêu gọi sự ủng hộ của giới chức quân sự, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí, nhân vật này còn phát động một cuộc đảo chính có sự tham gia của một nhóm nhỏ trong quân đội hồi cuối tháng 4/2019, nhưng ngay lập tức bị dập tắt do phần lớn giới tướng lĩnh vẫn trung thành với Chính phủ.
Trong khi đó, kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước hồi năm 2013, ông Maduro không ngừng gia tăng các ưu đãi cho các quan chức cấp cao trong quân đội, vốn đã được thực thi từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez.
Trong báo cáo “Những bí ẩn quân sự của Venezuela”, ICG cho biết, hiện nay Venezuela có khoảng hơn 2.000 sĩ quan cấp tướng đang tại ngũ hoặc đã về hưu. Điều này cho thấy, cả ông Chavez lẫn ông Maduro đều luôn tìm cách ưu tiên tính trung thành khi quyết định nâng hàm cấp cho các sỹ quan.
Vai trò quyết định cho một cuộc thay đổi
Các tướng lĩnh cấp cao kiểm soát hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nắm giữ các vị trí chính trị và quản lý quan trọng, chịu trách nhiệm giám sát an ninh nội địa của đất nước.
Minh chứng rõ nhất là việc có tới 7 trong tổng số 20 thống đốc của phe cầm quyền có nguồn gốc từ lực lượng vũ trang và 20-30% các bộ trưởng trong nội các đã từng là sỹ quan cao cấp trong quân đội. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2017, Venezuela đã thành lập 14 doanh nghiệp quân đội nằm trong 20 lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, khoáng sản, dầu khí, ngân hàng, du lịch và truyền thông.
Venezuela vẫn chưa có một tương lai rõ ràng. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, không phải tất cả giới chức quân đội đều hài lòng với Chính phủ đương nhiệm. Đã có một số tướng lĩnh cấp cao quay lưng lại với Tổng thống Maduro khi tham gia cuộc đảo chính bất thành hồi cuối tháng 4/2019, trong đó có Giám đốc cơ quan tình báo quân sự.
Mặc dù vậy, đến nay đa số binh lính đào ngũ sang Colombia và Brazil trong giai đoạn căng thẳng nhất hồi giữa năm 2019 đều chỉ là các binh lính và sỹ quan cấp thấp. Theo thống kê, quân đội Venezuela có mức lương trong nhóm thấp nhất trên thế giới, cụ thể, một sĩ quan cấp tướng chỉ lĩnh trung bình khoảng 10 USD/tháng, trong khi binh lính cấp thấp chỉ lĩnh vỏn vẹn 2 USD/tháng và điều này cho thấy, họ vào quân đội để hưởng những khoản lợi ích khác ngoài lương, thậm chí là làm giàu từ các nguồn không được cho là hợp pháp.
Theo tiết lộ của một sĩ quan đào tẩu của Venezuela, các sĩ quan cấp trung ở Venezuela thường phải đấu tranh cật lực để có được một vị trí quản lý, giúp họ tiếp cận được "các nguồn" có thể cải thiện thu nhập, trong khi các vị trí chỉ huy và huấn luyện trên thực địa hầu như không mấy người quan tâm. Mặc dù vậy, trong nội bộ quân đội Venezuela luôn có một sự kiểm soát chặt chẽ mọi ý định nổi loạn và chỉ trong năm 2019 đã có khoảng 100 binh lính bị bắt giam vì các lý do chính trị.
Quân đội có vai trò quan trọng như vậy trong các hoạt động của đất nước, nên giới phân tích đặc biệt chú ý đến hiện tượng giới quân sự vắng mặt trong mọi cuộc đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo đang diễn ra trầm trọng tại quốc gia Nam Mỹ này. Thậm chí không có bất cứ một cuộc thảo luận nào liên quan tới vai trò của quân đội trong trường hợp diễn ra một cuộc chuyển giao quyền lực, cho dù rõ ràng sự đồng ý của các tướng lĩnh chóp bu trong lực lượng vũ trang sẽ đóng vai trò quyết định cho một cuộc thay đổi, nếu có, diễn ra thành công và đem lại sự ổn định cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là lực lượng vũ trang Venezuela ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào giữa chính phủ, phe đối lập và thúc đẩy sự tham gia nghiễm nhiên của họ vào một cuộc đối thoại.
ICG cho rằng, cơ hội tốt nhất để Venezuela có được hòa bình và ổn định sau khi ông Maduro ra đi là cần phải bảo đảm rằng, lực lượng vũ trang tham gia và có tiếng nói một cách sớm nhất trong việc thành lập và lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp. Sự tham gia của giới quân sự sẽ giúp nêu bật một cách trực tiếp vai trò của lực lượng vũ trang trong và sau khi diễn ra một cuộc chuyển giao quyền lực. Điều đó sẽ giúp cho chính phủ và cả phe đối lập bảo đảm khả năng các bên tôn trọng thỏa thuận và không một thế lực nào có thể can thiệp được.