Nhật Bản là trung tâm của Bộ tứ khi quốc gia Đông Bắc Á ngày càng được chính quyền Biden coi là bức tường thành quan trọng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. (Nguồn: Twitter) |
Tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của Nhật Bản sẽ được thể hiện khi nước này đón Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 15/3.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cùng với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Australia và Mỹ.
Tin liên quan |
'Xuất tướng' đến châu Á, Tổng thống Biden gửi gắm thông điệp gì? |
Thách thức từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Tokyo là chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của 2 quan chức chủ chốt trong chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Điểm đến của họ, nơi họ tham dự cuộc hội đàm 2+2 với Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của nước chủ nhà, phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ về thách thức do Trung Quốc đang trỗi dậy cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đặt ra.
Chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh chủ chốt trong khu vực là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Nhật Bản là trung tâm của liên minh này khi quốc gia Đông Bắc Á ngày càng được chính quyền Biden coi là bức tường thành quan trọng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc cũng như đối thủ tiềm năng là Nga ở châu Á-Thái Bình Dương như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trước cuộc đối thoại 2+2 này, ngày 12/3, Nhóm Bộ tứ đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi diễn đàn 4 bên này là “nền tảng để xây dựng chính sách quan trọng của Mỹ” trong khu vực.
Vị thế của Nhật Bản
Một trong những nội dung được thảo luận là một chiến dịch mới mà Washington, Tokyo, Canberra và New Delhi đang thực hiện để phân phối vaccine ngừa Covid-19 ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhà Trắng gần đây đã tổ chức các cuộc hội đàm với các thành viên khác của Bộ tứ về sáng kiến an ninh và ngoại giao mới này.
Chính quyền Biden coi Nhật Bản là “chiếc mỏ neo” tiềm năng của liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu ở châu Á. |
Đầu tiên, Tokyo là thành viên lâu đời của các câu lạc bộ phương Tây như nhóm G7, và Washington không chỉ coi trọng vai trò địa chính trị mà còn cả vai trò tài chính trụ cột mà Tokyo có thể đóng với tư cách nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Cũng có những suy đoán rằng Nhật Bản có thể được mời tham gia liên minh tình báo Five Eyes gồm Canada, Mỹ, Anh, Australia và New Zealand.
Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, sự chuyển đổi dần dần vai trò thế giới của Nhật Bản một phần bắt nguồn từ thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế thần kỳ của nước này sau chiến tranh, dẫn đến việc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tokyo phải có các hoạt động tương xứng với sức mạnh kinh tế thông qua những cam kết đối với các mối quan hệ chính trị quốc tế.
Ngoài Mỹ, nhiều nước phương Tây cũng hoan nghênh cam kết tăng cường thương mại quốc tế và trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ” của Nhật Bản.
Tokyo cũng là nước đi tiên phong trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký hồi năm 2020 cùng với 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Canada, Singapore, New Zealand, Nhật Bản, Chile, Brunei , Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam).
Hiệp định này ban đầu được chính quyền của Tổng thống Barack Obama thúc đẩy nhằm gắn kết Mỹ vào các mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn với các đồng minh truyền thống trong khu vực, và chính quyền Tổng thống Biden có thể tìm cách tham gia trong thời gian tới.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ ngày 12/3. (Nguồn: Kyodo) |
Ngoài những yếu tố cấu trúc thúc đẩy chính sách quốc tế của Nhật Bản, cựu Thủ tướng Abe Shinzo - thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản - đã rất thành công trong việc củng cố mối quan hệ với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Ông thậm chí đã thuyết phục được cựu Tổng thống Donald Trump rằng bất chấp chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, an ninh của Nhật Bản cần phải có sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ với tư cách là “nền tảng của hòa bình” ở châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này đã tạo ra một di sản quan trọng để Thủ tướng kế nhiệm Suga Yoshihide xây dựng và củng cố mối quan hệ Nhật-Mỹ khi đối mặt với những bất ổn quốc tế về một loạt vấn đề, bao gồm cả vấn đề Triều Tiên.
Những lo ngại đối với Bình Nhưỡng đang gia tăng trở lại sau khi một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lưu ý về khả năng tái chế nhiên liệu hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử của nước này.
Các quan chức Mỹ cho rằng một động thái như vậy (của Triều Tiên) có thể nhằm tạo ra lá bài mặc cả với chính quyền Biden để gây sức ép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Khi chính quyền Mỹ xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng, IAEA đã gọi việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân là một hành vi vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và là điều “vô cùng đáng tiếc”.
Dưới thời chính quyền Trump, Nhật Bản đã lo ngại rằng Mỹ có thể xem xét ký một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo đó Bình Nhưỡng sẽ đồng ý từ bỏ các tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ nhưng không loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đe dọa Tokyo và các thành phố khác của Nhật Bản.
Tuy nhiên, vấn đề này đã trở nên ít được chú ý hơn khi cuộc đối thoại của Trump với Triều Tiên bị đình trệ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, cách tiếp cận của Tổng thống Biden với Triều Tiên có thể là gia tăng các biện pháp trừng phạt hoặc các sáng kiến ngoại giao chưa xác định khác.
Tin liên quan |
Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên |
Tuy nhiên, động lực chính khiến quan hệ Mỹ-Nhật ngày càng khăng khít là yếu tố Trung Quốc, với hàng loạt mối lo ngại, trong đó có tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông.
Đây là lý do tại sao Tokyo sẽ hoan nghênh vai trò trung tâm của mình trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.
Trong các cuộc gặp sắp tới, cả hai bên sẽ nhắc lại sự phản đối đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời chia sẻ mối “quan ngại sâu sắc” về Luật Hải cảnh mới nhiều tranh cãi của Bắc Kinh.
Chính quyền Biden cho rằng Nhật Bản giờ đây có thể trở thành “mỏ neo” của Bộ tứ khi Mỹ tìm cách tăng gấp đôi sức mạnh của các liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu Trump.