📞

Nhật Bản ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thiên tai

Phương Thảo 14:10 | 17/10/2021
Các công ty ở Nhật Bản tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong việc cung cấp các giải pháp xử lý thảm họa như giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Khi thiên tai xuất hiện, người dân Nhật Bản vẫn có thể tắm bằng nước sạch với thiết bị do công ty Wota sản xuất. (Nguồn: Wota Corp.)

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, số lượng thảm họa liên quan đến thời tiết đã gia tăng trong 50 năm qua, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Nắm bắt được xu thế này, các công ty ở Nhật Bản đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong việc cung cấp các giải pháp xử lý thảm họa như giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Hidemichi Miyake, Phó Giáo sư tại Đại học Senshu và là chuyên gia về thị trường mới cho biết: “Các doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ thiên tai mới, nơi các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng tối đa thế mạnh của mình”.

Khi thảm họa xảy ra, người dân bị hạn chế tiếp cận với nguồn nước sạch, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và tình trạng vệ sinh kém. Để giải quyết vấn đề này, công ty hệ thống tuần hoàn nước Wota có trụ sở tại Tokyo đã bán các nhà máy xử lý nước di động kể từ năm 2019. Quy trình hiện đại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã cho phép các nhà máy này tái chế và khử trùng nước, giúp cho người dân có thể tái sử dụng 98% nước để tắm và rửa tay.

Wota đã cung cấp hệ thống nhà máy xử lý nước cho 13 thành phố và 20 nơi trú ẩn khẩn cấp, giúp 20.000 người tiếp cận với nước sạch. Ông Shin Ichikawa, Giám đốc quan hệ công chúng của Wota cho biết, công ty đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài trong tương lai để đáp ứng nhu cầu về nước sạch.

Một vấn đề phải đối mặt sau động đất và thảm họa thiên nhiên là tìm kiếm nhà vệ sinh sạch sẽ. Việc thiết lập nhà vệ sinh di động thường mất khoảng ba đến bốn ngày, vì vậy, một số người dân đã tránh đi tiểu bằng cách uống ít nước, dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe.

Kokenawa - công ty khởi nghiệp tại tỉnh Aichi, đã sáng chế ra túi vệ sinh di động được gấp lại thành hình vuông khoảng 7cm, bên trong có chất làm đông tụ và chất khử trùng. Khi sử dụng, người dùng có thể đặt trên bồn cầu hoặc trên mặt đất, sau đó buộc túi lại và vứt vào sọt rác.

Trong bài phỏng vấn với Nikkei Asia, Chủ tịch công ty Asutekku nêu rõ: “Người già và những người sức khoẻ yếu không thể đi gánh nước khi thiên tai kéo đến. Vì vậy, chúng tôi đã phát minh ra các bồn chứa nước lên tới 72 lít, giúp cho cộng đồng dân cư được phân phối đủ nước sạch cho đến khi có viện trợ”.

Có thể nói, các công ty khởi nghiệp và công ty nhỏ tại Nhật Bản đóng vai trò ngày càng lớn trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai. So với các công ty lớn, các công ty khởi nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được nhìn nhận là có thể bắt kịp nhanh hơn trong việc phát triển các dịch vụ mới.

Ngoài ra, không giống như các công ty lớn chuyên cung cấp các dịch vụ đồng nhất và quy mô lớn, các công ty nhỏ có thể cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đó là thế mạnh lớn nhất của họ trong thời đại thay đổi nhanh chóng.

(theo Japan Times)