Ông Mai Phước Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao đã chia sẻ với chúng tôi như vậy trong một buổi chiều cuối năm. Cuộc trò chuyện gần một tiếng đồng hồ giúp chúng tôi hiểu hơn về hậu trường của các chuyến thăm cấp cao là những con người nhiều đêm không ngủ, những hành trình dài ngày đầy căng thẳng và những trái tim “chung thủy” với nghề.
Ông Mai Phước Dũng (ngoài cùng bên trái) trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Cấp cao APEC, tháng 11/2015. |
“Đã quen nghề chiến đấu”
Ông Dũng chia sẻ rằng năm 2015 (từ tháng Năm) khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ mới là Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước cũng là năm ông cùng đồng nghiệp đón số đoàn kỷ lục: 153 đoàn các cấp vào thăm Việt Nam so với 145 đoàn năm ngoái, đồng thời, phục vụ nhiều chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Thủ tướng…
Đâu phải lịch trình các chuyến thăm ra nước ngoài và các đoàn đến Việt Nam rải đều trong mười hai tháng. Tháng nào cũng có đoàn vào, đoàn ra nhưng năm qua, ông Dũng cùng đồng nghiệp phải làm việc căng thẳng nhất trong hai tháng cao điểm là tháng Tám và tháng Mười Một. Ông chia sẻ rằng, cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, Cục không chỉ chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Ngoại giao, diễn ra trọng thị theo nghi lễ nhà nước, mà còn tổ chức chiêu đãi Quốc khánh 2/9 cấp nhà nước với 580 khách tại Nhà Quốc hội, lễ diễu binh, diễu hành mừng Ngày Độc lập. Thậm chí, trước đó, ngày 31/8, Cục còn đón đoàn Tổng thống Venezuela sang thăm cấp nhà nước.
Tháng 11/2015, trong ba ngày liên tiếp, mùng bốn, mùng năm và mùng sáu, Cục tham gia đón ba đoàn cấp nhà nước sang thăm Việt Nam bao gồm đoàn của Tổng thống Iceland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Italy. “Trong năm APEC 2006, chúng ta từng đón năm đoàn cấp cao trong hai ngày nhưng ở thời điểm bình thường thì chưa bao giờ trong ba ngày chúng ta đón ba đoàn cấp nhà nước như vừa qua”, ông Dũng cho biết.
Dồn dập là vậy, “căng” là vậy nhưng tất cả công việc đều diễn ra suôn sẻ, đúng kế hoạch, kể cả việc đón đoàn yêu cầu chính trị rất cao như đoàn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây thực sự là một thành công lớn. Cục trưởng Dũng cho biết, làm được điều đó là nhờ “Lãnh đạo chỉ đạo sát sao. Anh em lễ tân làm việc không quản ngày đêm, phối hợp với tất cả các Bộ, ban, ngành và các lực lượng tham gia, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra nhịp nhàng, chu đáo”.
Khối lượng công việc “khủng” như vậy nhưng khi kể lại, ông Dũng chỉ nói giản dị: “Một năm không bị chê, không để xảy ra sai sót là thắng lợi rồi!”. Ông Dũng chia sẻ rằng nhiều lúc cũng cảm thấy quá tải, mệt mỏi nhưng luôn tự động viên mình cố gắng bởi tất cả đồng nghiệp cùng phải cố gắng và vì “đã quen nghề chiến đấu”.
Câu chuyện tại Nhà Trắng
Tháng Ba tới đánh dấu hai mươi sáu năm vào nghề lễ tân ngoại giao của ông Dũng. Gần ba mươi năm trước, ông về Bộ và bắt đầu gắn với công việc lễ tân từ đó đến giờ, dù ở nước ngoài hay trong nước. Ông chia sẻ, công việc vất vả, đi nhiều, đòi hỏi phải tuân thủ “kịch bản” nhưng cũng phải linh hoạt trong mọi tình huống. Ai mà không yêu nghề thì sẽ không thể gắn bó được lâu dài.
Với ông, năm 2015 là một hành trình đáng nhớ. Trong năm qua ông đã tham gia tháp tùng nhiều đoàn cấp cao ra nước ngoài. Mỗi chuyến đi không những làm cho những “trang nhật ký nghề” của ông dày hơn, khiến ông “say” nghề hơn mà còn đọng lại cảm giác tự hào và yêu đất nước Việt Nam hơn.
“Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 5–9/7 đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Trước chuyến thăm, tôi sang Mỹ tiền trạm và “nằm” ở đó năm ngày nhằm rà soát lại các khâu chuẩn bị trước khi đoàn sang. Đặc biệt, trong chương trình Tổng Bí thư gặp Tổng thống Barack Obama, tôi là một trong năm cán bộ tùy tùng của Tổng Bí thư được vào Nhà Trắng. Tôi ngồi bên ngoài phòng chờ, cạnh phòng Bầu Dục thấy quá giờ 25 phút mà vẫn chưa thấy Tổng Bí thư đi ra. Lúc đó, tôi nghĩ chuyến thăm đã cực kỳ thành công”, Cục trưởng Dũng say sưa kể lại.
Chuyến thăm này được Tổng Bí thư khen là hoàn hảo từ nội dung cho tới lễ tân, an ninh và báo chí. Để làm được điều đó, ông và đồng nghiệp phải chuẩn bị chu đáo từng khâu một, lên kịch bản kỹ lưỡng, dự đoán mọi tình huống phát sinh.
Trong năm APEC 2006, chúng ta từng đón năm đoàn cấp cao trong hai ngày nhưng ở thời điểm bình thường thì chưa bao giờ trong ba ngày chúng ta đón ba đoàn cấp nhà nước như vừa qua", ông Dũng cho biết. |
Chuẩn mực mới về lễ tân
Ấn tượng thứ hai mà ông chia sẻ là khi Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã dành nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao nhất và khẳng định Việt Nam đã đưa ra những chuẩn mực mới về lễ tân.
Với hơn 160 đoàn, khoảng 2.000 đại biểu, đội ngũ lễ tân đã phải làm việc không ngừng nghỉ. Bản thân ông Dũng, sau khi vừa kết thúc nhiệm vụ là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney (Australia) và về nước tháng 11/2014, ông đã tham gia xây dựng toàn bộ kịch bản lễ tân cho sự kiện này, từ khâu đón tiếp tại sân bay, tiệc chiêu đãi, lễ khai mạc… Cục cũng đã giúp Quốc hội đào tạo tình nguyện viên, điều hành xe. Những hình ảnh hoành tráng trong đêm Gala tại Hoàng thành Thăng Long đã đi vào trái tim các đại biểu IPU khi tới Việt Nam.
Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 với sự chuẩn bị công phu, hoành tráng, trang trọng hay đoàn Thủ tướng tham dự COP 21 tại Paris cũng là những dịp đáng nhớ của ông và đồng nghiệp trong năm qua. Ông kể lại rằng, trong bối cảnh nước Pháp đang căng thẳng trong cuộc chiến chống khủng bố, an ninh siết chặt, đoàn Việt Nam ta sang tham dự COP 21 đông và chương trình hoạt động dày đặc khiến đội ngũ lễ tân rất khó xoay xở để đặt khách sạn, bố trí xe cộ.
“Chúng tôi phải rà soát kỹ càng, xe này giờ này dùng cho ai, phải tính toán kỹ lưỡng để không phải thuê xe nhiều quá, tránh lãng phí. Ban tổ chức chỉ cho đoàn Việt Nam 6 thẻ ra vào, vì vậy, chúng tôi phải cân nhắc từng cái thẻ để hài hòa thành phần của đoàn trong các sự kiện COP 21”, ông Dũng nói.
Nhớ lại hành trình đó, Cục trưởng Dũng vẫn rất vui khi trong thời gian hai tiếng ngồi chờ giữa các phiên họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc thu xếp được 23 trưởng đoàn các nước gặp song phương với Thủ tướng, góp phần vào thành công của chuyến đi.
Chẳng có hành trình nào và điểm đến nào giống nhau và nỗi lo của những người làm công tác lễ tân như ông thì luôn thường trực. Ông chia sẻ rằng khi nào đoàn về tới sân bay mà tất cả mọi người không kêu mất hành lý thì lúc đó mới thực sự nhẹ nhõm và an tâm. Sau đó, nỗi lo cho một chuyến hành trình mới lại bắt đầu…