Ông Putin tổ chức cuộc họp báo thường niên lần thứ 16 theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: AP) |
Cuộc họp báo kéo dài 4 giờ 29 phút. Mặc dù 774 nhà báo được cấp phép tham dự, nhưng chỉ có 237 người có mặt tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Moscow, nơi tổ chức hội nghị.
Ông Putin đã trả lời hơn 60 câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, từ các vấn đề trong nước đến các vấn đề quốc tế và các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19.
Bức tranh nhiều gam màu
Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới trong một năm đại dịch, Tổng thống Putin đã có một năm 2020 với nhiều gam màu pha tạp. Ở góc độ tích cực, ông đã thành công trong việc thay đổi Hiến pháp của Nga - cho phép ông tranh cử thêm hai nhiệm kỳ tổng thống nếu muốn.
Nga cũng tiếp tục chính sách đối ngoại của mình ở Libya và ở Nagorno-Karabakh, chứng tỏ vai trò là nhân tố chi phối trong cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, những diễn biến khác lại phủ bóng đen lên bức tranh năm 2020 của Tổng thống Nga. Giá dầu giảm làm suy yếu nền kinh tế của nước này và có thể gây ra nhiều rắc rối hơn nếu nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức thấp.
Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Belarus chống lại Tổng thống Aleksandr Lukashenko cho thấy sự yếu kém của một đồng minh chủ chốt. Trong khi đó, một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Moscow ở thành phố Khabarovsk phía Đông Nam hồi mùa Hè đã tiết lộ rằng tình hình ở vùng ngoại vi nước Nga không hề ổn định.
Nhiệm kỳ của ông Trump ở Nhà Trắng chuẩn bị kết thúc, còn ông Putin sẽ bước vào năm thứ 22 với tư cách là chính trị gia hàng đầu ở Nga. Tuy nhiên, vụ tấn công nhằm vào lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny cho thấy một nhà lãnh đạo không hề tự tin vào tương lai.
Tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nền kinh tế Nga không được “miễn nhiễm” và tỷ lệ tín nhiệm của Putin giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ trước năm 2014.
Các nhà khoa học Nga đã làm việc nỗ lực để phát triển một loại vaccine Covid-19 như một phần của cuộc cạnh tranh quốc tế nhằm chấm dứt đại dịch. Mặc dù ông Putin gây áp lực phải gấp rút sản xuất loại vaccine này để trở thành vaccine Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu và có thông tin rằng các nhân viên Chính phủ buộc phải tham gia các thử nghiệm tự nguyện, thế nhưng cho đến nay, chính ông vẫn chưa tiêm loại vaccine này.
Tuy nhiên, cho dù vaccine của Nga thành công thì vụ tấn công hóa học nhằm vào Navalny có thể sẽ được nhớ đến như một “câu chuyện y tế” đáng nhớ nhất của Nga năm 2020, giống như việc sáp nhập Crimea làm lu mờ kế hoạch lớn của Putin cho Thế vận hội Sochi năm 2014 nhằm thể hiện sự trở lại của Nga với sân khấu thế giới.
Dưới đây là những điểm nổi bật rút ra sau cuộc họp báo của Putin:
Giải pháp xử lý đại dịch Covid-19
Về đại dịch Covid-19, ông Putin nói rằng bất chấp những tin đồn đã lan truyền về nguồn gốc của virus, hiện không có bằng chứng nào có thể chứng minh những cáo buộc này chống lại một số quốc gia nhất định.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta cần xây dựng trên các vấn đề khác: không phải để tìm ra lỗi, mà là đoàn kết nỗ lực để giải quyết vấn đề”.
Xoay quanh việc đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến tình hình trong nước, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của hệ thống y tế quốc gia là đảm bảo rằng người dân được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực y tế cần thiết.
Ông nói: "Lĩnh vực ưu tiên của hệ thống chăm sóc sức khỏe là đảm bảo rằng công dân được tiếp cận 100% các dịch vụ y tế. Tôi có thể thấy rằng có nhiều vấn đề ở đây cần phải có giải pháp nhanh chóng. Đây là điều chúng tôi sẽ tập trung vào hàng đầu".
Kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế tại Nagorno-Karabakh
Ông Putin lưu ý rằng cộng đồng quốc tế nên biến lời nói thành hành động và đưa ra đề nghị giúp đỡ ở Nagorno-Karabakh.
Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng các nhân tố trung gian hòa giải quốc tế cuối cùng sẽ biến lời nói thành hành động và giúp đỡ những người cần hỗ trợ và những người tị nạn trở về Nagorno-Karabakh”.
Ông cũng lưu ý rằng mục tiêu chính của thỏa thuận ba bên mà các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đạt được trước đó là nhằm cứu sống người dân, còn mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu.
Thách thức trong quan hệ Nga-Mỹ
Tổng thống Nga hy vọng rằng ít nhất một số, nếu không phải tất cả, các vấn đề trong quan hệ Nga-Mỹ có thể được giải quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.
Ông nói: "Chúng ta bắt đầu từ tiền đề rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ hiểu những gì đang xảy ra - ông ta là một người có kinh nghiệm cả về chính sách đối nội lẫn đối ngoại - và chúng tôi hy vọng rằng trong tất cả các vấn đề đã phát sinh, ít nhất một vài vấn đề sẽ được giải quyết dưới thời chính quyền mới".
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny bị đầu độc, được cho là do cơ quan an ninh Nga thực hiện, khiến phương Tây không dễ dàng chấp nhận Nga trở lại. Các lệnh trừng phạt quốc tế có thể sẽ vẫn tiếp diễn.
Ông Putin cũng sẽ phải đối mặt với một tổng thống mới ở Mỹ, một người sẽ tập trung vào việc xây dựng lại các mối quan hệ quốc tế - điều có thể gây tổn hại tới nhà lãnh đạo Nga.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh CBS vào tháng 10/2020, ông Biden đã gọi Nga là “mối đe dọa lớn nhất phá hoại an ninh và các liên minh của Mỹ lúc này”. Ông Olga Oliker, Giám đốc Chương trình châu Âu và Trung Á tại Quỹ Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng khó có chuyện ông Biden sẽ nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Nga.
Phát biểu với Foreign Policy, ông Oliker nói: “Đội ngũ của ông Biden sẽ hành động rất cẩn trọng trong những vấn đề như Belarus, nơi có rất ít phạm vi hành động; hay cố gắng hỗ trợ Ukraine, quốc gia đã và đang có những vấn đề riêng; hay tìm cách hợp lý hóa các lệnh trừng phạt mà không tỏ ra ‘yếu ớt’ - trong khi cố gắng thúc đẩy tiến triển trong vấn đề kiểm soát vũ khí và giảm bớt căng thẳng”.
Ông Oliker lưu ý rằng ông Biden có thể tập trung chú ý vào các vấn đề trong nước, có nghĩa là mối quan hệ với Nga có thể phải đứng sau các ưu tiên khác.
Viết trên tạp chí Foreign Policy, tác giả David J. Kramer cho rằng, ông Biden không nên suy nghĩ quá nhiều về chính sách của Nga. Ông Kramer viết: “Chừng nào Tổng thống Putin vẫn còn nắm quyền, sẽ chẳng có ích lợi gì khi dành thời gian và nỗ lực để cố gắng cải thiện quan hệ Mỹ-Nga”.
Ngoài các cuộc đàm phán khẩn cấp về kiểm soát vũ khí hạt nhân, ông Kramer coi chính sách ngăn chặn là cách tiếp cận hiệu quả nhất của Mỹ trong việc đối phó với nước Nga của ông Putin.