📞

Những cú “lỡ miệng” nổi tiếng

08:00 | 22/07/2018
Với những nhà lãnh đạo, chúng ta tin tưởng họ điều hành đất nước, quản lý tài chính, tìm kiếm những cơ hội phát triển đất nước và vun đắp quan hệ với các quốc gia khác. Nhưng đôi khi, sự “lỡ miệng” của họ - dù vô tình hay hữu ý – lại khiến những câu chuyện bị đẩy đi khá xa.

Có lẽ, trên chính trường quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhà lãnh đạo nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất. Do xuất phát điểm không phải là chính trị gia “nhà nòi”, những phát ngôn của ông luôn bị báo giới soi mói và chỉ trích. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ thứ 45 không phải là nhân vật duy nhất trên chính trường quốc tế phải hứng chịu “búa rìu” dư luận bởi ai cũng có thể mắc sai lầm và các chính trị gia khác cũng không phải ngoại lệ...

Từ “sai một ly” của ông Trump...

Sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, diễn ra hôm 16/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã chủ trì một cuộc họp báo chung. Khi Tổng thống Trump được hỏi liệu ông có tin tưởng vào các cơ quan tình báo Mỹ hay không khi kết luận rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump trả lời: Ông được Giám đốc CIA thông báo rằng Nga là thủ phạm, nhưng ông không chắc chắn. “Tôi không thấy lý do nào khiến Nga phải can thiệp, Tổng thống Putin đã phản đối rất mạnh mẽ” - ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi họp báo ở Nhà Trắng ngày 17/7. (Nguồn: Independent)

Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã vấp phải rất nhiều chỉ trích từ giới phê bình trong nước cũng như quốc tế, từ phe đối lập và cả các nước đồng minh. Thậm chí, ông còn bị các chính trị gia trong đảng Cộng hòa chê trách rằng ông đã tin tưởng người đồng cấp Nga hơn cơ quan tình báo Mỹ.

Ngay khi về nước, ông Trum đã nhanh chóng tổ chức một buổi họp báo tại Nhà Trắng (ngày 17/7) và tuyên bố, ông hoàn toàn tin tưởng các cơ quan tình báo Mỹ và nhất trí với kết luận Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, có thể các nước khác cũng can dự và sự can thiệp của Nga không ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử. Ông cũng cho biết, bản thân đã “nói nhầm” khi tuyên bố “tôi không thấy lý do gì để nghi ngờ Nga đã can thiệp” và câu ông định nói là “tôi không thấy lý do gì mà lại không phải là Nga đã can thiệp”.

Không có ai ngoài ông Trump biết sự thật là ông đã nói nhầm hay đó chính là cách ngoại giao của ông khi dành những lời “có cánh” cho ông Putin - nhà lãnh đạo đất nước mà trong suốt khoảng hai năm trở lại đây - quan hệ với Mỹ “đã giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

...đến tiếng Anh chưa chuẩn của Tổng thống Pháp

Trước đó, hồi tháng Năm vừa qua, trong chuyến thăm chính thức đến Australia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ trì một buổi họp báo cùng Thủ tướng Malcolm Turnbull. Cuối buổi họp báo, ông Macron đã phát biểu bằng tiếng Anh – trong đó cảm ơn tới Thủ tướng nước chủ nhà và Phu nhân Lucy Turnbull vì sự đón tiếp nồng hậu.

Tuy nhiên, ông đã dùng từ “delicious” (có nghĩa là “ngon”) khi miêu tả bà Lucy Turnbull. Phát ngôn của ông Macron lập tức thu hút sự chú ý trên Twitter, nhiều người tranh luận rằng không biết ông Macron đang nói đùa hay vô tình nói nhầm bởi ngay trước đó, ông đã nói về thức ăn và rượu vang Pháp.

Dư luận dự đoán rằng, do ông Macron phát biểu bằng tiếng Anh, mà từ “ngon” trong tiếng Anh là “delicious”, trong khi ở tiếng Pháp, từ “délicieux” còn có nghĩa là “tuyệt vời” hay “thú vị”. Tiếng Anh và tiếng Pháp có nhiều từ khá giống nhau, nhưng cách sử dụng lại khác nhau. Có thể ông Macron đã bị lẫn trong khi tư duy từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Cũng may mắn, bà Lucy Turnbull không màng tới sự nhầm lẫn này mà còn khen ngợi ông Macron là “lịch thiệp”.

Và, khách mời biến thành... tham nhũng

Hồi tháng 5/2016, Thủ tướng Anh David Cameron đã diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham nhân sinh nhật lần thứ 90 của Nữ hoàng. Tuy nhiên, đoạn video quay lại cảnh ông nói chuyện cùng Nữ hoàng lại “bắt” được những phát biểu không hay của ông về Nigeria và Afghanistan, cho rằng đó là hai trong số những nước “tham nhũng tới mức khó tin”.

Vụ lùm xùm nói trên của Thủ tướng Anh diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc họp về chống tham nhũng do Anh tổ chức. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tham dự và có bài nói chuyện với chủ đề “Tại sao chúng ta phải cùng nhau chống tham nhũng”. Một phát ngôn viên của ông Buhari khẳng định, ông cảm thấy “sốc và xấu hổ” với những lời nói của Thủ tướng Anh Cameron và cho rằng những nhận xét ấy chỉ đề cập tới Nigeria trước thời ông Buhari nắm quyền. Tương tự, một quan chức của Đại sứ quán Afghanistan cũng mô tả lời nói của ông Cameron là “thiếu công bằng” và cho rằng Afghanistan đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chống tham nhũng.

(tổng hợp)