Nhóm chuyên gia WHO điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 khảo sát Viện Virus học Vũ Hán, tháng 2/2021. (Nguồn: AFP) |
Thận trọng, chưa khẳng định nguồn gốc virus
Lường trước những phản ứng đa chiều phức tạp, báo cáo của WHO không đưa ra 1 kết luận duy nhất, chắc chắn nào về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Mà thận trọng đưa ra 4 giả thiết với sác xuất khác nhau:
Một, virus SARS-CoV-2 “nhiều khả năng” lây từ động vật hoang dã bị bắt, nuôi sang người, không chỉ rõ là loại động vật nào. Hai, virus SARS-CoV-2 “có khả năng” lây từ dơi hoặc tê tê sang người. Ba, virus SARS-CoV-2 “ít khả năng” lây lan qua thực phẩm đông lạnh. Bốn, “rất khó xảy ra” việc virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Có thể thấy báo cáo khá thận trọng, bao quát, đề cập nhiều giả thiết gây tranh cãi mà dư luận quốc tế đề cập trước đó. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh báo cáo, đánh giá “góp phần nâng cao hiểu biết” về đại dịch.
Đồng thời, ông “rào đón” khi nói rằng: “Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng chưa phải là cuối cùng. Chúng ta chưa tìm ra nguồn gốc virus. Chúng ta phải tiếp tục dựa vào khoa học và không bỏ qua bất cứ giả thiết nào”.
Dư luận phản ứng đa chiều, phức tạp
Các chuyên gia của WHO đã cố gắng vượt qua sức ép từ nhiều phía, điều tra, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, khoa học. Tuy nhiên, dư luận quốc tế vẫn phản ứng đa chiều, phức tạp. Có thể chia thành 3 dạng chính như sau:
Ngay lập tức 14 nước (Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Czech, Slovenia, Estonia, Latvia, Lithuania, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc), ra tuyên bố chung chỉ trích báo cáo. Số nước phản đối còn tiếp tục tăng.
Trung Quốc và một số nước hoan nghênh.
Đa số các nước có thái độ trung lập, nói cần tiếp tục điều tra thêm.
Vì sao có sự phân hóa lớn như vậy? Có mấy nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, có xu hướng chính trị hóa vấn đề nguồn gốc đại dịch. Mỹ và một số nước cho rằng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc che giấu dịch bệnh. Ông Trump và một số quan chức không ít lần gọi đó là “vius Trung Quốc”.
Trung Quốc phản pháo nói Mỹ và đồng minh lợi dụng tấn công Trung Quốc. Đưa ra giải thiết virus lây lan từ các nước khác, qua hàng hóa đông lạnh từ một số nước phương Tây.
Thứ hai, cuộc chiến trên truyền thông, mạng xã hội. Rò rỉ thông tin virus đã được cảnh báo từ 2 năm trước. Tờ Politico ngày 8/3 đăng tin năm 2018, các nhà ngoại giao Mỹ đã được cảnh báo về những thí nghiệm virus Corona trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Mạng xã hội đưa tin chuyên gia Trung Quốc nói quan chức địa phương cố tình che giấu dịch thời gian đầu. Có những tin tức phát tán theo dạng đồn thổi như: lò hỏa táng chạy liên tục, hàng triệu thuê bao tự nhiên im lặng! Thông tin theo thuyết âm mưu tác động lớn đến dư luận, nhưng rất khó kiểm chứng, tạo màn khói ngờ vực bao trùm.
Có xu hướng chính trị hóa vấn đề nguồn gốc đại dịch. Mỹ và một số nước cho rằng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc che giấu dịch bệnh... |
Thứ ba, cách thức tổ chức điều tra dễ tạo ra sự nghi ngờ về tính khách quan, khoa học. Thời điểm điều tra muộn, các chuyên gia phải cách ly một thời gian mới được phép vào Vũ Hán. Thành phần điều tra gồm một số chuyên gia WHO phối hợp với chuyên gia Trung Quốc. Một số nước yêu cầu cử chuyên gia điều tra độc lập, nhưng không được chấp thuận. Mỹ và một số nước cho rằng Tổng giám đốc WHO “thân” Bắc Kinh. Trung Quốc kéo dài thời gian, chủ động xóa dấu vết, hạn chế cung cấp tài liệu và phạm vi điều tra. Ngay một số chuyên gia WHO cũng phàn nàn quan chức Trung Quốc từ chối cho tiếp cận tài liệu thô về các ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán.
Thứ tư, báo cáo vẫn chưa giải đáp thỏa đáng một số câu hỏi quan trọng. Dịch khởi phát từ bao giờ, từ đâu? Báo cáo đánh giá virus lây lan trên người không quá 1, 2 tháng. Từ đó kết luận dịch không thể khởi phát nhiều tháng trước 12/2019, thời điểm được phát hiện ở Vũ Hán, như giả thiết của một số người. Các câu hỏi như Bắc Kinh có công khai đầy đủ thông tin về dịch thời gian đầu ở Vũ Hán không hay vì sao lúc đầu nói virus không lây từ người sang người... cũng chưa được giải đáp thuyết phục.
Thứ năm, báo cáo bác bỏ nhiều cáo buộc của một số nước như nêu trên. Đặc biệt là cáo buộc che dấu thông tin, chậm trễ công bố dịch. Trung Quốc được “minh oan” nên hiển nhiên là hoan nghênh. Một số nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, được hỗ trợ vật tư y tế, vaccine… nên đồng tình.
Vì sự phức tạp và nhạy cảm của nguồn gốc đại dịch nên nhiều nước có thái độ trung lập, muốn điều tra thêm.
Thứ sáu, một số nước làm căng thẳng câu chuyện nguồn gốc, công bố dịch muộn…, để phân tán sự chú ý của người dân, biện minh cho việc đối phó chậm trễ, không hiệu quả, gây tổn thất lớn về người, kinh tế của chính phủ.
Bài học từ đại dịch Covid-19
Đại dịch đang tiếp diễn. Tranh cãi vẫn tiếp tục. Với những nguyên nhân nêu trên, việc thống nhất đánh giá thuyết phục được đa số rất nan giải. Nhưng quan trọng hơn là rút các bài học kinh nghiệm.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh chịu tác động của quy luật tự nhiên, nhưng phần quan trọng do chính con người gây ra. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tàn phá thiên nhiên, môi trường, thì thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ ngày càng khốc liệt. Thay đổi lối sống, chung sống hài hòa với tự nhiên, chú trọng cảnh báo, phòng ngừa là biện pháp căn cơ, lâu dài.
Thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mang tính toàn cầu. Cần phối hợp, hợp tác tất cả các nước, phát huy vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực. Đứng ngoài, rút khỏi các tổ chức quốc tế, khu vực càng làm suy yếu khả năng phòng ngừa, đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan khác phải điều chỉnh cơ chế, cơ cấu để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Các sáng kiến phòng, chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế năm 2020 của ASEAN cần được nhân rộng, phát huy.
Bổ sung, điều chỉnh luật pháp, các hiệp định, hiệp ước; thực hiện công khai, minh bạch các số liệu, tư liệu có liên quan. Làm cơ sở để tổ chức quốc tế giám sát, làm trọng tài, xử lí mâu thuẫn phát sinh giữa các quốc gia.
Việt Nam đạt nhiều kết quả lớn trong phòng chống đại dịch Covid-19. Đó là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương; vai trò tiên phong, xung kích, tinh thần xả thân, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang và các ngành khác; sự đồng lòng ủng hộ, tương thân, tương ái của nhân dân. Cần phát huy bài học đó, tinh thần đó, không chỉ trong thời điểm khó khăn mà xuyên suốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.