📞

Những “tính toán” làm nên lịch sử

14:00 | 25/09/2016
Tổng thống Obama đã nói rằng chuyến thăm Việt Nam (tháng 5/2016) là chuyến đi tuyệt vời nhất với tư cách Tổng thống và sự chào đón của người dân Việt Nam đã chạm vào trái tim ông. 

Đằng sau thành công rực rỡ của chuyến thăm, đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước là nỗ lực thầm lặng của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và đồng nghiệp trong suốt gần 2 năm trời. Vừa qua, Đại sứ Ted Osius đã có bài viết đăng tải trên American Foreign Service chia sẻ về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm.

Thử nghiệm “học thuyết”

Một trong những thày dạy của tôi, Đại sứ Cameron Hume cho rằng việc sớm xây dựng các chiến lược để có thể mang lại những kết quả cụ thể trong và sau một chuyến thăm cấp cao là vô cùng quan trọng. Sự nỗ lực, đầu tư trí tuệ một cách nghiêm túc vào những chiến lược đó cũng hết sức cần thiết.

Tôi được biết về thông tin chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama một năm trước khi sự kiện diễn ra, vì vậy, lần này chúng tôi quyết định đưa “học thuyết” của Đại sứ Hume vào thử nghiệm.

Đại sứ Ted Osius (giữa) cùng các đồng nghiệp chuẩn bị đón Tổng thống Obama tại sân bay Nội Bài ngày 24/5.

Tại hội thảo của nhóm làm việc chuyên trách một năm trước chuyến thăm, chúng tôi bắt đầu hình dung những hoạt động cần phải làm. Tôi gọi đó là "các nỗ lực chung" bởi vì các nỗ lực này xuất phát từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ, thực sự góp phần đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định khi cùng tham gia vào các hoạt động thực tiễn, hai bên sẽ xây dựng được lòng tin.

Vì vậy, tôi cho rằng ít nhất, ở cấp cao nhất của Việt Nam đã ủng hộ cách tiếp cận "chung". Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Obama tại phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015 có thể nói cũng đã thực sự góp phần tăng cường cơ hội để hai bên hợp tác thành công.

Chúng tôi xác định chuyến thăm sẽ giúp làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước trong các lĩnh vực, bao gồm phát triển thịnh vượng chung; hợp tác giáo dục; môi trường, khoa học, công nghệ và y tế; an ninh và quản trị công.

Trong một hội thảo khác vào tháng 10/2015, chúng tôi đưa ra một quyết định tham vọng là thực hiện 12 nỗ lực cụ thể chung trước chuyến thăm của Tổng thống Obama. Từ đó, chúng tôi phân công nhân lực thực hiện, phát triển các chiến lược nhằm đạt được những kết quả khả quan vào thời điểm chuyến thăm chính thức diễn ra.

Các cán bộ chuyên trách của chúng tôi có nhiệm vụ chủ trì các vấn đề của mình, giữ cho nhóm làm việc luôn nhạy bén, tìm tòi và chủ động trước các cơ hội mới cũng như lưu ý tới những trở ngại có thể tác động tới hiệu quả công việc. Họ chịu trách nhiệm đảm bảo thành công của công việc và trở thành những chuyên gia, cố vấn trưởng của tôi để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, trong lĩnh vực thịnh vượng chung, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Mỹ, Joe Narus đi đầu trong các nỗ lực thể hiện Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết của mình theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt liên quan đến quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường và các quyền sở hữu trí tuệ. Làm việc chặt chẽ với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, ông Narus kêu gọi các đồng nghiệp cùng nghiên cứu và thảo ra chiến lược liên quan tới các mục tiêu trên, có báo cáo kết quả định kỳ hàng tuần.

Ông Narus luôn cố gắng điều phối để các quan chức cấp cao Mỹ có thể thường xuyên làm việc với các đối tác khu vực tư nhân của Mỹ và Việt Nam để hoàn thiện chiến lược hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trong lĩnh vực an ninh, cán bộ của Cơ quan Bảo vệ Liên bang (FSO) Adam Davis điều hành ba khóa học với chủ đề hỗ trợ an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo tăng cường và tiếp cận cứu trợ thảm họa cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đào tạo cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, Thư ký phòng Đông Nam Á đại lục, cục Đông Á và Thái Bình Dương Jillian Bonnardeaux dũng cảm của chúng tôi đã không ngừng thúc đẩy thỏa thuận giữa Việt Nam với Chương trình Hòa bình Peace Corps. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc để hỗ trợ thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Nỗ lực đơm hoa

Tính đến đầu năm 2016, chúng tôi đã thực hiện 12 chiến lược hoàn chỉnh cho các nỗ lực chung trước chuyến thăm của Tổng thống Obama. Tôi cùng Phó Đại sứ Susan Sutton, Tổng Lãnh sự Rena Bitter cùng điều phối các nhóm làm việc trong khi mỗi nhóm làm việc đều thực hiện chiến lược của mình với sự điều hành từ cấp trên. May mắn rằng, những hoạt động của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đồng nghiệp, Chính phủ Mỹ và Nhà Trắng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2016, chương trình cho chuyến thăm của Tổng thống Obama trở nên tham vọng hơn khi theo đuổi các chiến lược lớn hơn, đó là di sản chiến tranh như làm sạch chất độc dioxin và loại bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Do đó, chúng tôi càng phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa để có thể hiện thực hóa tham vọng này.

Để Tổng thống Obama có thể nói chuyện đầy cảm hứng với giới trẻ và doanh nhân Việt Nam, chúng tôi đã phải lập nhóm nghiên cứu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Washington để có thể thu thập, cập nhật thông tin liên quan tới Việt Nam nhằm tăng cường “vốn” về Việt Nam cho Tổng thống trong suốt chuyến thăm ba ngày của ông.

Tất cả chúng tôi đã nhìn thấy những nỗ lực của mình “đơm hoa” khi chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng 5/2016 thành công tốt đẹp. Nhóm làm việc của chúng tôi đã hoàn thiện 20 chiến lược đáng nể trên tất cả năm lĩnh vực được xác định một năm trước đó. Nhiều thỏa thuận được ký kết và ba thỏa thuận đã được trích dẫn trong tuyên bố chung mà lãnh đạo hai nước ký một ngày sau các cuộc họp chính thức.

Như vậy, có thể khẳng định rằng “học thuyết” của Đại sứ Hume hoàn toàn đúng đắn. Lên kế hoạch từ trước, chủ động trong tư duy từ cấp thấp đến cao, xác định “SWOT” (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) cho mỗi chiến lược cụ thể chính là chìa khóa thành công cho một chuyến thăm cấp cao.

(lược dịch)