📞

Những “vedette” đặc biệt

14:00 | 19/03/2016
Đằng sau chuyện các đại sứ và phu nhân nước ngoài bước lên sân khấu thời trang của Việt Nam là những thông điệp ý nghĩa hơn nhiều…
Giám đốc trung tâm văn hóa Nga (thứ tư từ phải).

Lễ hội Áo dài năm 2016 vừa diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội với một chương trình biểu diễn rực rỡ và cuốn hút. Sự kiện năm nay đặc biệt hơn nhiều so với năm trước bởi có sự tham gia của các khách mời quốc tế giữ vị trí “vedette” cho những bộ sưu tập của các nhà thiết kế Hùng Việt, Chula, Thương Huyền, Duyên Hương và Lan Hương.

Khán giả rất ngạc nhiên khi được ngắm nhìn vẻ đẹp đầy mặn mà, nữ tính của các “vedette” trong tà áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, phần đông khán giả không ai nghĩ rằng đó là Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga Zubtsova Elena Robertovna, Đại sứ Italy Cecilia Piccioni, Phó Đại sứ Italy  Natalia Sangitini, phu nhân Đại sứ Haiti Jovana Benoit và phu nhân Đại sứ Anh Gill Level…

Khẳng định thương hiệu quốc gia

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà ngoại giao Italy thường xuyên được ưu ái mời tham gia vào các chương trình biểu diễn thời trang tại Việt Nam. Còn nhớ, tại buổi biểu diễn "Phong cách kiến trúc Italy" ở khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội vào tháng 11/2012, người ta chú ý ngay đến một người mẫu nam đặc biệt đến từ Italy. Đó chính là cựu Đại sứ  Italy tại Việt Nam Lorenzo Angeloni.

Là một quan chức ngoại giao, nhưng khi tới Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, ông Lorenzo Angeloni luôn được truyền thông Việt Nam quan tâm bởi chuỗi các hoạt động nghệ thuật phong phú mà ông nhiệt tình khởi xướng. Chưa kể đến vẻ đẹp nam tính đặc trưng kiểu Địa Trung Hải, ông Lorenzo Angeloni còn là một nhà văn và từng trình diễn thời trang cho nhà thiết kế lừng danh Armani thời sinh viên. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã không khó khăn gì khi thuyết phục ông Angeloni làm người mẫu trong bộ sưu tập. Lý do là bởi Đại sứ coi sự kiện này vừa là cơ hội để để ông bày tỏ sự quan tâm đến thời trang Việt Nam, vừa là dịp khẳng định thương hiệu thời trang đẳng cấp thế giới của Italy.

Đại sứ Italia (thứ hai từ phải).

Những năm gần đây, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội luôn đồng hành cùng Việt Nam trong việc tổ chức nhiều sự kiện thời trang gây được tiếng vang như Tuần lễ Thu Đông Việt Nam. Tại sự kiện Lễ hội Áo dài năm nay, Đại sứ Cecilia Piccioni và Phó Đại sứ Natalia Sangitini được mời làm người mẫu đại diện cho bộ sưu tập áo dài “Hoa Sim – sự chung thủy” và bộ sưu tập “Hoa Tulip - tình yêu hoàn hảo, cuộc sống vĩnh hằng”. Có thể nói, với tư cách là người mẫu, hai bà đã thể hiện tốt nhất vẻ đẹp cũng như thông điệp mà các nhà thiết kế muốn gửi gắm. Không chỉ vậy, vẻ đẹp đài các, dịu dàng của hai quý bà Italy thực sự cuốn hút và để lại nhiều thiện cảm cho khán giả. 

Được mời biểu diễn thời trang tại Việt Nam, ban đầu bà Cecilia Piccioni có đôi chút ngần ngại vì chiều cao hạn chế, không giống các cô người mẫu. Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ hội hiếm có này, bà Cecilia Piccioni lại nhấn mạnh đến niềm tự hào về đất nước mình. Bà chia sẻ, bên cạnh nền công nghiệp thời trang sáng giá thì Italy là quốc gia hàng đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống. Theo bà, Việt Nam chính là một trong những đối tác quan trọng trong việc cùng chia sẻ kinh nghiệm và nắm tay nhau trên con đường tìm lại giá trị truyền thống đích thực.

Một hành động hơn nghìn lời nói

Tốt nghiệp Đại học khoa Tiếng Việt ở Nga cùng với khoảng 40 năm nghiên cứu về Việt Nam, hơn bảy năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam nên ít ai nghĩ bà Zubtsova Elena Robertovna, Giám đốc trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội chưa từng mặc thử áo dài. Tuy nhiên, chiếc áo nền xanh với họa tiết hoa sứ biểu hiện cho sự tinh khiết của nhà thiết kế Hùng Việt tại Lễ hội Áo dài vừa qua lại là chiếc áo dài đầu tiên bà khoác lên mình.

Phu nhân Đại sứ Anh (thứ hai từ trái).

Lý do mà bà Zubtsova Elena Robertovna đưa ra là “áo dài Việt Nam rất đẹp và đầy tình cảm. Phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đẹp quá khiến chúng tôi - những người phụ nữ nước ngoài luôn phải e dè với nó”. Trước đây, bà Zubtsova Elena Robertovna luôn nghĩ chỉ có phụ nữ Việt Nam mới có thể thể hiện hết được vẻ đẹp của chiếc áo dài. Thế nhưng, với sự tự tin trình diễn trên sân khấu thời trang vừa qua, bà Zubtsova Elena Robertovna hẳn đã truyền đi một thông điệp rằng, áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ Việt Nam mà cho mọi phụ nữ trên thế giới có tình yêu với Việt Nam.

Phu nhân Đại sứ Anh Gill Level cũng từng tham gia một show trình diễn thời trang của nhà thiết kế Hà Trương và những show trình diễn thời trang của Viện Thời trang London tại Hà Nội. Bà còn được mời tham dự chương trình thời trang giúp đỡ người khuyết tật của Đại sứ quán Italy trước khi đồng ý làm người mẫu áo dài Việt Nam. Theo bà Gill Level, các sự kiện tại Việt Nam luôn truyền cảm hứng cho bà thấy rằng “dù tuổi tác, công việc, hình thể của bạn như thế nào, bạn vẫn có thể trình diễn bởi luôn có đất dành cho sự đa dạng và sáng tạo”.

Phu nhân Đại sứ Haiti (giữa).

Với phu nhân Đại sứ Haiti Jovana Benoit, thông điệp bà muốn gửi đi là: “Tôi rất tự hào khi mặc áo dài, vậy các bạn hãy mặc áo dài đi!”. Là một nhà thiết kế từng làm việc tại Paris, bà cho biết việc tham gia trình diễn là cơ hội để bà thể hiện tình yêu với bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Từng thiết kế áo dài cho chính mình và luôn lựa chọn áo dài trong các sự kiện quan trọng tại Việt Nam, bà Jovana Benoit rất băn khoăn vì hiếm thấy phụ nữ Việt mặc trang phục truyền thống này hàng ngày.

Như vậy, ý nghĩa bao quát nhất của việc một Đại sứ nước ngoài hay phu nhân Đại sứ  mặc áo dài hay tham gia các sự kiện thời trang khác tại Việt Nam là gì? Nói như Đại sứ Cecilia Piccioni – người đã có chiếc áo dài thứ sáu trong tủ thời trang cá nhân: “Chúng tôi có câu ngạn ngữ có giá trị với tất cả các quốc gia: Một hành động có ý nghĩa hơn hàng nghìn lời nói. Một đại sứ nước ngoài mặc một tà áo dài trong sự kiện thế này có giá trị thiết thực hơn hàng nghìn lời chúng ta vẫn nói về thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước”.