Nhận thức về vấn đề ngoại giao đa phương và triển khai các hoạt động đa phương của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao trong những năm qua đã có bước chuyển biến rất mạnh. Nhưng theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ) cùng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, thì “chuyển biến cần thấy rõ nhất là về nhận thức, từ hội nhập kinh tế rồi đến hội nhập toàn diện theo tinh thần chủ động, tích cực”.
Đau đáu biến chủ trương thành hành động
Ở “thủ đô của đa phương toàn cầu” là Geneva, Phái đoàn ý thức hết sức rõ về tầm vóc, nhiệm vụ của sứ mệnh thúc đẩy đối ngoại đa phương mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chủ trương này rất phù hợp với xu hướng vận động của quan hệ quốc tế trên thế giới.
Trong những năm qua, nhận thức được xu hướng thế giới, đường hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước và vị trí nơi mình hoạt động, Phái đoàn luôn đau đáu về việc này. Để cụ thể hóa chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” thành ý tưởng, tầm nhìn, kế hoạch hành động, với những con người, sáng kiến cụ thể là vấn đề không dễ như khi nêu khẩu hiệu. Phái đoàn xác định đó là một nhiệm vụ hết sức lớn lao nhưng cũng cần được triển khai bằng các hành động rất cụ thể.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành (trái) trao đổi vơi các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. (Ảnh: Quang Hòa/TG&VN) |
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết, hoạt động của LHQ ở New York có phần khác ở Geneva. Nếu nói đến hoạt động của LHQ tại New York thì người ta thường nhắc đến những lĩnh vực như an ninh, hòa bình, tất nhiên trong đó có cả vấn đề phát triển, văn hóa xã hội, thì mức độ bao quát của LHQ tại Geneva hết sức toàn diện. LHQ ở Geneva bàn đến tất cả những gì tác động đến đời sống của mỗi con người, từ chính trị cho đến môi trường, di trú, kinh tế, nhân đạo, giải trừ quân bị. Tuy vậy, Phái đoàn đã xác định các mảng việc ưu tiên và gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.
Đừng nghĩ chúng ta là nước nhỏ!
Trong những năm qua, việc tham gia Hội đồng Nhân quyền trở thành một trọng tâm hết sức quan trọng. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết: “Còn vài tháng nữa sẽ hết nhiệm kỳ 3 năm nhưng có thể nói, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền”.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết, là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, chúng ta đã thể hiện được vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy quyền con người; Giới thiệu được các thành tích về nhân quyền; Có cơ hội đối thoại thẳng thắn và xây dựng trên những vấn đề khác biệt để nâng cao sự đồng thuận; Học hỏi kinh nghiệm các nước, nhất là các nước đang có cùng trình độ phát triển; Và đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lý giải về những “bí quyết” để có thể “tham gia chủ động và tích cực” trong Hội đồng nhân quyền cũng như ở các diễn đàn đa phương khác, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói: “Đừng nghĩ chúng ta là nước nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng ta không nên mang tư tưởng làm sự kiện mà phải sẵn sàng tham gia dấn thân một cách bài bản, lớp lang, nắm bắt được vấn đề, xuất phát từ lợi ích quốc gia; phải hòa đồng và gắn lợi ích quốc gia với lợi ích chung của nhân loại và tương tác trong một thế giới thực để theo đuổi một cách hữu hiệu lợi ích quốc gia".
"Điều đó đòi hỏi năng lực, sự nhạy bén của đội ngũ ngoại giao để có thể tương tác với một thế giới hết sức đa dạng, phức tạp nhưng lại có những điểm đồng mà nơi đó, tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của sự hòa bình, hữu nghị, của đối thoại xây dựng, của hợp tác chân thành, của công bằng, của công lý và thượng tôn luật pháp”.
Không chỉ trên lĩnh vực nhân quyền, Phái đoàn cũng đã “dấn thân” trên những lĩnh vực khác như y tế, sở hữu trí tuệ... Tại Khoá họp 54 tháng 10/2014, các nước thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bỏ phiếu bầu Đại sứ Nguyễn Trung Thành làm Chủ tịch Ủy ban điều phối của WIPO trong một năm.
Thách thức tạo sự đồng thuận
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết, hoạt động đối ngoại đa phương có được những thuận lợi cả về chủ quan và khách quan.
Thứ nhất, chúng ta nhận thức được xu hướng chung của thế giới. Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta phù hợp với lợi ích chung, khát vọng chung, xu hướng chung của thế giới. Đây là một không gian rất lớn để chúng ta có niềm tin, bản lĩnh để làm được nhiều hơn nữa. Thứ hai, với kinh nghiệm ngoại giao song phương, đa phương, chúng ta đã có sự trưởng thành vượt bậc trong tư duy, tạo được đội ngũ làm đối ngoại đa phương ngày càng chuyên nghiệp hơn. Thứ ba, quốc tế nhìn nhận chúng ta luôn thấy và trông đợi ở Việt Nam đóng góp vai trò tích cực trong ngoại giao đa phương.
Tuy vậy, theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, thách thức của đối ngoại đa phương là không nhỏ. Khó khăn thứ nhất là thế giới đang vận động rất năng động. Chúng ta cần nắm bắt được những vấn đề hôm nay tưởng chừng nhỏ nhưng sau này có thể sẽ trở thành vấn đề lớn. Chúng ta chuẩn bị từ tư tưởng và hành động, từ con người cho đến thể chế, từ chỉ huy cho đến việc triển khai, cùng với việc theo dõi, giám sát, rà soát lại nhiệm vụ để có thể triển khai đối ngoại đa phương một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Ngoại giao. (Ảnh: Minh Tuấn/TG&VN) |
Bên cạnh đó, thách thức thứ hai là tạo được sự đồng thuận, không phải chỉ xây dựng sự đồng thuận quốc tế, đó là nhiệm vụ của các nhà ngoại giao tại tiền đồn, mà cần phải tạo được sự đồng thuận trong nước, giữa các Bộ, ngành, giữa các địa phương, đồng thuận từ tư tưởng đến hành động. “Đấy là khó khăn, nhưng chúng ta đang thể hiện là chúng ta có thể làm được”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ tại Geneva cho biết, không gian đa phương là một xu hướng quốc tế mà các quốc gia lớn nhất, hùng mạnh nhất cũng không thể bỏ qua, chưa nói đến các quốc gia nhỏ, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, không gian đa phương là nơi mà các nước vừa và nhỏ có thể phát huy được tiếng nói hữu hiệu.
“Nếu chỉ chú trọng ngoại giao song phương, chúng ta đã tự thu hẹp không gian tồn tại, phát triển và hội nhập của đất nước. Vì vậy tôi nghĩ đường lối của Đảng về nâng cao hiệu quả của hoạt động của đối ngoại đa phương hết sức rõ ràng và đúng đắn. Tôi tin là nếu nhận thức được đầy đủ và quyết tâm làm thì chúng ta có dư địa lớn để Việt Nam thượng tôn luật pháp, từ vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu đến vấn đề phát triển. Nhận thức đúng và chuẩn bị một cách bài bản hơn, đồng bộ hơn thì chúng ta còn đạt được những thành tích to lớn hơn nữa trong hoạt động đối ngoại đa phương thời gian tới”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.
Kỳ 2: Nghệ thuật lồng “cái riêng” vào “cái chung”