📞

Nữ họa sĩ đam mê chu du

09:43 | 16/05/2016
Sinh sống ở Hà Nội, nhưng những tác phẩm nghệ thuật của Vũ Kim Thư lại mang màu sắc mọi thành phố nơi chị từng đi qua. Chị quan niệm “con người là sản phẩm của môi trường sống” nên không ngừng khám phá bản thân bằng những chuyến đi...

Những ngày này, không gian nghệ thuật Manzi thân quen tại con phố nhỏ Phan Huy Ích, Hà Nội bao phủ bởi ánh sáng của cuộc triển lãm mang tên “Đi vào bóng tối”. Đó là hình ảnh độc đáo về những thành phố thoắt ẩn thoắt hiện được hình thành từ sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu giấy washi Nhật Bản và giấy dó Việt Nam. Có lẽ, phải đi vào bóng tối mới thấy được vẻ đẹp lung linh của những thành phố hiện hữu trong thế giới nghệ thuật của Vũ Kim Thư.

Mino giữa lòng Hà Nội

Ba năm gần đây, Vũ Kim Thư thực sự yêu thích và chịu ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản. Các tác phẩm của chị là những thử nghiệm táo bạo trên điêu khắc giấy washi dựa trên những trải nghiệm của chị ở Nhật Bản trong Chương trình nghệ sỹ cư trú Kamiyama, Trại sáng tác nghệ thuật Sapporo, đặc biệt tại làng nghệ thuật giấy Mino.

Mino thuộc tỉnh Gifu, nằm ở trung tâm của Nhật Bản, tự hào là nơi có lịch sử 1.300 năm trong nghề làm giấy washi. Đây là hình thức làm giấy bằng tay truyền thống lưu truyền nhiều đời và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vẻ đẹp lung linh của những thành phố được tạo hình bằng giấy washi và giấy dó.

Giấy washi được làm từ sợi của cây dâu tằm, sử dụng chủ yếu để viết sách, văn thư hay dán lên cửa trượt trong những căn nhà truyền thống. Vì sản xuất bằng tay, nên số lượng giấy này rất hạn chế, hiện chỉ còn được lưu giữ tại Mino, Hamada và Ogawa. Hàng năm, một sự kiện nổi bật ở Mino là triển lãm Đèn giấy Nhật Mino được tổ chức, nơi ánh sáng và bàn tay khéo léo của con người nơi đây kết tinh và tỏa sáng.

Tới Mino học làm giấy truyền thống, Kim Thư nhận thấy giữa giấy washi của Nhật và giấy dó của Việt Nam có nhiều điểm chung, đặc biệt đều có khả năng truyền tải ánh sáng. Vì thế, trong các tác phẩm của chị, ánh sáng được tạo ra làm nổi bật lên từng tầng lớp không gian cuốn người xem vào một thế giới thu nhỏ kỳ bí. Không gò bó cảm xúc, qua những mảng không gian nhỏ ấy, người xem được thỏa sức tưởng tượng để tự hình dung ra một thế giới riêng cho chính mình.

Kim Thư cho biết, khoảng thời gian ba năm gắn bó với giấy washi đã đưa chị đến với những bất ngờ mới mẻ. Đây cũng là điều kiện giúp chị có thể sáng tạo để tái hiện khung cảnh thành phố về đêm vừa trừu tượng vừa gần gũi. Ở đó, có những nếp nhà gối đầu nhau trong giấc ngủ yên bình, có những con phố thanh vắng “tắm” ánh đèn đường ấm cúng, gợi cảm giác hoài cổ. Kim Thư đã phối hợp hai loại giấy với hai gam màu đen và vàng giúp thành phố trong màn đêm trở nên lung linh và sâu thẳm.

Cảm hứng “phố, đèn và giấy”

Có thể nói, đi chu du là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những tác phẩm của Vũ Kim Thư. Những chuyến đi, những cuộc giao lưu với bạn bè quốc tế không chỉ mang lại kinh nghiệm mà còn ảnh hưởng tích cực đến phong cách sáng tác của nữ họa sĩ. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng khó cưỡng và giấc mơ nghệ thuật đắm say của chị vẫn là “phố, đèn và giấy”.

Kim Thư chia sẻ: “Thế giới của tôi bao gồm phong cảnh, thiên nhiên, kiến trúc và những nét vẽ loằng ngoằng trang trí tạo thành hiệu ứng một thành phố ba chiều. Khi đến một thành phố mới, tôi định hướng cấu trúc của thành phố ấy bằng cách vẽ lặp đi lặp lại kiến trúc, hình khối và không gian dựa trên quan sát hiện thực và ký ức nhớ lại sau này. Bằng một nét nhỏ, tôi bắt đầu tạo ra thành phố của mình, rồi từ nét nhỏ ấy, thành phố ấy cứ lớn dần, lớn dần…”

Vũ Kim Thư sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Thạc sĩ mỹ thuật của Viện Mỹ thuật Chicago, Mỹ. Xuất thân từ một gia đình làm nghệ thuật (mẹ là họa sĩ, cha là chuyên gia nghiên cứu về thủ công mỹ nghệ Việt Nam), chị hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội như một nghệ sĩ tự do.

Ngoài Nhật Bản, Kim Thư đã tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế tại Vermont (Mỹ), Goyang (Hàn Quốc), Sanskriti Kendra (Ấn Độ), Schoeppingen (Đức),Trung tâm Rockefeller Bellagio(Italy) và Bảo tàng nghệ thuật đương đại tại La Coruna (Tây Ban Nha)… Những trại sáng tác này đã góp phần ảnh hưởng đến tác phẩm của chị theo nhiều hướng khác nhau. Tập trung vào các nét vẽ và dùng chất liệu giấy, chị đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật như tác phẩm “Rangoli” được lấy cảm hứng từ trại sáng tác Sanskriti Kendra tại New Delhi, hay tác phẩm “Sự phân mảnh của không gian” cũng được ra đời từ trại sáng tác Goyang, Hàn Quốc...

Tháng Ba vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với Quỹ Sylt Foundation tổ chức hoạt động quảng bá nghệ thuật Việt Nam. Là khách mời của sự kiện, Vũ Kim Thư trình bày rất sinh động về hoạt động sáng tác nghệ thuật tại Việt Nam và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của cá nhân.Tại đây, các tác phẩm của chị thu hút sự quan tâm của gần 200 khách mời là quan khách, chuyên gia và sinh viên học nghệ thuật ở Thủ đô Pretoria.

Vũ Kim Thư cho biết, triển lãm nghệ thuật “Đi vào bóng tối” lần này của chị cũng để dành tặng cho những người bạn thân thiết tại chuyến đi Nam Phi vừa qua. Họ đã giúp chị có được những trải nghiệm quý giá về văn hóa và nghệ thuật đương đại ở đây và tìm thấy những chất liệu sáng tác mới trong tương lai./.