📞

Nữ tính trong kỷ nguyên số

07:00 | 08/03/2018
Nữ tính vẫn là vũ khí sức mạnh mềm cần được cán bộ nữ ngoại giao phát huy cao độ trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Sáng ngày 7/3, Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi gặp gỡ và tọa đàm kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1978 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Ngoại giao thay mặt Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng hoa và gửi lời chúc mừng chân thành nhất đến toàn thể các cán bộ nữ trong Ngành.

Đặc biệt, cuộc tọa đàm thú vị mang tên “Kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng: Những vấn đề đặt ra đối với cán bộ nữ ngoại giao” đã thu hút sự quan tâm của các diễn giả là Đại sứ, Lãnh đạo Bộ và đông đảo cán bộ nữ ngoại giao.

Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu, diễn giả tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: Nguyên Hồng)

Giá trị “những chữ vàng”

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trong kho lịch sử truyền thống của Bộ cần có phần in đậm về lịch sử đóng góp của chị em phụ nữ. Ông nêu ra những tấm gương sáng trong Ngành như nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, các Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phan Thúy Thanh...

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đến những đóng góp tích cực của chị em trong thành công chung của năm APEC 2017. Nhớ lại những ngày chuẩn bị và diễn ra các sự kiện APEC, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn ở cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cho biết, thành viên của Ban Thư ký APEC có 10 chị em trong tổng số 30 người, trong đó Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga là Cố vấn cao cấp Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam. Và sự cống hiến không quản ngày đêm của chị em đã được Lãnh đạo Bộ ghi nhận và đánh giá rất cao.

Đối với công sức thầm lặng khác trong gia đình, xã hội, nữ cán bộ ngoại giao luôn biết kết hợp hài hòa khi vừa là người giữ lửa cho gia đình, vừa hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan. Thứ trưởng khẳng định, hiện nay chính sách cho cán bộ nữ luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chú trọng ưu tiên từ việc tuyển dụng cho đến đề bạt, luân chuyển... Ngoài ra, việc đào tạo, chế độ chính sách khác cũng được Bộ quan tâm và luôn lắng nghe để tạo điều kiện cho chị em phát huy hết mọi khả năng có thể đóng góp cho ngành.

Các đại biểu, diễn giả tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: Nguyên Hồng)

Nói về cuộc tọa đàm “Kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng: Những vấn đề đặt ra đối với cán bộ nữ ngoại giao”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Tọa đàm rất thích hợp được tổ chức vào dịp này vì cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ và các cán bộ nữ cũng cần chuẩn bị hành trang để có thể đón đầu. Những kiến thức và kỹ năng này sẽ giúp ích và làm phong phú thêm khả năng ứng phó của chị em với công nghệ số. Thứ trưởng hy vọng với tinh thần Ngày 8/3 và tinh thần quật cường của Hai Bà Trưng, cán bộ nữ ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy được “những chữ vàng” mà Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao cho chị em 3 năm trước đây: “Tận tụy, sắc sảo, quyết đoán, nhân hậu, giỏi giang”. Ông tin tưởng với những giá trị này, chị em chắc chắn sẽ nuôi dưỡng được nhiệt huyết với Ngành, Bộ và gia đình của riêng mình.

Cơ hội cũng là thách thức

Là diễn giả chính của tọa đàm, nguyên Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Ngoại giao, Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, cách mạng 4.0 là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu, cũng như đã trở thành câu cửa miệng trong câu chuyện mang tầm quốc gia và quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, với riêng Ngành Ngoại giao thì chủ đề này chưa được bàn đến sâu rộng. Vì vậy, đây là nội dung thiết thực cần được bàn luận, gợi mở đến chị em phụ nữ.

Với bài phát biểu xúc tích, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã chia sẻ các vấn đề chính gồm: Cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ, sâu rộng nhất và toàn diện nhất trong lịch sử nhân loại; Ngoại giao chuyển đổi sâu sắc nhất kể từ 1945; Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng... Đặc biệt, hai chủ đề được nhấn mạnh và đáng quan tâm là Cán bộ nữ ngoại giao Việt Nam: cơ hội và thách thức và Phong thái nữ ngoại giao trong giai đoạn mới.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng Tọa đàm và Ngày 8/3. (Ảnh: Nguyên Hồng)

Phân tích về cơ hội và thách thức của cán bộ nữ trong kỷ nguyên số, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chỉ ra những  cơ hội phát huy sức mạnh mềm với chỉ số về cảm xúc, sự tỉ mỉ, nhạy cảm, khả năng quán xuyến nhiều việc, năng lực thích nghi, thích ứng và xử lý tình huống. Tuy nhiên, thách thức lớn là những kỹ năng mới vốn không phải thế mạnh của phụ nữ như áp dụng công nghệ số trong công việc, năng lực xây dựng chính sách đề xuất ý tưởng, điều hành dẫn dắt. Ngoài ra, áp lực cân bằng công việc và cuộc sống cũng sẽ gia tăng với tốc độ, khối lượng, cường độ, thời gian làm việc ngoài giờ, ngoài nước.... Cùng với những thách thức mới về gia đình như chia sẻ trong gia đình, nuôi dạy con tiếp cận thông tin mạng, sự gia tăng về khoảnh cách thế hệ… cũng là lực cản mà các chị em phải đối mặt.

Bàn về phong thái nữ ngoại giao trong gia đoạn mới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đưa ra các giải pháp như phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ

Việt Nam là nhân hậu, tinh tế, duyên dáng; không ngừng tự học, tri thức, kỹ năng mới, nâng tầm suy nghĩ, sáng tạo, giao tiếp quốc tế gần công nghệ số; nâng cao kỹ năng sử dựng hiệu quả thời gian, suy nghĩ tích cực để cân bằng công việc - cuộc sống... Bên cạnh đó, Đại sứ khẳng định việc tăng cường gắn kết trao đổi và đẩy mạnh hoạt động thiết thực của Công đoàn, Ban Nữ công sẽ hỗ trợ tích cực chị em chăm sóc tốt gia đình và bản thân.

Nữ tính vẫn là sức mạnh

Chia sẻ tại tọa đàm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Phan Thúy Thanh cho biết, cả cuộc đời gắn bó với Bộ Ngoại giao nên bà rất tự hào với sự phát triển không ngừng của đội ngũ  cán bộ nữ của Ngành. Trước những thách thức của kỷ nguyên số, bà cho rằng cán bộ nữ cần lưu tâm đến cách ứng xử trong thời đại số này như thế nào, nên chọn lựa và tham gia vào công nghệ số đến đâu để phù hợp và có lợi cho công việc của bản thân. Nói về phong thái của cán bộ nữ trong giai đoạn mới, bà khẳng định nữ tính vẫn là sức mạnh nổi trội và cần được tận dụng ở mức cao nhất.

Các đại biểu, diễn giả chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Nguyên Hồng)

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai lại chú ý đến sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của nữ giới. Bà cho biết, là một trong những đơn vị có tỷ lệ nữ cán bộ cao nhất trong Bộ, Vụ Luật pháp Quốc tế đòi hỏi cán bộ có nhiều kỹ năng về luật pháp cùng với số lượng tờ trình và công văn nhiều nhất trong Bộ. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số vào công việc, đã hỗ trợ cho các cán bộ nữ rất nhiều trong việc rút ngắn khối lượng công việc để có thể cân bằng thời gian dành cho cuộc sống và gia đình.

Không chỉ có các diễn giả nữ, tại tọa đàm, các diễn giả nam như Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tô Anh Dũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với các cán bộ nữ vì trước rào cản vô hình của bất bình đẳng giới vẫn vươn lên để khẳng định mình. Theo ông Tô Anh Dũng, bên cạnh việc chị em không ngừng trau dồi chuyên môn và công nghệ, Bộ Ngoại giao luôn có chính sách mới để giúp chị em không ngừng vươn lên và dành được nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan.

Khi được hỏi về điểm yếu của nữ giới trong kỷ nguyên số, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Đặng Hoàng Giang cho rằng, những nét nữ tính cũng như những chỉ số về cảm xúc lại là thế mạnh của chị em trong thực hiện công việc đối ngoại. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Giang, cán bộ nữ ngoại giao cần quan tâm và nhanh nhạy nắm bắt và sáng suốt ứng xử thông tin trong thời kỳ cách mạng 4.0. “Họ rất cần phải đẹp, từ trong cách ăn mặc, trang điểm đến phong cách ứng xử”, ông Giang nói.

Buổi tọa đàm dù kết thúc đã mang lại những kiến thức bổ ích cho cán bộ nữ ngoại giao và mở ra nhiều ý tưởng mới cho các chị em. Đặc biệt, tại đây các Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phan Thúy Thanh đã chia sẻ một bí quyết thành công của mình chính là sống và suy nghĩ tích cực. Bên cạnh những kỹ năng về quản lý thời gian, lên kế hoạch trước cho bản thân, trau dồi tri thức..., các diễn giả cũng nhắn nhủ với các đồng nghiệp nữ luôn phát huy sức mạnh nữ tính, sự duyên dáng và không ngừng học hỏi để tự tin theo kịp thời đại.