📞

Nước mắt hội ngộ Hàn - Triều

14:54 | 23/08/2018
Những gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cách đây hơn nửa thế kỷ mới lại có cuộc đoàn tụ thật cảm động. Song, đằng sau những giọt nước mắt đoàn tụ ấy vẫn còn đó niềm thất vọng của nhiều người thiếu may mắn.

“Sang-chol!” – bà Lee Keum-seom, 92 tuổi kêu tên con trai khi lao vào vòng tay con trai  - đứa con mà bà từng không được gặp mặt suốt 68 năm, khoảng thời gian dài tới mức bà từng nghĩ con trai mình đã mất từ trong chiến tranh. Còn ông Ri Sang-chol hiện đã 71 tuổi, buộc phải xa mẹ từ khi mới là cậu bé lên 4. Cả hai đã bị lạc nhau trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và bị mắc kẹt ở hai bên khu vực phi quân sự (DMZ), chia cắt hai miền Triều Tiên.

Đó chỉ là một trong nhiều cuộc hội ngộ đầy cảm động diễn ra tại một khu nghỉ dưỡng gần Núi Kumgang (Triều Tiên) tuần qua. Tại đây, những chiếc xe bus chở người dân Hàn Quốc tới Triều Tiên, họ là 89 người may mắn được lựa chọn từ hơn 57.000 người đã nộp đơn để được đoàn tụ dịp này. Hơn 60% trong số đó đã trên 80 tuổi và có con, cháu và những người thân cùng đi trên chuyến xe sang miền Bắc.

Đây là cuộc đoàn tụ hai miền bán đảo Triều Tiên đầu tiên kể từ năm 2015 và là một phần kết quả của Tuyên bố Bàn Môn điếm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tại Thượng đỉnh liên Triều diễn ra đầu năm nay.

Bà Lee Keum-seom, 92 tuổi gặp lại con trai Ri Sang-chol, 71 tuổi trong cuộc đoàn tụ tại khu nghỉ mát Núi Kumgang, Triều Tiên, ngày 20/8 (Nguồn: AFP)

Không dễ để được đoàn tụ

Cụ Lee Keum-seom nói trên đã cùng hàng chục người dân Hàn Quốc tập trung tại khách sạn Hanwha, thành phố Sokcho, ở phía Nam khu DMZ. Tất cả đều được kiểm tra y tế kỹ càng và được hướng dẫn để tránh phát ngôn, nhận xét những điều nhạy cảm, không hay về đất nước Triều Tiên.

Bên trong khách sạn là một bầu không khí phấn khích pha chút căng thẳng khi họ chuẩn bị được gặp lại những người thân thích đã xa cách từ lâu mà giờ đây chỉ còn là ký ức mơ hồ, những khuôn mặt vốn thân thiết nhưng bị xóa mờ dần theo thời gian.

Park Kyung-seo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, nói với CNN rằng ông rất vui mừng được góp sức để những cuộc đoàn tụ này được diễn ra suôn sẻ, nhưng số lượng người tham gia ít ỏi thực sự là một “bi kịch”.

“Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự thất vọng của những người không được chọn, hiện tôi đang cố gắng làm việc với các đối tác Triều Tiên để thử tìm các giải pháp khác. Số lượng khổng lồ các ứng viên đang chờ đợi trong khi số người được cho phép lại rất hạn chế", ông Park nói. "Hãy tưởng tượng suốt 73 năm mà bạn không biết gì về người thân, không biết họ còn sống hay đã chết. Đó là một bi kịch không thể tưởng tượng nổi".

Cụ Ahn Seung-chun đã mong muốn được đến Triều Tiên để gặp anh trai mình từ rất lâu, nhưng đã quá muộn bởi anh trai cụ đã qua đời. “Tuy tôi sẽ không bao giờ được gặp anh mình, nhưng chí ít tôi được gặp cháu và chị dâu của mình, điều đó cũng khiến tôi rất hạnh phúc” – cụ Ahn cho biết.

Trong một tuyên bố ngày 20/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi hai miền Triều Tiên chung tay đẩy nhanh quá trình hội ngộ hai miền, bởi chính ông cũng xuất thân từ một gia đình tị nạn gốc Triều Tiên và cũng từng hứng chịu nhiều hậu quả từ chiến tranh.

Di sản của chiến tranh

Trong suốt 7 thập kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc, Hội Chữ thập Đỏ đã giúp đoàn tụ rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn người không may mắn chưa được gặp người thân của mình. Và, mỗi lần không gặp may sẽ chỉ làm tăng nỗi lo ngại rằng họ sẽ không còn sống để được gặp mặt người thân của mình nữa. Có hơn 75.000 ứng viên đăng ký đoàn tụ đã qua đời kể từ khi chương trình hội ngộ đi vào hoạt động.

Một người đàn ông có tên Kim Seong-jin cũng tới khách sạn Hanwha, nhưng không phải để đến Triều Tiên. Ông đến để lên tiếng thay cho cha mình bởi cụ không may mắn trong đợt đoàn tụ này. Ông Kim giận dữ nói: “Tôi không biết cha có thể đợi đến bao giờ. Ông đã bắt đầu có biểu hiện mất trí nhớ tuổi già. Trước khi điều đó xảy ra, ông cũng muốn được gặp lại gia đình của mình tại Triều Tiên. Chiến tranh đã bắt ông phải sống cô đơn tại Hàn Quốc”.

Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc, thế nhưng thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên chưa bao giờ được hợp thức hóa thành một hiệp ước hòa bình chính thức. Trước khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra, những cuộc đụng độ nhỏ vẫn diễn ra giữa hai quốc gia này. Chính thức chấm dứt chiến tranh là một yếu tố quan trọng của Tuyên bố Bàn Môn điếm, và cả Bắc và Nam đều cho biết họ đang tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu đó, ngay cả khi các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington dường như chưa có tiến triển mới.

(theo CNN)