📞

Nước Mỹ tuyên bố đã trở lại, nhưng G7 có thể thực sự 'xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn'?

Hạnh Nguyễn 10:25 | 28/07/2021
Giáo sư Yan Liang* có bài phân tích trên East Asia Forum về khả năng thực hiện sáng kiến "xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Anh và Italy, diễn ra từ ngày 11-13/6 ở Cornwall, Anh. (Nguồn: Getty Images)

Nhìn bề ngoài, Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua và bản thông cáo chung sau hội nghị có thể báo hiệu cho thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc giành lại vai trò lãnh đạo ngoại giao.

Tổng thống Biden đã thuyết phục được cả các đồng minh châu Âu và châu Á cùng xây dựng một mặt trận chống Trung Quốc và đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu để “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).

Tuy nhiên, chiến lược của ông Biden đang đặt ra một số câu hỏi quan trọng: Liệu mặt trận chống Trung Quốc dựa trên các giá trị chung này có thể tự duy trì được không? Liệu việc ký sáng kiến B3W, dưới hình thức "con đường tơ lụa xanh", có cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc?

Mỹ đã sẵn sàng trở lại?

Tổng thống Biden đã thực hiện các bước quan trọng để chứng tỏ rằng, Mỹ đã trở lại và sẵn sàng lãnh đạo thế giới.

Ông nhấn mạnh, các giá trị chung như dân chủ và chủ nghĩa tự do dựa trên quy tắc, là những gì gắn kết các đồng minh với Mỹ, đồng thời, mối đe dọa chung là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Do đó, một vấn đề cấp bách là các nước phải hợp tác với nhau để chống lại chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Mỹ đang chuẩn bị làm gì để thiết lập lại và nâng cấp hệ thống đa phương.

Ông chủ Nhà Trắng dường như vẫn duy trì một số thông lệ đã được thiết lập theo mô hình chủ nghĩa kinh tế dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ dưới thời chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.

Mỹ vẫn áp thuế đối với thép, nhôm và một số mặt hàng khác được nhập khẩu từ các nước đồng minh.

Tổng thống Biden cũng đang thúc đẩy chiến dịch “mua hàng Mỹ’ và chính quyền của ông cũng đang tập trung vào việc đưa chuỗi cung ứng trở lại nước Mỹ.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa cho thấy ý định bổ nhiệm thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ba câu hỏi lớn

Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu là “viên ngọc quý” của sáng kiến B3W do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, các nước G7 đã cam kết cung cấp tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Sáng kiến này nhằm chứng minh rằng, các nền dân chủ có thể cùng hợp tác và mang lại lợi ích thực tế cho mọi người, trái ngược với BRI.

Tuy nhiên, hiện cũng có những câu hỏi về sáng kiến B3W.

Thứ nhất, kế hoạch dự kiến sẽ cung cấp khoản tiền trị giá hơn 40.000 tỷ USD cho đến năm 2035. Thế nhưng, hiện vẫn chưa rõ ông Biden làm cách nào để đạt được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở trong nước, nơi chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng nội địa đang bị cắt giảm mạnh.

Những quan ngại này có thể là không có cơ sở, do nhiều quốc gia sẽ phải vật lộn để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nhưng khi hoạt động sản xuất trở lại hoàn toàn trên toàn cầu, áp lực lạm phát sẽ giảm hơn nữa, và vấn đề quan trọng sau đó sẽ là duy trì nhu cầu.

Vấn đề thực sự khó xử là liệu các nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là ông Biden, có thể thuyết phục các cử tri trong nước về ý tưởng chi tiêu lớn ở nước ngoài hay không? Trong bối cảnh chính trị hiện tại, điều này có thể coi là một nhiệm vụ bất khả thi.

Trong khi đó, các nước G7 khác đang tự thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách ở các mức độ khác nhau.

Thứ hai, mặc dù ông Biden tuyên bố “không ràng buộc”, nhưng thật khó để tưởng tượng việc Mỹ sẽ không yêu cầu thay đổi nếu các nước tiếp nhận đầu tư bị coi là vi phạm các tiêu chuẩn phương Tây, bởi kế hoạch này nhấn mạnh vào các giá trị dân chủ vốn kết nối G7 và là nền tảng cho một “thế giới tốt đẹp hơn”.

Niềm tin lớn vào khu vực tư nhân và việc gạt bỏ hiệu quả của các chính phủ cũng có thể đặt ra những thách thức lớn đối với Nhóm G7 trong việc tin tưởng và làm việc với các cơ quan công quyền ở các nước đang phát triển.

Thứ ba, BRI đã khởi động 2.600 dự án cơ sở hạ tầng, trị giá khoảng 3,7 nghìn tỷ USD ở các nước đang phát triển.

Với dự định là một giải pháp thay thế cho BRI, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của G7 không có khả năng cộng tác và hợp tác với các dự án do Trung Quốc khởi xướng.

Điều này có thể dẫn đến các nỗ lực thiếu sự phối hợp và gặp rắc rối trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Một số người có thể tranh luận rằng, kế hoạch của G7 có thể thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc, đem lại lợi ích toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu không có sự hợp tác và cộng tác thích hợp, sự cạnh tranh có thể trở nên kém hiệu quả và phản tác dụng.

Do đó, cả hai sáng kiến này có thể cạnh tranh trong một số lĩnh vực và bổ sung cho nhau trong những lĩnh vực khác.

Các thách thức toàn cầu đòi hỏi một nỗ lực phối hợp đa phương. Một hệ thống đa phương đòi hỏi các quốc gia phải nhận ra sự khác biệt, quản lý xung đột và cùng hợp tác làm việc hướng tới các mục tiêu chung.

Mỹ sẽ giành lại quyền lãnh đạo tốt hơn nếu sáng kiến B3W được định vị lại một cách tổng thể để dẫn dắt thế giới hướng tới một tương lai bền vững hơn.


*Giáo sư Yan Liang hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Willamette, Oregon, Mỹ.

(theo East Asia Forum)