Những cú đánh tàng hình
Tờ Bloomberg vừa đưa ra bình luận rằng, mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thoạt nhìn giống như một “cú đánh tàng hình”. Bởi nó chỉ tập trung đánh vào các danh mục như chất bán dẫn, thiết bị điện tử và công nghệ cao, đó là những lĩnh vực mà chính các nhà sản xuất Mỹ đang đóng tại Trung Quốc nắm giữ. Nhưng động thái này đã gợi lại lời hứa của Tổng thống Trump hồi mới nhậm chức năm 2016 rằng, ông ấy sẽ đánh thuế nặng “bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài”.
Nhưng dù làm gì và bằng cách nào, Chính quyền Mỹ vẫn đang tập trung vào việc giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, đang ở mức trung bình là 2,4% GDP. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó cũng giống như động tác tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Điều đó đã xảy ra ở Trung Quốc. Từ khi Washington chính thức đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, Nhân dân tệ (NDT) liên tục giảm mạnh cho đến nay. Vào ngày 13/7, NDT đã chính thức chạm mốc chỉ đổi được 6.725 USD, đây là mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc đối với đồng tiền của Mỹ trong một năm qua và mất khoảng hơn 5% so với hồi cuối tháng Năm.
Bắc Kinh chỉ có thể áp dụng các biện pháp đáp trả ở mức độ nhất định, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng. (Nguồn: MarketWatch) |
Động thái như vậy thường không có ý nghĩa nhiều lắm đối với những đồng tiền ít bị kiểm soát. Nhưng đối với một đồng NDT có tỷ giá hối đoái được quản lý chặt chẽ bởi Ngân hàng Trung ương, thì sự ổn định của nó chính là điểm tựa vững chắc trong lời hứa của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối với người dân.
Thấm đòn
Từ đầu năm nay, các quỹ đầu tư chứng khoán của Trung Quốc đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng từ những quy định mới của Bắc Kinh trong việc kiểm soát núi nợ công đang tăng cao. Tình cảnh càng trở nên bi đát hơn đối với các quỹ này từ khi Washington chính thức khơi mào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Hiện tại, đà bán tháo cổ phiếu ở Trung Quốc bởi lo ngại chiến tranh thương mại đang tiếp tục đe dọa đến hoạt động của các quỹ, thậm chí ảnh hưởng đến sự sống còn đối với một số quỹ đầu tư nước này, khi phải căn cơ để hoàn trả các khoản trái phiếu đến hạn và bù đắp các khoản đầu tư thua lỗ.
Số liệu thống kê mới nhất phần nào cho thấy, Trung Quốc bắt đầu chịu tác động của vấn đề nợ giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ đang ngày một nghiêm trọng, đe dọa đến hoạt động xuất khẩu của họ. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng trưởng 6,7% trong quý II/2018, giảm so với mức 6,8% trong quý đầu tiên. Theo tờ The New York Times, đã xuất hiện những phàn nàn từ doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc về việc họ khó vay tiền hơn do chính phủ tăng cường nỗ lực tháo gỡ “quả bom nợ” 30.000 tỷ USD (tương đương 259% GDP). Khoản nợ này phần lớn đến từ chi tiêu mạnh tay của doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương.
Giờ đây, một số doanh nghiệp của Trung Quốc đã buộc phải vỡ nợ và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại. Trong những tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng về đầu tư hạ tầng ở nước này cũng chậm lại đáng kể - ước tính thấp hơn khoảng một nửa so với tỉ lệ 20% trong những năm gần đây. Sự sụt giảm giá trị của NDT và cổ phiếu cũng là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang gặp khó.
Bắc Kinh có thể làm gì?
Nhiều ý kiến cho rằng, Bắc Kinh có thừa “vũ khí” để không cần phải kiêng nể Mỹ. Đó là, ngoài biện pháp áp thuế trả đũa, Trung Quốc có thể phá giá NDT hoặc bán tháo số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, biện pháp nào cũng có thể có tác dụng, nhưng mức độ hữu dụng là có hạn. Cụ thể, NDT hiện chưa được tự do chuyển đổi, nên sự biến động mạnh của đồng tiền này không thể ngẫu nhiên xảy ra vào thời điểm hiện tại. Chính sách này giúp khắc phục được phần nào thiệt hại do chính sách thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra. Nhưng nếu làm vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai vấn đề phức tạp khác.
Thứ nhất, với việc sử dụng biện pháp chính sách tiền tệ này, Trung Quốc lôi kéo xung khắc thương mại Mỹ - Trung Quốc sang cả lĩnh vực tiền tệ, mà ở đây khả năng bùng phát chiến tranh tiền tệ còn tiềm tàng hơn và dễ xảy ra hơn cả chiến tranh thương mại. Từ lâu Washington đã cáo buộc Trung Quốc tội "thao túng tiền tệ", nên nếu xảy ra, chiến tranh tiền tệ sẽ làm rung chuyển toàn bộ mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chứ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực như xung khắc thương mại hiện tại.
Thứ hai, một đồng nội tệ không thể bị phá giá một cách vô hạn. Bởi nếu, đồng nội tệ bị mất giá quá mức sẽ ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia trên thị trường quốc tế, cũng như an ninh chính trị và ổn định xã hội. Theo tính toán của Deutsche Bank, cuộc chiến thương mại sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 78 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 13 tỷ USD. Để bù đắp lại, Trung Quốc phải phá giá đồng nội tệ ít nhất 18% - mức độ được cho là Trung Quốc không thể và không dám làm.
Trên phương diện giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ, nếu Trung Quốc, với tư cách là chủ nợ lớn nhất bán tháo, thì họ có thể làm cho tình hình tài chính và chính trị Mỹ trở nên mất ổn định, gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế. Khi đó, Mỹ sẽ mất thêm nhiều nguồn lực và thời gian để đối phó và khắc phục hậu quả, nhưng không phải họ sẽ bị gây khó đến mức không thể khắc phục được.
Trong khi đó, nếu Trung Quốc càng bán ồ ạt trái phiếu Chính phủ Mỹ, thì điều phản tác dụng đối với họ càng rõ. Bởi vì, điều đó khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ sụt giảm, kéo theo giá trị khối lượng mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng giảm, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất dần hiệu lực của một công cụ gây áp lực chính trị và tài chính đối với Mỹ. Vì vậy, Bắc Kinh chỉ có thể sẽ áp dụng mọi biện pháp ở mức độ nhất định nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng.