📞

Panama nỗ lực xoay xở trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Minh Vương 13:50 | 05/05/2023
Sự hiện diện về kinh tế ngày một rõ nét của Bắc Kinh, song song với ảnh hưởng còn đó của Washington đang đặt ra bài toán khó dành cho chính quyền Panama.
Trung Quốc dự kiến là nhà thầu xây dựng cây cầu thứ tư tại Kênh đào Panama. Trong ảnh, cầu Atlantic, cây cầu thứ ba tại Kênh đào Panama, kết nối hai bờ khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. (Nguồn: Dennis Garcia)

Tại Kênh đào Panama, một trong các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, có ba cây cầu lớn, nối Trung Mỹ và Nam Mỹ. Cây cầu đầu tiên là sản phẩm của Mỹ, hai chiếc sau đó do công ty châu Âu xây dựng.

Tuy nhiên, điểm thú vị lại nằm ở cây cầu thứ tư. Nếu như ba cây cầu trên đại diện cho sự phát triển của đất nước này, cũng như mối quan hệ sâu sắc giữa Panama và Washington, cây cầu còn lại, dự kiến do Trung Quốc xây dựng song liên tục bị trì hoãn 6 năm qua, cho thấy bài toán quốc gia Trung Mỹ đang phải giải quyết.

Đó là tìm kiếm sự cân bằng giữa một bên là Mỹ, “người bảo hộ” một thời ở khu vực và Trung Quốc, cường quốc châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Tình thân một thời…

Xuyên suốt thế kỷ XX, Panama đã luôn nằm trong các ưu tiên của Washington. Mỹ đã giúp nước này giành quyền độc lập từ Colombia. Đổi lại xứ cờ hoa được quyền sở hữu một dải đất để xây dựng và hoạt động kênh vận chuyển của mình. Các căn cứ không quân vả hải quân, bao gồm trụ sở của Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) của Mỹ, từng duy trì sự hiện diện tại đây cho đến năm 1999.

Trong khi đó, Panama đã cố gắng xây dựng quan hệ với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Theo cựu Ngoại trưởng nước này Jorge Ritter, khi Tổng thống Panama Aristides Royo bắt đầu đối thoại với Trung Quốc về thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, nhà lãnh đạo này đã nhận một cuộc gọi từ ông chủ Nhà Trắng Jimmy Carter. Trước sự thuyết phục của Tổng thống Mỹ, Panama đã từ bỏ nỗ lực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ có nhiều mối quan tâm ở thế kỷ XXI, Panama cũng cần thay đổi. Một cựu Tổng thống nước này từng nói: “Chúng tôi cảm giác rằng mình không còn trong nghị trình của họ. Bốn năm liền, Mỹ không cử đại sứ tại Panama. Nói đúng hơn, khu vực này dường như không còn có lợi ích với họ nữa”.

Ngay cả đương kim Tổng thống Panama Laurentino Cortizo, một người có lập trường gần gũi với Washington, cũng đôi lần khó chịu trước những lần “thất hứa” của xứ cờ hoa trong thúc đẩy các dự án phát triển quan trọng trên đất nước Trung Mỹ. Nhắc lại chủ trương “xây dựng lại, tốt đẹp hơn” của đoàn đại biểu Mỹ thăm Panama tháng 4/2022, nhà lãnh đạo này thừa nhận: “Cho đến nay, nó vẫn chưa mang lại kết quả”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trao đổi cùng Tổng thống Panama Laurentino Cortizo trong khuôn khổ chuyến thăm đất nước Trung Mỹ ngày 19/4. (Nguồn: Reuters)

Trước lợi ích mới

Tuy nhiên, Trung Quốc thì khác. Năm 2017, Panama từ bỏ mối liên kết kéo dài nhiều thập kỷ với đảo Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Cùng lúc đó, hàng loạt dự án được cường quốc châu Á tài trợ xuất hiện, từ bến du thuyền, đường tàu cao tốc tới Costa Rica, trung tâm hội nghị lớn, cây cầu thứ tư vắt ngang qua Kênh đào Panama và một đại sứ quán Trung Quốc ở ngay gần đó.

Sáu năm sau, với một chính quyền mới cùng áp lực chính trị, được cho là từ phía Mỹ, sự hiện diện của Trung Quốc đã “khiêm tốn” hơn nhiều. Bến du thuyền đã gần hoàn tất và trung tâm hội nghị đã mở cửa, song các dự án khác đã bị trì hoãn.

Đại sứ Trung Quốc Wei Qiang bức xúc: “Tôi không thể hiểu tại sao một đất nước, siêu cường duy nhất trên thế giới, lại ám ảnh tới vậy (chỉ việc Mỹ phản đối dự án của Trung Quốc). Sự lo sợ của họ chẳng khác nào như thời Chiến tranh Lạnh”.

Về phần mình, trong tuyên bố chính thức, giới chức xứ cờ hoa phủ nhận việc can thiệp gây trì hoãn dự án Trung Quốc tại Panama. Tổng thống Panama Laurentino Cortizo nhấn mạnh: “Chúng tôi không chịu bất kỳ sức ép nào từ Mỹ”. Tuy nhiên, bà Rita Vasquez, Thư ký tòa soạn của tờ La Prensa (Argentina) lại nghĩ khác: “Chính phủ mới (của Panama) dường như đã ‘ly hôn với Trung Quốc…Ngay khi họ nắm quyền, dự án đường tàu cao tốc (của Bắc Kinh) đã lập tức ‘xếp xó’.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Tổng thống Panama Juan Carlos Varela trong lễ khánh thành cửa Cocoli của Kênh đào Panama tháng 12/2018. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tuy nhiên, chừng đó thay đổi rõ ràng là chưa đủ. Trung Quốc vẫn đang có bước tiến dài tại Panama. Nước này đã cử đoàn đại biểu lớn nhất tham dự hội chợ thương mại năm nay. Dự kiến, trụ sở Đại sứ quán của Trung Quốc tại đây sẽ chính thức được khởi công trong vài tháng tới. Đáng chú ý, một số nguồn tin cho rằng dự án xây dựng cây cầu thứ tư qua Kênh đào Panama sẽ sớm được thông qua.

Mặc dù vui mừng trước những khoản đầu tư kếch sù này, song đất nước Trung Mỹ cũng lo ngại rằng nỗ lực duy trì vai trò trung lập nhiều năm qua đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Về phần mình, Đại sứ Mỹ Mari Carmen Aponte trấn an: “Tôi ở đây không phải để buộc Panama phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt và sự hiện diện ngày một rõ nét của Bắc Kinh tại Panama, hiện thực hóa cam kết này sẽ không hề đơn giản.

“Với một đất nước nhỏ, mong manh như chúng tôi, trung lập không chỉ cần thiết, mà còn là sự lựa chọn duy nhất”.

Cựu Ngoại trưởng Panama Jorge Ritter nhận định về lập trường của Panama trước cạnh tranh Mỹ-Trung.

(theo Financial Times)