📞

PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: 'Dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế'

Nguyệt Anh 10:47 | 26/08/2021
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ – Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nhà sáng lập POMATH, Mạng lưới Quản lí giáo dục EdulightenUp cho rằng, dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế, đó là giải pháp dạy học cần được thực hiện trong thời đại ngày nay.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ nhận định, dạy học trực tuyến là giải pháp dạy học cần được thực hiện trong thời đại ngày nay.

Lợi ích đến từ "người thầy công nghệ"

Bà nhận định thế nào về việc triển khai học online cho mọi cấp học, mọi lứa tuổi?

Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong dạy học nói chung và dạy học trực tuyến nói riêng được khuyến khích. Ngành giáo dục đã có khoảng 20 năm thực hiện xây dựng bài giảng E-learning, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học ở mọi cấp học.

Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ, việc phổ biến dạy học trực tuyến diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là trong bối cảnh biến động xã hội, chẳng hạn dịch Covid-19. Việc dạy học trực tuyến đã hiện thực hóa rộng rãi ước mơ “học từ xa”, “ngừng đến trường nhưng không dừng học”.

Thực tế, với sức mạnh của công nghệ, chúng ta nên nghĩ việc dạy học trực tuyến sẽ thực hiện những ý tưởng sư phạm mà bình thường khó làm được. Đó là, học cá nhân hóa, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi; học với chương trình phù hợp năng lực, sở thích cá nhân.

Dạy học sáng tạo với sự hỗ trợ của “người thầy công nghệ”, rõ ràng, các phần mềm đã thể hiện ngày càng tốt các ý tưởng sư phạm trong tạo ra cơ hội tương tác, thể hiện phong cách, sản phẩm và các nhóm học tập với sự hỗ trợ của đa phương tiện. Giáo dục kết nối, đa văn hóa khi lớp học toàn cầu có thể kết nối người học khắp nơi; kết nối nguồn tri thức khổng lồ.

Với những lợi ích của công nghệ, của dạy học trực tuyến như vậy, có thể khẳng định, dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế, mà là giải pháp dạy học cần được thực hiện trong thời đại ngày nay.

Công nghệ sẽ là chìa khóa, giúp đào tạo ra một thế hệ công dân số?

Trong lĩnh vực GD&ĐT, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GD&ĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Ngày nay, người dân ở mọi lứa tuổi đều đã tiếp xúc với công nghệ, với Internet, trong đó việc dạy học trực tuyến đã và đang được tiến hành ở mọi cấp học. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện hạ tầng, sức khỏe, đặc điểm tâm lí, nhận thức mà việc học trực tuyến có thể được tổ chức với chương trình, nội dung, thời lượng cho phù hợp.

Chuyển đổi số đã trở thành chiến lược toàn cầu, nước ta cũng xác định chuyển đổi số trong giáo dục là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên. Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số, đó là các công dân tương lai có “năng lực số”.

Theo khuyến nghị của UNESCO và nhiều nghiên cứu, công nghệ sẽ phát triển rất nhanh, nhưng con người phải là chủ thể của quá trình này, đó là sáng tạo ra công nghệ và sử dụng được công nghệ: có ích, an toàn.

Rõ ràng, thông qua giáo dục, năng lực số của công dân mới được bồi đắp. Vì thế, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là thay đổi việc giảng dạy, học tập, quản lí bằng số hóa, bằng công nghệ, mà còn là quá trình không thể thiếu để chúng ta đào tạo ra những công dân tương lai có năng lực số.

Những rào cản...

Việc dạy và học trực tuyến sẽ gặp những khó khăn gì? Cả thầy lẫn trò phải thay đổi để thích nghi với giáo dục trực tuyến ra sao?

Việc dạy học trực tuyến đã phổ biến nhưng để đạt hiệu quả, chất lượng thì không nhiều. Người ta thường phân ra các mức độ khác nhau như: tương tác giữa người dạy – người học, người học – người học, người học – nội dung học để xác định sự thành công của việc dạy học trực tuyến.

Hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn chung về một số vấn đề, đó là: nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ sinh thái để kết nối thông tuyến quản trị - dạy – học – đảm bảo chất lượng. Đồng thời, chưa có tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở dữ liệu phục vụ dạy và học. Chưa tích hợp giáo dục, đào tạo nhân lực về năng lực số và đảm bảo hòa nhập kĩ thuật số. Chưa có sự thống nhất liên thông trong các bậc học, môn học…

Theo đánh giá của một số nghiên cứu được thực hiện sau các đợt giãn cách trước bởi tác động của dịch Covid-19, việc dạy học trực tuyến mới đạt được yêu cầu ở mức độ thấp, đó là duy trì việc học và tương tác giữa giáo viên và học sinh. Còn lại, rất ít các nhà trường có được hệ sinh thái học trực tuyến để người học, người dạy đạt được các cấp độ cao hơn, phát huy thực sự sức mạnh của công nghệ.

Hiện tại, trong khi chờ đợi sự đầu tư đồng bộ, hệ thống thì chúng ta cần tập trung vào tăng cường năng lực công nghệ cho giáo viên, cụ thể đó là chuyển đổi bài dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Nghĩa là, giúp giáo viên lựa chọn được công nghệ phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng sư phạm của mình trong dạy học trực tuyến.

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, mỗi nhà trường hoặc cụm trường có thể lựa chọn công nghệ, rồi tập huấn cho giáo viên. Giáo viên cùng tạo ra giáo án, để trở thành tài nguyên dùng chung. Như vậy sẽ là giải pháp tạm thời, giúp vượt qua khó khăn của giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta cũng biết rằng, có rất nhiều học sinh, sinh viên chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, hạ tầng để sẵn sàng cho dạy học trực tuyến. Qua hơn một năm triển khai trên diện rộng, chúng ta vẫn đang chậm trong việc đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế này, đặc biệt là điều kiện học tập cho người học.

Đây là khó khăn rất lớn, cần khắc phục với sự nỗ lực của mỗi gia đình và cả hệ thống để có sự ưu tiên trong giáo dục. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức tham gia dạy, học trực tuyến của thầy và trò. Đó là, chưa thể hiện được dạy học trực tuyến không phải giải pháp tình thế trong mùa dịch mà phải là phương thức dạy học bắt buộc, đồng hành với dạy học trực tiếp để phát triển năng lực người học trong thời đại ngày nay.

Đây vừa là cản trở, vừa là một động lực để tạo ra sự chuyển biến tích cực, nhanh chóng trong mỗi phạm vi khác nhau và rất cần được thúc đẩy ở mỗi người.

Như vậy, phương pháp học mới ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là thách thức không nhỏ đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Chuyển đổi số nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng đã là giải pháp của thời đại. Dạy học trực tuyến không dành cho riêng ai, mà là cơ hội cho mọi người. Để mọi người cùng được thụ hưởng sức mạnh của thời đại là đích đến của chúng ta.

Tuy nhiên, trong thực tế, dạy học trực tuyến đã không chỉ là cơ hội cho tự học, học suốt đời mà còn là thách thức khi tiềm ẩn nguy cơ gia tăng khoảng cách trong giáo dục khi nhiều trẻ em ở vùng khó khăn, hoặc không được trang bị hạ tầng, thiết bị… đang gặp trở ngại khi học tập trực tuyến nói riêng và tiếp tục đi học, được giáo dục chuyên nghiệp nói chung.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đang cố gắng giảm nguy cơ này bằng cách tăng cường đầu tư công và các dự án cộng đồng mang ý nghĩa phúc lợi để hỗ trợ các vùng khó khăn, cho các trẻ em không có cơ hội học tập.

Riêng Việt Nam, có khá nhiều chương trình như vậy như đầu tư cho các trường học vùng sâu vùng xa, cho các xã nghèo, cho các trẻ em dân tộc, miền núi và các trẻ em khó khăn khác.

PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, các giáo viên cùng tạo ra giáo án, để trở thành tài nguyên dùng chung.

Chính phủ cũng đang tập trung cho các dự án phát triển giáo dục thường xuyên, các trung tâm cho trẻ em gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn còn đó, vì nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh, hoặc tỉ lệ trẻ em gặp khó khăn này không hề ít. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp ở các phạm vi khác nhau.

Ngoài các giải pháp về chính sách và đầu tư xã hội, chúng ta có thể cùng nhau làm các hành động nhỏ, nhưng cấp thiết, như mỗi lớp học, mỗi trường học, mỗi xóm làng, khu phố đều cần phải quan tâm, giúp đỡ các em khó khăn, để các em có thể tiếp cận việc học tập.

Nên xem dạy học trực tuyến là giải pháp của thời đại

Cần phải có những nỗ lực thế nào để chuyển đổi bài dạy truyền thống sang online sao cho hiệu quả, phù hợp với học sinh, thưa bà?

Để chuyển đổi bài dạy truyền thống sang dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, phù hợp với học sinh trước hết cần thay đổi nhận thức để giáo viên. Làm sao để họ hiểu “dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế” trong khi có dịch bệnh Covid-19 mà là giải pháp của thời đại.

Qua đó để phát triển năng lực học sinh, tạo ra hệ sinh thái học tập chủ động, tạo cơ hội cho người học được học tập suốt đời. Trong đó, công nghệ là công cụ của giáo viên, họ phải biết lựa chọn công cụ dạy học phù hợp.

Cùng với thay đổi nhận thức, giáo viên cần phải học để thực hiện được mục tiêu phát triển năng lực người học, tạo ra cách phù hợp với mục tiêu dạy học trước, từ đó mới học cách sử dụng công nghệ phù hợp, khai thác được thế mạnh của các phần mềm, công nghệ.

Chẳng hạn, sẽ tìm được phần mềm phù hợp là những công cụ trắc nghiệm để kiểm tra xem học sinh có nắm được bài cũ, đã chuẩn bị kiến thức cho bài học mới hay chưa. Hay làm thế nào để học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình, sản phẩm mà mình làm ra khi chọn các công cụ có thể tạo ra không gian để học sinh có thể làm việc trên đó.

Một vấn đề nữa cần có cho giáo viên, đó là nguồn dữ liệu cho dạy học. Hiện nay, thiếu dữ liệu được quy hoạch hệ thống kết nối với đánh giá thực quá trình học tập, quản lí việc dạy và học trong trường học. Giáo viên cần tạo ra dữ liệu để dạy và học ngoài lớp học, tạo động lực cho học sinh lựa chọn, tự học.

Đặc biệt, giáo viên cũng cần hợp lực, để cùng tạo ra giáo án, dữ liệu học, coi đó là giải pháp tức thì cho lớp học của mình. Đó sẽ là giáo án dùng chung, là tài nguyên mở chung. Sự hợp lực này sẽ giảm bớt khó khăn của giáo viên.

Thêm nữa, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên đều cần xác định chiến lược để nâng cao năng lực số cho bản thân mình. Chúng ta có thể lựa chọn các khung chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững để theo đuổi học tập, phát triển. Hiện đang có rất nhiều cộng đồng như vậy, đó cũng chính là sức mạnh mà công nghệ chuyển đổi số tạo cho chúng ta.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)