Sự xuất hiện của biến thể Omicron là hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia giàu có về việc không đảm bảo mục tiêu tiêm phòng vaccine Covid-19 trên toàn cầu. (Nguồn: Council of Europe) |
Kể từ mùa Hè năm nay, các nhà khoa học và các chuyên gia y tế toàn cầu đã kêu gọi hành động nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng về bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu và nước nghèo.
Họ cảnh báo, việc càng để nhiều khu vực thế giới chưa tiêm phòng càng lâu, thì virus SARS-CoV-2 càng có nguy cơ biến đổi mạnh.
Biến thể mới - hồi chuông cảnh báo
Biến thể Omicron xuất hiện hồi tháng 11, với những đặc tính được cho là nguy hiểm hơn cả biến thể Delta vốn đang thống trị toàn cầu trong năm qua, như tiếng chuông cảnh báo toàn cầu rằng, biến thể như Omicron bùng phát sẽ có nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực giúp chấm dứt đại dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, biến thể Omicron nhiều khả năng sẽ lây lan trên phạm vi toàn cầu và dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng tại một số khu vực.
Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), đồng Chủ tịch Liên minh vaccine cho tất cả mọi người Winnie Byanyima khẳng định, nguyên nhân Omicron lây lan nhanh chóng là do thế giới không đáp ứng được mục tiêu về tiêm phòng Covid-19.
Theo bà Byanyima, hoạt động kinh doanh đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp dược phẩm, song việc vẫn còn nhiều người chưa tiêm phòng đồng nghĩa rằng virus sẽ có nguy cơ tiếp tục lây lan. Thế giới sẽ không thể đón nhận kết quả tốt đẹp hơn nếu vẫn tiếp tục hành động như cũ.
Chênh lệch tỷ lệ tiêm vaccine
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh vaccine cho tất cả mọi người vừa công bố các số liệu mới, theo đó số người được tiêm phòng mũi tăng cường tại Anh đang bằng với tổng số người tiêm phòng hai mũi tại tất cả các nước nghèo nhất trên thế giới.
Cụ thể, sau khi Anh thông báo mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành tại nước này, tổng cộng có 20 triệu người đã tiêm phòng mũi thứ ba vaccine ngừa Covid-19.
Cứ 15 người châu Phi thì chỉ có 1 người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi gần 70% dân số các nước trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã được tiêm chủng đầy đủ. |
Trong khi đó, theo trang Our World In Data, chỉ có 20 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ tại toàn bộ 27 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào danh sách các nước thu nhập thấp.
Giám đốc chính sách y tế của tổ chức từ thiện Oxfam Anna Marriott cảnh báo, trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện, rõ ràng việc bỏ các nước đang phát triển lại phía sau và đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ không giúp chấm dứt đại dịch.
Theo bà, nguy cơ tái diễn các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới là rất cao, trừ phi tất cả các nước hoàn tất công tác tiêm phòng đầy đủ sớm nhất có thể.
Bà Marriott nhấn mạnh, dù không thể xóa bỏ sai lầm đã mắc phải trong 21 tháng vừa qua, song các nước giàu cần vạch ra lộ trình mới để thuyết phục các công ty dược chia sẻ công nghệ với các nhà sản xuất trên toàn thế giới, từ đó đảm bảo mục tiêu tiêm phòng cho người dân tại tất cả các nước và kết thúc được đại dịch.
Cùng chung quan điểm trên, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhận định, việc thất bại trong mục tiêu tiêm phòng Covid-19 trên toàn cầu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng xuyên suốt đại dịch. Ông cũng cảnh báo càng nhiều người chưa được tiêm phòng, thì virus sẽ càng có nguy cơ biến đổi nhanh hơn và nhiều hơn.
Châu Phi - báo động nguy cơ bị bỏ lại
Châu Phi, nơi đầu tiên phát hiện biến theerr Omicron, có ít cơ hội vượt qua đại dịch Covid-19 trừ phi 70% dân số châu lục này được tiêm phòng vaccine cho đến cuối năm 2022 và lục địa này có nguy cơ bị bỏ lại đằng sau do sự "phân biệt đối xử về vaccine ngừa Covid-19".
Một báo cáo về tình hình dịch Covid-19 ở châu Phi do Hiệp hội Mo Ibrahim đưa ra ngày 6/12 nhận định, việc phát hiện Omicron ở miền Nam châu Phi đã làm dấy lên lo ngại cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 và sau đó các biến thể có thể lây lan tới những nước khác trên thế giới, nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn.
Báo cáo cho biết, chỉ có 5 trong số 54 quốc gia ở châu Phi đang trong tiến trình đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số đến cuối năm 2021.
Dữ liệu từ Hiệp hội Mo Ibrahim cho thấy cứ 15 người châu Phi thì chỉ có 1 người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi gần 70% dân số các nước trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã được tiêm chủng đầy đủ.
Chủ tịch Hiệp hội, Tiến sĩ Mo Ibrahim nêu rõ: "Sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời nhắc nhở chúng ta rằng dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu và việc tiêm phòng cho toàn thế giới là cách duy nhất vượt qua đại dịch này". Ông nhấn mạnh châu Phi đang bị bỏ lại đằng sau nếu tiếp tục bị "phân biệt đối xử về vaccine".
Hiệp hội Mo Ibrahim kêu gọi các nước châu Phi cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở châu lục này.
* Hiệp hội Mo Ibrahim được thành lập nhằm thúc đẩy sự quản lý và phát triển kinh tế tốt hơn ở châu Phi.
| Dịch Covid-19: Biến thể Omicron và những kịch bản 'đau đầu' đối với tăng trưởng toàn cầu Theo báo Le Figaro của Pháp, trước mối đe dọa về làn sóng Covid-19 mới, giới nghiên cứu kinh tế đã thận trọng xem lại ... |
| Điểm nhấn Cố đô Huế Huế khiến bất cứ du khách nào cũng xao xuyến nhờ vẻ đẹp yên bình, cổ kính với những cung điện, lăng tẩm, chùa chiền ... |