Ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. |
Các vấn đề về biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý chất thải và phát triển đô thị ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải chủ động tuyên truyền đồng thời đề xuất các giải pháp.
Đó là lý do Viện Goethe Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững” vào ngày 24/5.
Theo ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, mục tiêu của hội thảo là tạo cầu nối giữa truyền thông báo chí với độc giả, đồng thời mở rộng các thảo luận chuyên môn trong ngành truyền thông, giúp công chúng hình dung ra một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Với nhiều năm kinh nghiệm đưa tin các dự án dài hạn về các vấn đề bền vững tại Việt Nam, các nhà báo Đinh Đức Hoàng, Nhung Nguyễn, đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Tài Văn đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về báo chí giải pháp - một sự thay đổi toàn cầu trong báo chí. Họ đề cập cách giải quyết vấn đề, trải nghiệm từ những thành công và thất bại.
Các diễn giả chia sẻ các câu chuyện về việc đưa tin tận tâm, đưa cho khán giả một cái nhìn công tâm và tổng quan nhất về các giải pháp phát triển bền vững trong xã hội.
Theo diễn giả Nhung Nguyễn, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng, mà không ca tụng chúng.
Báo chí giải pháp có thể được nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao nhất: chúng ta thực hiện đầy đủ các thao tác, nguyên tắc khi như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dự liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều…
Nhà báo Nhung Nguyễn cho biết: “Nếu báo chí tập trung về vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, vì sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, báo chí giải pháp đặt thêm một câu hỏi khác: Sau đó thì sao? Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó".
Nhà báo Đinh Đức Hoàng từng giữ các vị trí quản lý tại Báo Lao động, VnExpress và VTVCab, hiện đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO. Thông qua các bài viết, anh bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các nhóm người nghèo và thiệt thòi. Năm 2020, anh tham gia xây dựng NICE - Mạng lưới các sáng kiến phát triển cộng đồng, với mục tiêu hỗ trợ các sáng kiến xã hội thông qua kết nối truyền thông. Nhà báo Nhung Nguyễn có 10 năm kinh nghiệm viết về biến đổi khí hậu và bất bình đẳng ở Việt Nam. Cô cũng là nhà đào tạo (trainer) của Mạng lưới Báo chí giải pháp tại Việt Nam. Tác phẩm của Nhung Nguyễn xuất hiện trên một số tờ báo trong khu vực và quốc tế, bao gồm The Third Pole, Mekong Eye, Rest of World, The Guardian, The Washington Post, cũng như các tờ báo trong nước như VnExpress International và Tạp chí Tia sáng. Đạo diễn Nguyễn Tài Văn hiện đang công tác tại Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam. Các tác phẩm tài liệu của anh đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Cánh diều Vàng cho Đạo diễn phim khoa học xuất sắc nhất năm 2021, giải Cánh diều Bạc cho bộ phim khoa học Sự cân bằng hoàn hảo (2021), Cánh diều bạc và Bông sen Bạc cho bộ phim Ô nhiễm nhựa trên biển (2019) cùng nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Môi trường Việt Nam. Năm 2023, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. |