📞

Phát ngôn lệch chuẩn: 'Đóng đinh' vào mạng xã hội

Nguyệt Anh 09:32 | 01/12/2020
TGVN. Trao đổi với TG&VN, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, những phát ngôn lệch chuẩn của các bạn trẻ đã ‘đóng đinh’, ‘ghim’ vào mạng xã hội là điều bất lợi đối với chính chủ nhân của nó.

PGS.TS Phạm Văn Tình nhận định, những phát ngôn lệch chuẩn, dù ngoài đời hay trên mạng xã hội, những chuyện khác người, lạ lùng thường được tiếp nhận và được lan truyền nhanh. (Ảnh: NVCC)

Ngay sau khi đăng quang, Hoa hậu Việt Nam 2020 gặp thị phi khi những phát ngôn, bình luận thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội trong quá khứ bị "khui" ra. Bên cạnh phê phán, không ít ý kiến cho rằng đó là điều bình thường, ai chẳng có lúc văng tục. Ông suy nghĩ gì về câu chuyện này?

Thứ nhất, cần phải phân biệt, xem xét chuyện nói tục ấy ở góc độ nào, có nghiêm trọng lắm không? Nói tục, văng tục là hiện tượng ngôn ngữ không bình thường nhưng vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Trong một vài tình huống không kiềm chế, ai đó vì bực bội mà “văng” ra một câu nói tục (như một phản xạ bản năng) là có thể. Tuy nhiên, xét từ góc độ văn hóa thì đó là hành vi lệch chuẩn. Dù dưới bất cứ hình thức nào nó cũng thể hiện sự thiếu cẩn trọng và việc sử dụng ngôn ngữ không đẹp như vậy, xét cho cùng không phải là hành vi đúng mực.

Vài năm trước cũng từng xảy ra chuyện không hay: Dù đã nhanh tay đóng trang cá nhân sau khi đăng quang Hoa hậu nhưng một số status về phát ngôn "không đúng chuẩn" của cô gái vừa nhận vương miện năm đó vẫn bị dư luận bàn tán và phê phán (vì cư dân mạng đã nhanh chóng chụp lại màn hình và truyền cho nhau). Đáng chú ý, có những câu nói rất không đúng mực về chính cô giáo của mình.

"Tôi nghĩ, không thể cho rằng nói bậy, nói tục là một sự tiêu khiển hồn nhiên, vui vẻ mà phải nhìn nhận đó là biểu hiện văn hóa của mỗi người. Hơn nữa, hành vi, lời nói trong quá khứ vẫn là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất của mỗi cá nhân. Quá khứ gần hay xa thì họ cũng phải chịu trách nhiệm vì sản phẩm của chính mình. Do vậy, hành vi chửi bậy, nói tục lặp đi lặp lại sẽ là vết đen, làm cho các mảng màu của cá nhân đó bị hoen ố", PGS. TS. Phạm Văn Tình.

Quay trở lại chuyện đang bàn, hiện nay có một số người đã nổi tiếng lại bị “khui" ra trong quá khứ đã có những hành vi không hay, như nói tục. Theo tôi, nếu nói tục trong tình huống bạn bè hẹp thôi, nói trong lúc đùa vui tếu táo thì có thể chấp nhận được. Nếu nói tục trong một bối cảnh rộng, đông người, đòi hỏi chuẩn nghi thức (và đã lưu lại và phát tán) thì khó chấp nhận.

Từ góc độ đạo đức và văn hóa, việc nói tục với những người ngang hàng đã không hay, nếu nói một câu tục tĩu chỗ đông người, nói trên mạng “giấy trắng mực đen”, hoặc trước những người phải coi trọng thì đó là hành vi bất kính. Tôi cho rằng trong những tình huống đó cần phải phê phán.

Có người cho rằng, ngôn ngữ trên mạng xã hội là ngôn ngữ “không chính thức” của giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn không thể “bình chân như vại” trước hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn của giới trẻ?

Mạng xã hội là một kênh giao tiếp ảo, một diễn đàn chung cho mọi người. Thường trên mạng xã hội người ta phát biểu cũng tự do, thoải mái hơn vì nghĩ rằng có thể ẩn danh, giấu được tung tích. Hoặc người ta coi đó là cái “bể” hỗn tạp, khá thoải mái, có thể tùy hứng tung ra những ngôn ngữ không cẩn trọng như lúc bình thường.

Nhưng mạng xã hội thực tế cũng có cái chuẩn của nó, cũng đòi hỏi những yêu cầu giao tiếp cần phải tuân thủ. Nói chung, mỗi tài khoản trên mạng khi viết trên đó cũng mang dấu ấn, phong cách của người nào đó. Rõ ràng, những phát ngôn lệch chuẩn đã “đóng đinh”, “ghim” vào mạng xã hội là điều bất lợi đối với chính chủ nhân của nó.

Có lẽ, chúng ta phải làm quen với cách ứng xử trên mạng xã hội. Đó là một diễn đàn hoàn toàn mới, dù ảo nhưng như thế không có nghĩa là không có cái chuẩn mực phải hướng tới. Chúng ta cũng cần hướng đến sử dụng ngôn từ một cách văn minh, “mình vì mọi người”.

Không ít đứa trẻ vẫn là con ngoan ở nhà, học sinh xuất sắc ở trường nhưng trên mạng xã hội lại chửi bậy, viết bậy. Có phải do công nghệ làm lan tỏa hành vi kiểu “hòa cả làng”, ảnh hưởng đến ngôn ngữ của giới trẻ, thưa ông?

Điều ngạc nhiên là có rất nhiều người, các em học sinh, kể cả những người trưởng thành dưới mắt mọi người là rất đáng trân trọng lại có những biểu hiện “không tương xứng”. Họ đã thành đạt hoặc được tôn vinh nhưng trên mạng xã hội vẫn bị “khai quật” lại những phát ngôn không chuẩn mực trong quá khứ.

Tôi nghĩ, không thể cho rằng nói bậy, nói tục là một sự tiêu khiển “hồn nhiên, vui vẻ” mà phải nhìn nhận đó là biểu hiện văn hóa của mỗi người. Hơn nữa, hành vi, lời nói trong quá khứ vẫn là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất của mỗi cá nhân. Quá khứ gần hay xa thì họ cũng phải chịu trách nhiệm vì “sản phẩm” của chính mình. Do vậy, nếu hành vi chửi bậy, nói tục lặp đi lặp lại sẽ là vết đen, làm cho các mảng màu của cá nhân đó bị hoen ố.

Cái gì cũng có hai mặt, những phát ngôn đó cũng xuất phát từ tính cách của mỗi người nên không thể nói là bột phát. Do vậy, mỗi người phải tự kiểm tra, tự điều chỉnh hành vi, lời nói của chính mình.

Còn mạng xã hội hay công nghệ hiện nay làm cho các giá trị được “nhân bản” và lan tỏa rất nhanh. Những điều hay lẫn điều dở cũng nhanh chóng được tiếp nhận. Nhưng có một điều lạ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, những chuyện khác người, chuyện lạ lùng và “lệch chuẩn” lại thường được tiếp nhận khá nhanh nhạy và được lan truyền nhanh.

Thế mới thấy vai trò của giáo dục rất quan trọng. Bác Hồ từng nói “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Mặt bằng xuất phát của mọi đứa trẻ như nhau nhưng có những đứa trẻ lớn lên có biểu hiện lệch lạc, rõ ràng trách nhiệm này đến từ giáo dục.

Vai trò của giáo dục có mặt ở khắp mọi nơi. Gia đình, nhà trường và xã hội là “ba chân kiềng”, ba môi trường tác động tới tính cách của mỗi người và trước hết nó hình thành nên phông văn hóa.

Ông nhận định gì về mối liên hệ giữa việc giới trẻ nói bậy và những cản trở nhất định trong tương lai nghề nghiệp sau này?

Người ta nói “Vàng thì thử lửa thử than, chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời”. Lời lẽ, ngôn từ cũng là một trong những biểu hiện tính cách con người. Ngoài ngoại hình, phát ngôn là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm hạnh đó. Lời lẽ thể hiện tầm hiểu biết cũng như cách ứng xử.

Cho nên, mới có chuyện người ta đi xem mặt cô dâu. Nếu chỉ xem mặt thôi thì có lẽ nhà trai xiêu lòng. Nhưng nếu để cô dâu ra rót nước, mời trầu, nói đôi lời với các cụ thì người ta mới nhận ra cô này là người gia giáo, có giáo dục, nết na hay không. Nếu không đạt, cô sẽ bị loại trước “hội đồng tuyển chọn” của nhà trai.

Chúng ta cũng không thể khác với các thế hệ cha ông về việc nhìn nhận tư cách của con người. Công, dung, ngôn, hạnh luôn luôn là yếu tố làm nên thần thái và nét đẹp của mỗi một cô gái.

Mặc dù một hành vi, lời nói, cử chỉ trên mạng xã hội hay ngoài đời không đánh giá được hết phẩm cách của một người. Tuy nhiên, dưới góc độ ngôn ngữ học, ông nghĩ gì về phông văn hóa của những bạn trẻ dùng ngôn ngữ lệch chuẩn này?

Giới trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi khác ngày xưa, điều kiện sống với những tiện ích tốt hơn, được tiếp cận với công nghệ thông tin phong phú, đa dạng hơn… Tuy nhiên, vì công nghệ quá phổ biến, quá hấp dẫn nên giới trẻ bị hút vào mà quên rằng, trong cuộc sống ta phải trở lại là một người bình thường.

Có không ít gia đình, trẻ con suốt ngày chúi mũi vào những trò chơi điện tử hoặc mải mê với mạng xã hội mà quên không trau dồi những kỹ năng khác. Trong khi đó, ngôn từ muốn hay phải tiếp xúc, phải va chạm, phải được trải nghiệm qua các cuộc trao đổi, ứng xử chứ không phải tự nhiên mà nói hay, nói tốt được. Chính những sự hoạt động đó làm cho người ta cảm thấy mình có trách nhiệm hơn, hình thành những kỹ năng giao tiếp, nhận ra những giá trị, những nét đẹp trong nhân cách cũng như ngôn ngữ.

Có người cho rằng nói tục là bản năng, vì hiệu ứng đám đông, được lây truyền, có những người cứ nói ra là tục. Nếu cả cộng đồng làm ngơ sẽ khiến cho cá nhân đó nhận thức sai lệch và từ đó dẫn tới hành vi lệch chuẩn.

Nhiều người quan niệm mạng xã hội như một nhật ký trực tuyến dành cho mỗi người, vậy theo ông, việc sử dụng chữ viết, ngôn ngữ sao cho đúng mực, đúng quy tắc quan trọng ra sao?

Cái gì cũng có thang giá trị của nó. Thang giá trị trong ngôn ngữ thể hiện qua chữ viết, qua lời nói. Mình phải nhận ra được “chuẩn giá trị” đó thì mới điều chỉnh phù hợp với cộng đồng hiện nay đang hướng tới.

Cho nên, tôi muốn nói rằng không có cái gì tự nhiên có, nó phải qua một quá trình. Cũng giống như người thổi sáo hay chơi đàn, tưởng đơn giản “như chơi” nhưng thực tế họ phải trải qua các bước rèn luyện vất vả, mới thuần thục kỹ năng, từ sự gia công và trau dồi.

Trước thực trạng trên, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ giới hạn trên mạng xã hội mà cả đời thực thế nào, thưa ông?

Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có mặt ở khắp mọi nơi, trong nói năng hằng ngày, viết lách, trên các phương tiện truyền thông, báo chí… Mạng xã hội bây giờ trở thành diễn đàn lớn nhất, nhanh nhất và rất lợi hại. Nhiều nước cũng sợ mạng xã hội trở thành quyền lực gây ra những hiệu ứng kể cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nó giống như con dao hai lưỡi, biết dùng thì tốt, không biết dùng thì đứt tay như chơi.

Tôi hy vọng chúng ta đang hướng tới sự giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có lẽ ai cũng yêu tiếng Việt, vậy ta hãy thể hiện tình yêu bằng hành động cụ thể trong nói năng của mình.

Vậy lúc này, vấn đề chỉnh đốn lại ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ phải đi từ phông văn hóa, nền tảng gia đình và nhà trường?

Thực tế, hiện nay gia đình và nhà trường khó quản lý các bạn trẻ trong việc nói tục, nói bậy, nói thiếu lễ độ. Vì vậy, mỗi gia đình, nhà trường cần có định hướng giáo dục bài bản và hệ thống từ khi trẻ còn nhỏ.

Giống như chăm một cái cây. Dù gặp sâu bệnh hay thiên tai, cho dù rụng lá hay sâu cành, nhưng nếu cây khỏe, có nội lực mạnh thì kết quả cuối cùng là cây sẽ vẫn phát triển tốt chứ không tàn lụi. Người quen nói bậy hơn nói đúng mực thì thật khó trở thành người nói hay.

Giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, sau đó đến nhà trường và xã hội. Gia đình vẫn là cái nôi, là tổ ấm, tế bào của xã hội, cái gốc của mọi sự giáo dục. Cho nên gia đình phải có sự lưu ý, cha mẹ phải quan tâm đến con cái. Cha mẹ phải coi những chuyện giáo dục con cái trong việc tiếp thu tri thức, trong đó có tiếp thu ngôn ngữ là hệ trọng. Và có một thực tế, hãy nhìn vào con cái, đó là bức tranh phản ánh rất rõ vai trò của cha mẹ, ông bà.

Điều quan trọng hiển nhiên, muốn một đứa trẻ có chuẩn mực trong ngôn ngữ, ngay chính các bậc cha mẹ phải có lời nói, ngôn ngữ chuẩn mực.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)