Du lịch cộng đồng hiện đang được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. (Nguồn: dulichvietnam.com) |
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương mà còn góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân.
Phát huy thế mạnh của bản địa
Du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển mạnh ở nước ta từ đầu những năm 2000. Đây là loại hình hoạt động phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như xu thế lựa chọn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Thời gian qua, du lịch cộng đồng đã khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa và truyền thống đặc trưng, riêng có của vùng miền, đồng thời tập trung vào hoạt động trải nghiệm, thưởng thức những “đặc sản” truyền thống bản địa như văn hóa ẩm thực, làng nghề, hoạt động dân gian. Bên cạnh đó, khách tham quan được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động như người bản địa nên được thư giãn, sảng khoái tinh thần, rèn luyện sức khoẻ…
Theo số liệu ước định của Tổng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Việt Nam có khoảng 300 làng du lịch cộng đồng, 5.000 homestay, sức chứa khoảng 100.000 khách. Hầu hết các làng du lịch, homestay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Tin liên quan |
Báo Al Jazeera: Việt Nam mở cửa du lịch, người dân Điện Biên lựa chọn làm du lịch bền vững |
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%; tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm; đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm.
Ở nước ta có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống của người dân được nâng cao.
Du lịch cộng đồng phát triển đã tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch cho du khách bên cạnh những thu nhập từ công việc truyền thống của mình; tạo liên kết bền vững nhiều ngành kinh tế lại với nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Đồng thời, quảng bá hình ảnh của các địa phương, của quốc gia đến với bạn bè trên toàn thế giới.
Chị Lý Thị Pày ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Trước đây, gia đình và các hộ dân chủ yếu là làm nông, nên đều rất nghèo, đời sống vất vả. Từ khi làm du lịch có thu nhập nhiều hơn, do vậy cuộc sống bớt vất vả hơn".
Là một trong những hộ dân đi đầu trong việc mở dịch vụ homestay ở Khuổi Khon (Cao Bằng), anh Chi Văn Khôn cho biết, du khách rất hào hứng khi được nghỉ tại nhà sàn, trải nghiệm các hoạt động hằng ngày cùng với người dân như chế biến các món ăn truyền thống, chăm sóc gia súc, gia cầm, thêu, dệt thổ cẩm, vì vậy, gia đình anh đã mở dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch. Từ khi làm homestay, thu nhập của gia đình anh ổn định hơn, từng bước đủ điều kiện phát triển, tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Phát triển không nên theo phong trào
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cộng đồng ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chưa có sự đầu tư bài bản, đa số địa phương chưa có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa, sản phẩm.
Dịch vụ nghèo nàn, kém hấp dẫn nên hầu hết số khách du lịch, nhất là khách nước ngoài chỉ đến có một lần. Việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, người dân làm dịch vụ du lịch cộng đồng còn mang tính phong trào, hình thức, chưa đi vào thực chất, thiết thực. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế. Số đông các hộ đồng bào làm tự phát, mò mẫm, thiếu sự kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài nước.
Để du lịch cộng đồng Việt Nam phát triển, theo ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam, cần giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, nhất là cho cộng đồng dân cư về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, trong đó đặc biệt chú ý những vấn đề về môi trường, ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng.
Đồng thời, huy động hệ thống chính trị ở địa phương cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho dân cư về cách làm du lịch cộng đồng, các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch…
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải, một nghệ thuật truyền thống của người dân tộc H'Mông. (Nguồn: Báo Hòa Bình) |
Chính quyền địa phương cần có hướng dẫn, quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội – nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm...
“Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ khách. Nhà nước cần có sự khen thưởng, động viên khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp làm tốt du lịch cộng đồng, có sự đóng góp tích cực cho xã hội. Đồng thời nhân rộng điển hình trong tỉnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh để làm tốt hơn du lịch cộng đồng”, ông Trung nhấn mạnh.
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.
| Du lịch cộng đồng: Nắm bắt xu hướng thế giới để phát huy thế mạnh của Việt Nam Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990, hình thức du lịch cộng đồng ngày càng khẳng định được thế mạnh, khi trở thành ... |
| Khi người dân tộc thiểu số học marketing về du lịch sinh thái Từ ngày 17-19/7, Helvetas phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về marketing du lịch ... |
| Bạc Liêu 'tăng tốc' biến tiềm năng du lịch thành lợi thế phát triển Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch tỉnh Bạc Liêu đã khởi sắc trở lại, góp phần tích ... |
| Ruộng bậc thang - động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số phía Bắc Đã từ lâu ruộng bậc thang trở thành hình thức canh tác độc đáo, tạo nên nét truyền thống đậm bản sắc văn hóa của ... |
| Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng các xã miền núi Hòa Bình Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống. Các ... |