Thái độ khi bắt tay theo phép lịch sự xã giao nên tỏ thái độ lịch thiệp, niềm nở, chân thành, không vồ vập, và không suồng sã. Trong ảnh là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 22/5/2019. |
Phép lịch sự xã giao là cách cư xử chuẩn mực, lịch thiệp giữa người với người trong quan hệ xã hội, thể hiện lòng tự trọng của bản thân và thái độ tôn trọng người khác của người tham gia giao tiếp.
Phép lịch sự xã giao đặc biệt quan trọng trong tiếp xúc đối ngoại, bởi người tham gia giao tiếp là đại diện quốc gia.
Cách chào hỏi
Nam chào nữ trước, người ít tuổi chào người lớn tuổi hơn, người có địa vị thấp chào người có địa vị cao hơn, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng, nam phải đứng lên để chào nữ, và nữ được phép ngồi để chào lại.
Khi chào miệng không nhai gì, không ngậm thuốc lá; không đút tay vào túi; không đội mũ nón, phải dùng tay bỏ mũ nón ra để chào.
Người được chào có bổn phận đáp lại lời chào.
Người chào thể hiện thái độ đúng mực, thân thiện, và lịch thiệp.
Bắt tay
Thái độ khi bắt tay nên tỏ thái độ lịch thiệp, niềm nở, chân thành, không vồ vập, và không suồng sã.
Tư thế khi bắt tay phải đàng hoàng, đĩnh đạc, không khúm núm, không cúi gập người, mắt nhìn thẳng vào người mình bắt tay, đầu hơi nghiêng về phía đối phương.
Mức độ bắt tay không được gượng gạo, hời hợt hoặc không bóp tay quá mạnh, không rung lắc, không giằng co, siết tay vừa đủ chặt được coi là phù hợp.
Thời gian bắt tay không nên quá lâu hoặc quá nhanh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp muốn thể hiện sự thân tình hoặc sự thành ý, nồng nhiệt, có thể kéo dài thời gian bắt tay hơn bình thường.
Bắt tay ngoại giao thể hiện ý chí, quyết tâm, sự đoàn kết có thể nắm tay lâu (hoặc hình thức quàng tay nhau), mục đích để ghi hình, chụp ảnh.
Quy tắc cơ bản là không chủ động bắt tay người có tuổi và địa vị cao hơn mình (trong trường hợp này có thể cúi đầu chào, nếu người đó chủ động bắt tay thì mới bắt đáp lễ); không chủ động bắt tay người chưa quen biết mà phải chờ người giới thiệu trước hoặc mình chủ động giới thiệu làm quen rồi mới bắt tay.
Thứ tự bắt tay lần lượt, người đến trước bắt tay trước, người đến sau bắt tay sau, không đưa hai tay bắt hai người cùng lúc, không bắt tay người nọ chéo qua người kia hoặc vừa bắt tay vừa ngoảnh mặt đi.
Khi có nhiều người cùng giơ tay cho mình bắt, cần chú ý bắt tay trước với người có cương vị cao hơn, người nhiều tuổi hơn, phụ nữ trước nam giới, hai vợ chồng thì bắt tay vợ trước.
Không đứng trên bậc thang để bắt tay người đứng dưới bậc thang hoặc ngược lại.
Không đứng trong cửa bắt tay người ngoài cửa.
Đang ngồi mà có người đến chào hỏi, bắt tay, phải đứng dậy bắt tay đáp lễ.
Nếu đeo găng tay, phải tháo găng ra rồi mới bắt tay (phụ nữ không phải tháo).
Không dùng tay trái để bắt tay.
Chú ý phong tục một số nước (một số nước đạo Hồi, Thái Lan, Lào…) không bắt tay người khác giới mà chỉ chắp tay trước ngực, gật đầu.
Giới thiệu
Giới thiệu người ít tuổi cho người cao tuổi, người có địa vị thấp cho người có địa vị cao, giới thiệu nam giới cho nữ giới, giới thiệu người thân quen mình cho khách tới thăm, giới thiệu người đến sau cho người đến trước.
Thông thường, giới thiệu tên rồi chức vụ, nếu nhiều chức vụ thì giới thiệu chức vụ quan trọng nhất.
Tác phong lịch thiệp trong tiếp xúc
Thể hiện thái độ chân thành, tự nhiên, không khách khí, nhưng tránh tùy tiện, suồng sã trong tiếp xúc.
Nói chuyện điềm đạm, khiêm tốn, tế nhị, không vung tay, không dùng ngón tay chỉ trỏ người khác.
Lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người đối thoại với mình; tránh bình phẩm hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm; tránh tranh luận gay gắt hoặc nói thẳng băng, luôn dùng những câu xã giao lịch sự.
Đi, đứng trong phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, chững chạc, dứt khoát, không vội vàng hấp tấp cũng không quá chậm chạp; ngồi ngay ngắn, thẳng lưng.
Hình thức lịch sự, quần áo luôn được là phẳng, không nhàu nát; giầy được đánh sạch; đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ.