TIN LIÊN QUAN | |
Bế giảng khóa bồi dưỡng kỹ năng biên phiên dịch các thứ tiếng | |
Khai giảng khóa học biên phiên dịch cho cán bộ địa phương |
Tại cuộc họp báo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người ta thấy ở các tai nghe phát ra một giọng nữ Hà Nội trong trẻo, “tròn vành, rõ chữ”. Ít ai biết phiên dịch viên này đã được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn và trở về Hà Nội chỉ để thông ngôn cho cuộc họp báo này. Chị là Nguyễn Vũ Việt Hoa - còn gọi là Higuchi Hoa, hiện sinh sống tại Nhật Bản.
Chào chị! Thật thú vị khi biết phiên dịch viên do phía Nhật Bản chuẩn bị cho một cuộc họp báo ở Việt Nam lại là một người Việt sống tại Tokyo. Chị cảm thấy thế nào khi biết mình sẽ phiên dịch cho sự kiện này?
Tôi thấy bất ngờ, vinh dự, và có chút lo lắng. Bất ngờ vì tôi chỉ là một trong rất nhiều phiên dịch Việt - Nhật làm việc tại Tokyo nhưng lại được chọn. Từ bất ngờ tôi thấy vinh dự vì mình được đảm trách một vị trí mà thường chỉ có những người mang quốc tịch Nhật Bản mới được làm.
Tất nhiên, tôi vui vì đã được góp phần nhỏ bé của mình vào một chuyến thăm cấp cao, dù tôi không là nhân viên của cả hai Bộ Ngoại giao.
Higuchi Hoa phiên dịch trong cuộc gặp giữa ông Ito Haruhiko, Thị trưởng thành phố Izumiootsu và ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, ngày 9/9/2016, tại Nhật Bản. |
Nhưng ngay sau đó, nỗi lo lắng về công việc ập đến. Cuộc dịch này không giống những cuộc thăm và làm việc thông thường mà tôi vẫn làm phiên dịch như về đường sắt đô thị, về hợp tác y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu hay các cuộc đối thoại chính sách song phương... Đây là sự kiện quan trọng hơn rất nhiều. Tôi phải đọc và chuẩn bị thật kỹ càng.
Nhiều phiên dịch viên thành công từng chia sẻ rằng nghề đã chọn họ. Còn với chị thì sao?
Tôi nghĩ chắc với tôi, nghề phiên dịch là cái duyên, cái nghiệp và có cả yếu tố… gia truyền (cười). Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm ngoại giao. Mẹ tôi - bà Vũ Thị Xuân Dung thuộc lớp phiên dịch tiếng Trung đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Khởi nguồn cảm hứng đối với nghề phiên dịch cho tôi chính là bố mẹ tôi. Suốt những năm tháng học phổ thông và đại học, bố tôi - ông Nguyễn Tiến, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - thường xuyên kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Khi ông mất rồi, ngồi chắp nối lại những câu chuyện ấy, tôi mới nhận ra sự tinh tế, tế nhị của bố trong việc dạy bảo, xây dựng cho tôi một nhân cách và hướng cho tôi lòng say mê công việc đối ngoại và cách yêu đất nước mình.
Tôi được đến với xứ sở Mặt Trời mọc cũng là nhờ bố quyết định mang tôi theo trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông tại đây. Cơ duyên cuộc đời tôi với tiếng Nhật và với nghề phiên dịch tiếng Nhật đã đến rất tự nhiên như thế.
Một người khác cũng truyền cảm hứng mang tính kỹ thuật của nghề phiên dịch cho tôi chính là anh trai tôi - anh Nguyễn Vũ Tú, nguyên Giám đốc Sở Ngoại Vụ TP. Hồ Chí Minh (ảnh bên). Khi tôi bước vào những năm cuối của bậc Đại học, anh đã được chọn làm phiên dịch cho các hội nghị quốc tế lớn. Anh thường chia sẻ với tôi những gì anh học được sau một cuộc dịch, những trăn trở của anh với công việc này… Tất cả những điều đó đã làm tôi thích thú với nghề từ khi nào không hay. Đến nay, dù tôi đã trải qua hơn 20 năm trong nghề, nhưng hai anh em tôi vẫn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Dù làm việc với hai ngôn ngữ khác nhau, nhưng anh vẫn luôn là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc khi tôi tham gia dịch các cuộc làm việc quan trọng.
Và tất nhiên, để những cố gắng trong nghề phiên dịch của tôi được ghi nhận, không thể không nhắc đến sự chia sẻ, hy sinh của gia đình nhỏ. Chồng con tôi không chỉ truyền cảm hứng mà còn tạo điều kiện để tôi theo nghề. Chồng tôi là người khuyến khích, động viên tôi đi làm và chủ động chia sẻ việc nhà để tôi yên tâm làm việc.
20 năm kinh nghiệm không phải quãng thời gian ngắn. Hẳn chị có không ít kỷ niệm đáng nhớ?
Có một kỷ niệm khó quên khi tôi tham gia dịch buổi Lễ khai mạc của Lễ hội Việt Nam năm 2013 ở Tokyo. Đây là hoạt động văn hoá thường niên, tiêu biểu trong quan hệ song phương Việt - Nhật. Năm 2013 cũng là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Buổi lễ có sự hiện diện của nhiều nhân vật quan trọng như Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khi đó là ông Đoàn Xuân Hưng. Phía Nhật Bản có sự tham dự của Hoàng tử và Công nương Akishino, ngài Fukuda Yasuo - cựu Thủ tướng Nhật Bản…
Trước buổi lễ, tôi đã được cung cấp khá đầy đủ các bài phát biểu, chỉ chưa có bài của cựu Thủ tướng Fukuda Yasuo. Nhưng khi buổi lễ bắt đầu, các bài phát biểu lần lượt được trình bày mà vẫn chưa có bản thảo bài phát biểu của ngài Fukuda Yasuo trong tay, tôi rất hoang mang, không biết cựu Thủ tướng sẽ nói những gì?
Và rồi, ngài Fukuda cũng được mời lên phát biểu. Cựu Thủ tướng bước đến gần micro giữa sân khấu rồi rút từ trong túi ngực ra xấp giấy gấp ba. Khi ông mở ra, tôi nhìn thấy xấp giấy lại tách ra làm hai tập.
Chị Nguyễn Vũ Việt Hoa và bố mẹ tại Tokyo năm 1982. (Ảnh: NVCC) |
Nhìn ông mở tập giấy, tôi nghĩ ông sẽ bắt đầu nói. Tôi cũng mở tập giấy trắng đã chuẩn bị từ trước, cầm sẵn bút trong tay với tư thế sẵn sàng ghi lại nội dung. Thế nhưng, ông lại chưa nói mà từ từ tiến về chỗ tôi đang đứng và đưa cho tôi một trong hai tập giấy đang cầm trên tay. “Cô dùng bản này nhé”, ông nói.
Cựu Thủ tướng đã chuẩn bị sẵn cả phần bài cho phiên dịch và ông trực tiếp trao tay trước mặt các quý vị đại biểu cao quý có mặt trong buổi lễ.
Tôi thật sự ngạc nhiên trước diễn biến mình không thể lường trước. Cử chỉ ân cần của một con người đã từng ở vị trí đứng đầu cường quốc Nhật Bản đã làm tim tôi như nghẹn lại. Ông rất hiểu người phiên dịch cần gì và không bỏ qua điều đó. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra khoé mắt mình như có gì đó cay cay… Ngay cả bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy những cảm xúc ấm áp dâng trào.
Làm phiên dịch cho nhiều sự kiện quan trọng, theo chị, kỹ năng quan trọng cần có trong nghề này là gì? Và ngoài ra, phải có những điều kiện đủ nào khác, thưa chị?
Từ kinh nghiệm của riêng mình, tôi thấy điều kiện cần của nghề phiên dịch là năng lực ngôn ngữ và điều kiện đủ là kiến thức. Năng lực ngôn ngữ ở đây là cần phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ cả ngoại ngữ. Tôi luôn trân trọng những năm tháng cắp sách đến trường ở Hà Nội, từ trường Trưng Vương, Chu Văn An, Hà Nội-Amsterdam đến trường Đại học Ngoại Thương, những nơi tôi được các thầy cô rèn cả cách nói và viết tiếng Việt. Bên cạnh đó, tôi đã tiếp cận tiếng Nhật như một công cụ giao tiếp, phương tiện truyền tải của nền văn hóa Nhật Bản một cách tự nhiên từ trong cuộc sống nhiều hơn chứ không phải như một môn học lý thuyết với các công thức được đóng khung.
Hôm nào đi dịch mà chuẩn bị chưa thật kỹ lưỡng, nhất là lại về chủ đề mới, thì phần dịch sẽ có những chỗ chưa thật “mượt”. Cho nên, tôi thường tự nhủ mình luôn phải đọc và chuẩn bị để bổ sung kiến thức mỗi khi nhận một nhiệm vụ dịch mới.
Một phần kiến thức nữa mà người phiên dịch cần trang bị là biết vị trí của mình - ngồi đâu, đứng đâu, nói năng, thưa gửi thế nào - trong tương quan với khách chính và các đại biểu khác. Cái này không trường nào dạy cả, phải tự học qua cọ xát thực tế.
Tóm lại, giỏi hai thứ tiếng là điều kiện cần, kiến thức sâu rộng là điều kiện đủ để làm một phiên dịch tốt.
Nghe chị chia sẻ, thấy công việc của người phiên dịch thật mênh mông quá. Hẳn chị có nhiều dự định trước mắt?
Đơn giản lắm. Kế hoạch của tôi là giữ gìn sức khỏe, tiếp tục chăm chỉ làm việc, duy trì và nâng cao chất lượng công việc để khách hàng ngày càng tin tưởng hơn. Khi có nhiều lời mời cộng tác, tôi không chỉ vui vì được làm điều mình đam mê, mà như thế, tôi còn đóng góp được phần nhỏ bé của mình làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Tôi hy vọng sẽ tiếp tục được tin tưởng, quý mến và giao những nhiệm vụ quan trọng như lần này.
Xin cảm ơn chị!
Cơ hội tuyệt vời để nâng cao nghiệp vụ biên phiên dịch Sáng 25/4, tại Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch (Hà Nội), Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã tổ chức bế giảng “Lớp ... |
Những mẩu chuyện về các sĩ quan phiên dịch Trại Davis Vào những năm 1970, số người biết tiếng Anh ở miền Bắc rất ít, số người làm "thông ngôn" tiếng Anh lại càng ít hơn. ... |
Người phiên dịch cứu Tổng thống khỏi sự cố ngoại giao. Theo AFP, ngày 6/6/2013, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến thăm Nhật Bản 3 ngày, Tổng thống ... |