Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi lần thứ 2 tại Lisbon |
Những phát biểu cởi mở và êm tai như “châu Âu cần châu Phi như châu Phi cần châu Âu” của Tổng thống Ghana John Kufuor hay “đây là một hội nghị giữa những quốc gia bình đẳng” của Thủ tướng nước chủ nhà Jose Socrates... dường như đã khiến người ta quên đi một thực tế rằng khoảng cách phát triển giữa châu Âu và châu Phi xa hơn nhiều so với khoảng cách địa lý giữa hai bờ Địa Trung Hải.
Không khó để thấy lợi ích to lớn của cả hai bên trong việc tăng cường mối quan hệ vốn có lịch sử không mấy vui vẻ này. Bên cạnh hợp tác trong chống khủng bố, cả EU và châu Phi cùng tìm thấy lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hiện châu Âu là đối tác thương mại và viện trợ số 1 của châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 215 tỷ USD, trong đó các nước châu Phi thặng dư 35 tỷ USD. ODA cam kết trong năm 2006 là 35 tỷ USD và dự kiến tăng thêm 10 tỷ USD kể từ năm 2010. Tuy nhiên, ngôi đầu bảng này đang bị thách thức nghiêm trọng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Mỹ. Đối với EU, điều cấp bách hiện nay là phải thay đổi chính sách với châu Phi theo hướng tăng cường ảnh hưởng chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế. Còn với châu Phi, một châu Âu có mối liên hệ lịch sử và xã hội sâu sắc sẽ là động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững.
Người ta cho rằng mối quan hệ EU - châu Phi sẽ chỉ được tăng cường thông qua đối thoại và trao đổi bình đẳng. Và đến với Hội nghị Lisbon lần này, châu Âu đã lựa chọn cách tiếp cận “bình đẳng” làm cơ sở cho một Thoả thuận đối tác thương mại với châu Phi. Nhưng “bình đẳng” theo cách hiểu của châu Âu là chấm dứt những ưu đãi về thương mại mà EU dành cho hàng hoá có xuất xứ từ châu Phi, được quy định trong Hiệp định Cotonou; dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan và thiết lập mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa các nền kinh tế châu Âu và châu Phi. Dự kiến 80% trao đổi thương mại EU – châu Phi sẽ được tự do hóa. Theo ông Peter Mandelson, Cao uỷ châu Âu về thương mại, bản thỏa thuận này sẽ là một “cơ hội tốt” để các nước châu Phi hòa nhập hơn vào tiến trình toàn cầu hoá.
Nhưng làm sao có thể tham gia vào quá trình toàn cầu hoá chỉ bằng cách cắt giảm thuế quan? Làm sao những nền kinh tế nông nghiệp nhỏ bé và kém phát triển của châu Phi có thể đứng vững trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng nông sản châu Âu vốn được hưởng rất nhiều trợ cấp? “Bình đẳng” vốn là mục tiêu mà các nước đang phát triển luôn đòi hỏi trong quan hệ với các nước phát triển, thế nhưng đòi hỏi “bình đẳng” trong quan hệ thương mại giữa một không gian kinh tế thống nhất và phát triển với một lục địa vẫn đang là nạn nhân của nạn đói và sự nghèo khổ lại là một sự ngây thơ đến phi lý. Theo Tổng thống Senegal Abdoulaye Wade, cơ chế “bình đẳng” sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của châu Phi và làm trầm trọng thêm tình trạng “bất bình đẳng” về phát triển và mức sống giữa hai lục địa. Có lẽ vì vậy mà hầu hết các nước châu Phi đã từ chối ký vào bản Thoả thuận đối tác thương mại mà EU đề xuất.
Còn nhớ năm 2005, EU đưa ra một “chiến lược đối với châu Phi” và lần này người ta lại nói đến một khuôn khổ “đối tác vì châu Phi”. Không phủ nhận sự sốt sắng của EU dành cho châu Phi, nhưng mục đích dường như là để giữ chặt châu Phi làm cái “sân sau” của mình hơn là “vì châu Phi” như người ta vẫn cam kết. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng kế hoạch “bình đẳng hoá” mối quan hệ EU - châu Phi lại đang làm sống lại bóng ma chủ nghĩa thực dân.
Chí Thành