Phiên thảo luận trực tiếp trong chương trình Tọa đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp có mục tiêu tạo cơ hội để hai bên cùng đề xuất và thảo luận một số cơ chế phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp Việt đang vươn ra thế giới.
Tại đây, các doanh nghiệp có thể chia sẻ với các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thâm nhập thị trường quốc tế. Và các vị Đại sứ có thể chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp kinh nghiệm và trao đổi về những công việc họ đã làm và có thể làm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tham gia buổi thảo luận trực tiếp có:
- Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc
- Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường
- Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng
- Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh
- Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải
- Đại diện Hiệp hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng
- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh
- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk Ngô Minh Hải
- Phó Tổng Giám đốc FPT Software, kiêm Chủ tịch FSOFT Hà Nội Nguyễn Khải Hoàn
- Chủ tịch/ Đồng sáng lập Up Co-working Space Đỗ Hoài Nam
Dẫn chương trình Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Quản lý Trung ương:
Tôi cho rằng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có những thế mạnh của họ, nên chúng ta phải tìm kiếm những cách thức để sử dụng tốt nhất những thế mạnh đó. Mục tiêu của buổi tọa đàm hôm nay là dịp để các vị Đại sứ cũng như các doanh nghiệp cùng chia sẻ những cách làm tốt, cách làm hay trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh, cũng như là hỗ trợ của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, góp phần vào thành công của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài.
Để mở đầu cho cuộc thảo luận hôm nay, tôi có một câu hỏi cho Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc vì chúng ta đang chịu tác động ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thời gian qua, tính bất định và không dự đoán được của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam là một trong những nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, tuy nhiên vẫn có những chính sách cơ bản ổn định. Theo ông, điều gì đã tạo ra sự ổn định đó và vai trò của Cơ quan đại diện Việt Nam ở Hoa Kỳ trong việc duy trì sự ổn định này, để Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền có nhiều bất định. Về phương diện cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng ta có Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán. Mục tiêu của chúng ta là duy trì môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ thương mại, đầu tư.
Sẽ không tốt nếu quan hệ hai nước đi ngang hoặc đi xuống, chúng tôi nỗ lực để quan hệ hai nước theo chiều hướng đi lên. Chúng tôi chủ động kết nối, để chính quyền mới thấy Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam quan trọng với Hoa Kỳ.
Khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi điện đàm chúc mừng Tổng thống Trump. Thủ tướng đã thăm Hoa Kỳ và ngược lại, Tổng thống Trump cũng đã tới thăm Việt Nam. Chúng ta đã dành cho phía bạn sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo. Thực tế cho thấy chính sách thì xuất phát từ lợi ích quốc gia, xong người thực thi chính sách là con người. Vì vậy, mối quan hệ giữa các lãnh đạo cũng có tác động lớn.
Có thể thấy, sau khi tới thăm Việt Nam, các lãnh đạo của Hoa Kỳ đều thể hiện thiện cảm với đất nước chúng ta. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một hướng đi, chúng ta phải quan tâm đáp ứng những trọng tâm mà Tổng thống Hoa Kỳ quan tâm.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường chia sẻ tại Toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Nhật Bản cũng là một thị trường khắt khe, làm thế nào để chúng ta có thể mở rộng, thâm nhập vào thị trường Nhật Bản?
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường: Đúng như vậy, Nhật Bản cũng là một thị trường khắt khe, Nhật Bản bảo vệ khắt khe thị trường nông sản. Hiện nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, quan hệ càng tốt đẹp thì cơ hội tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp lại càng lớn. Thị trường nông sản Nhật Bản tương đối khó tính, để đưa nông sản Việt vào thị trường Nhật thì ít nhất quá trình đàm phán phải mất tới 3 đến 5 năm.
Quá trình kiểm tra của nước bạn cũng rất nghiêm ngặt. Đại sứ quán phải rà soát, nếu như công ty nào làm ăn không tốt, chúng tôi phải báo cáo và có thể chấm dứt hợp đồng. Tới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội rất lớn cho chúng ta khi đa phần các mặt hàng nông sản vào Nhật Bản chỉ bị áp thuế 0%.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Châu Âu cũng là một thị trường rất lớn, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức. Vậy Đức có khác biệt gì khi so sánh với Nhật Bản?
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng: Tôi thấy Nhật và Đức có nhiều cái giống nhau song cũng có nhiều khác biệt. Đức là thị trường rất lớn, nhưng có lẽ hai bên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nhau, dù cho thương mại hai chiều hiện nay là trên dưới 10 tỷ USD. Nhưng tiềm năng giữa hai bên vẫn còn rất lớn.
Vì vậy, cần phải trả lời câu hỏi làm thế nào để khai thác hết tiềm năng đó. Rất nhiều người Đức yêu quý Việt Nam, họ hiểu Việt Nam như điểm sáng của châu Á và được quan tâm.
Đặc trưng của Đức là Liên bang, từng bang họ quyết định định hướng phát triển của mình, vì vậy, chúng tôi cố gắng đặt mục tiêu đi tới các bang, giới thiệu cho từng bang, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp và nhận thấy họ rất quan tâm tới Việt Nam.
Dù quan hệ hai nước cũng còn những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi nhận thấy phía bạn vẫn rất háo hức với thị trường của ta và tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Tôi cho rằng, không chỉ tiếp xúc ngoại giao, du lịch và thương mại cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Quá trình vận động, quảng bá, hợp tác cùng có lợi cần được chú trọng.
Chúng ta có nhiều các FTA, có Cộng đồng ASEAN… chúng ta có nhiều cơ hội để doanh nghiệp Đức đến với Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Kinh nghiệm tận dụng các hỗ trợ từ cơ quan đại diện Việt Nam để góp phần vào thành công trong đầu tư của doanh nghiệp?
Phó CT HĐQT TH True Milk Ngô Minh Hải: Khi tập đoàn TH True Milk ra đời, trong cuộc họp Chủ tịch tập đoàn đã đưa ra chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tạo sự bứt phá và lối đi mới cho tập đoàn. Ứng dụng công nghệ cao là chìa khoá vàng để phát triển Tập đoàn TH True Milk.
Trong tất cả quá trình phát triển của Tập đoàn, đều có những dấu ấn sâu đậm của Ngoại giao Việt Nam, từ những ngày đầu khi TH True Milk bắt đầu sang Israel tìm hiểu những ứng dụng công nghệ tốt và phù hợp nhất với Việt Nam, tìm kiếm những đối tác tin cậy, đưa công nghệ của Israel vào ứng dụng trong chăn nuôi. Từ những thành công bước đầu, TH True Milk đã dần xây dựng được thương hiệu tốt, đưa sản phẩm và thương hiệu của mình ra với thế giới.
Phó CT HĐQT TH True Milk Ngô Minh Hải chia sẻ về việc tận dụng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thành công trong đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hiện nay, đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn khoảng 2,7 tỷ USD, tiêu biểu là dự án đang triển khai tại Nga. Trong bước thành công này, không thể không nhắc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow (Liên Bang Nga). Thông qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán, chúng tôi đã được tiếp xúc và tìm kiếm những cơ hội đầu tư với các đối tác. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển và đưa thương hiệu ra các thị trường như Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Myanmar…
Việc xuất hàng sang Trung Quốc thường thông qua hai con đường: tiểu ngạch và chính ngạch. Con đường tiểu ngạch có thể xuất khẩu được nhưng lại không ổn định, bấp bênh. Với con đường chính ngạch, thị trường Trung Quốc chấp nhận sản phẩm của Tập đoàn nhưng vấn đề bảo hộ còn gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên trì phát triển thị trường tại Trung Quốc, dưới sự hỗ trợ tích cực của ngành Ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Quảng Châu và Nam Ninh. Đoàn Bộ Công thương Trung Quốc và các đoàn An ninh thực phẩm cũng chuẩn bị sang Việt Nam để kiểm tra trang trại của Tập đoàn TH True Milk trước khi ký cam kết nhập khẩu.
Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel: Bắt đầu phát triển thị trường ra nước ngoài từ năm 2006, sau 12 năm, Viettel đã có mặt ở thị trường của 10 nước bao gồm Lào, Đông Timo, Myanmar, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Haiti và Peru. Thời gian tới, Viettel cũng mong muốn phát triển thêm thị trường ở châu Âu.
Đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ kinh nghiệm tận dụng các hỗ trợ từ cơ quan đại diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Góp phần vào thành công đó, ngành ngoại giao đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong việc định hướng thông tin với sự giúp đỡ, quan tâm và tạo điều kiện tối đa từ các Đại sứ và Tham tán thương mại ở các nước. Họ đã dành nhiều công sức và thời gian hỗ trợ cho Viettel, kết nối cơ quan chính quyền, quan tâm và chia sẻ các thông tin kịp thời cho doanh nghiệp.
Tôi muốn nhắn gửi tới các doanh nghiệp rằng, cơ hội đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có ở những nước giàu, nước phát triển mà ở cả những nước nghèo, khó khăn, thậm chí có chiến tranh, các doanh nghiệp vẫn có thể tìm được những cơ hội kinh doanh và thành công tại thị trường đó.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Campuchia là một địa bàn quan trọng về cả kinh tế lẫn chính trị. Xin Đại sứ chia sẻ những hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia hỗ trợ đưa hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường Campuchia và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này?
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh: Tôi đã có kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu môi trường đầu tư tại thị trường Anh và Campuchia. Dù về cơ cấu hàng hóa hai thị trường này là khác biệt nhưng về cơ bản, các biện pháp hỗ trợ đầu tư đều giống nhau.
Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đều đang có chỗ đứng nhất định tại Campuchia. Campuchia là địa bàn nhỏ nhưng có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn. Campuchia cũng là thị trường mà Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỷ USD.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia hiện nay gồm 1 Đại sứ quán và 2 Tổng Lãnh sự quán, giữ vai trò cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, kết nối doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Campuchia.
Có một số biện pháp mà Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đang giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam: tổ chức buổi briefing cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về địa bàn cũng như tình hình kinh tế xã hội của sở tại; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các trường hợp vướng mắc về thủ tục; giúp giải quyết các tranh chấp, vướng mắc thương mại khi phát sinh trên cơ sở pháp luật; đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, bảo vệ hình ảnh và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Hiện tại Đại sứ quán đã mở đường dây liên lạc 24/24, xây dựng trang mạng xuất khẩu vào Campuchia và kết nối với các doanh nghiệp thông qua các đầu mối liên lạc.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh chia sẻ tại Toạ đàm. (Nguồn: Nguyễn Hồng) |
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Israel là quốc gia có thế mạnh về công nghệ. Đại sứ có thể chia sẻ những hỗ trợ thành công của Đại sứ quán cho doanh nghiệp? Đại sứ có điều gì muốn gửi gắm đến doanh nghiệp?
Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải: Israel được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp và là nước đứng thứ 8 trên thế giới về công nghệ. Tại đây, công nghệ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ an ninh, quốc phòng, công nghiệp, đến y tế, sức khoẻ…
Những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam tìm kiếm đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ với Israel. Ví dụ như chia sẻ thông tin, xây dựng kết nối bệnh viện điện tử sử dụng công nghê Israel, tìm kiếm giống vật nuôi nông nghiệp…
Trong lĩnh vực nông nghiệp – thuỷ sản, Đại sứ quán đã tìm kiếm giống cá rô và tôm càng xanh toàn đực, giúp nông dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... mở rộng phát triển sản xuất hai loại thuỷ sản trên để xuất khẩu sang châu Âu.
Ngoài ra, Israel còn có một vài lĩnh vực hợp tác khác mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác như hệ thống xử lý nước, lọc nước biển, xử lý rác thải cứng, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Hiện nay Israel cũng đang chú trọng cải tiến công nghệ nhằm làm tăng hiệu năng của điện mặt trời và điện sóng biển.
Kim ngạch thương mại của Việt Nam và Israel hiện là 1,6 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm ngoái. Hầu hết, hàng hoá của Palestine đều nhập từ thị trường Israel, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của thị trường Israel để xuất sang thị trường Palestine.
Các doanh nghiệp có thể "đặt hàng" cụ thể với Đại sứ quán, từ đó Đại sứ quán sẽ đưa ra các biện pháp tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Xuất khẩu công nghệ phần mềm lâu nay đã được hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao trong việc mở rộng thị trường ra bên ngoài như thế nào?
PTGĐ FPT Software Nguyễn Khải Hoàn: Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực và phát triển doanh nghiệp ở nhiều thị trường, trong đó có cả các thị trường lớn như ở Đức, Mỹ. Chúng tôi nhận thấy vai trò rất lớn của ngành ngoại giao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi cảm ơn Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ tốt về thông tin cho các tập đoàn.
Về đề nghị, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta muốn cung cấp dịch vụ cao cấp hơn thì phải hy sinh một số dịch vụ giá rẻ như xuất khẩu lao động không có tay nghề, ngoại ngữ. Quá trình sàng lọc các hồ sơ ứng viên cần phải chặt chẽ hơn, vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới chính chúng ta trong dài hạn.
Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải nói về công tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ với Israel. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Còn đối với ngành Dệt may, chúng ta đã tận dụng được những cơ hội gì và đặc biệt, sự phối hợp giữa ngành Dệt may với ngành Ngoại giao như thế nào để tận dụng tốt các cơ hội để phát triển?
PTGĐ Tập đoàn Dệt may Phạm Nguyên Hạnh: Tôi còn nhớ rằng nhiều thị trường khó tính như Iraq song ngành dệt may chúng tôi vẫn có thể thâm nhập vào được. Điều đó là nhờ Đại sứ quán ta tại địa bàn đã giúp đỡ chúng tôi từ chỗ ăn, ở, cung cấp cho chúng tôi thông tin về sở tại.
Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật chúng tôi cũng đã và đang tiếp cận được và tìm những điểm mạnh của họ để tăng cường hợp tác. Nhờ sự giúp đỡ của sứ quán, chúng tôi đang phát triển thị trường tại Canada.
Hiện nay, chúng tôi đang mong mỏi nhiều điều ở Hiệp định CPTPP, đây là một cơ hội song cũng có không ít khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ kết nối tư vấn tới những thị trường mà chúng tôi chưa thâm nhập được trong khuôn khổ CPTPP, để chúng tôi đỡ bỡ ngỡ và khó khăn khi khởi động quá trình làm ăn với họ.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang bắt đầu ảnh hưởng tới doanh nghiệp trên bình diện tiến độ sản xuất, giá cả, chúng tôi thực sự luôn cần sự đồng hành, sát cánh của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại.
Tiến sỹ Đình Cung: Hiệp hội xuất khẩu thủy sản có thể chia sẻ gì về sự phối hợp giữa cơ quan đại diện ngoại giao trong việc giải quyết những vướng mắc của mình?
Đại diện VASEP Lê Hằng: Ngành thủy sản là ngành hội nhập sớm, vì vậy, cũng có những va đập sớm như rào cản thuế quan, chống bán phá giá cá tra tại Hoa Kỳ. Mỗi năm, Bộ Thương mại Hoa kỳ lại đưa ra mức thuế áp cao hơn với cách tính không theo thông lệ. Chúng tôi đã phải theo một chặng đường dài với họ, vì vậy, rất cần sự giúp đỡ của cơ quan ngoại giao.
Có thể nói, các cơ quan ngoại giao ta đã có những tác động tích cực với chính giới của Hoa Kỳ, các nghị sỹ phía bạn cũng có những ủng hộ nhất định cho phía ta. Vì vậy, với cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao là chỗ dựa, tạo điều kiện, giúp đỡ để vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam lên WTO có những dấu hiệu tích cực. Hiệp hội mong muốn thời gian tới, cơ quan ngoại giao tại Hoa Kỳ tiếp tục sát cánh cùng Hiệp hội, có tác động mạnh hơn để phía Hoa kỳ có sự thay đổi trong cách tính toán.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Vậy về sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan đại diện để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của chúng ta hiện nay?
Chủ tịch Up Co-working Space Đỗ Hoài Nam: Khởi nghiệp sáng tạo là một lĩnh vực khá đặc thù và cần hiểu rõ về bản chất. Nó có thể là những ngành công nghiệp truyền thống nhưng mô hình kinh doanh lại không truyền thống. Không chỉ vậy, công nghệ tạo ra một thế giới phẳng, khác biệt với những lĩnh vực khác. Vì lẽ đó, tương đối khó khăn để định danh một công ty khởi nghiệp về công nghệ và để hỗ trợ cho những công ty này cần suy nghĩ theo một chiều hướng mới.
Hiện nay, nhiều công ty khởi nghiệp về công nghệ đang phải đặt công ty ở nước ngoài bởi gặp phải khó khăn cạnh tranh ở thị trường trong nước. Chúng ta đang kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước, nhưng lại đang mất đi những doanh nghiệp tiềm năng khi họ lại phải đặt công ty ở bên ngoài. Tới đây, hy vọng Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quan tâm hơn nữa tới việc tạo cầu nối cho các doanh nghiệp khi họ làm việc ở nước ngoài.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Nhân dịp này, chúng tôi rất mong muốn được nghe những chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tới đây hôm nay, tôi có hai trăn trở. Thứ nhất là, khái niệm nước lớn, nước nhỏ không gây cản trở đối với chúng ta trong thời gian này. Nước nhỏ dành được vô vàn những điều để chúng ta học hỏi như Campuchia trong xuất khẩu gạo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại Toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong thời đại của công nghệ hiện nay các quốc gia khác nhau đều có khả năng hỗ trợ và phát triển những công nghệ mới. Đứng đầu trong nền công nghệ hiện nay có Iserael, một số nước Bắc Âu, quy mô kinh tế của họ nhỏ nhưng trình độ công nghệ của họ rất cao, chúng ta có thể học hỏi được. Khái niệm lớn nhỏ chỉ nên xác định một cách tương đối. Ngay cả với Việt Nam, về quy mô kinh tế, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tương đối lớn, ta đã dự tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ hai, mới đây tôi có đọc một bài báo trên tờ New York Times nói về về tầm quan trọng của các công ty lớn về công nghệ, họ nói về khái niệm tập trung quyền lực kinh tế. Như ở Mỹ trước đây, 30 công ty Mỹ đóng góp tới 50% tổng lợi nhuận của cả nước, nhưng hiện nay chỉ có 9 công ty đã đóng góp khoảng 50% đó. Điều này cho thấy tập trung quyền lực kinh tế đang thể hiện rõ nét.
Từ đây, tôi suy nghĩ tới cách thức quan hệ với các công ty khác nhau của các quốc gia. Tôi nghĩ chúng ta coi trọng quan hệ giữa các quốc gia, cũng như coi trọng quan hệ với các công ty khác nhau. Tôi mong muốn các đại sứ đang làm việc ở các quốc gia khác nhau, mỗi người hãy biến mình thành một phần nào đó để trở thành một “đại sứ công nghệ”, giúp Việt Nam tìm được ngành công nghệ thích hợp để phát triển hơn, nâng cao năng suất lao động.