TIN LIÊN QUAN | |
Thế giới mong chờ sự thay đổi | |
Tổng thống Obama lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ - Philippines |
Trong bài viết mới đây trên báo Yomiuri (Nhật Bản), hai nhà bình luận Tatsuya Fukumoto và Yuko Mukai đã có những nhận định liên quan đến tác động của sự thay đổi chính sách của Manila đến cục diện an ninh khu vực cũng như nguy cơ mà Nhật Bản có thể phải đối mặt.
Nhiều chuyên gia nhận định Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thể hiện ý định đưa Philippines tách khỏi Mỹ về mặt quân sự và nhiều lĩnh vực khác để "gần gũi" hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Điều này đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế bởi nếu chiến lược này được triển khai, đây sẽ không còn là câu chuyện mối quan hệ 3 bên mà còn là sự thay đổi lớn trong môi trường an ninh khu vực.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh khu vực. (Nguồn: Reuters) |
Tam giác chiến lược
Từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch cải tạo quy mô lớn và xây dựng nhiều hạ tầng quân sự tại Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Nước này cũng đã xây dựng một đường băng dài 3km và một cảng biển lớn ở Đá Chữ Thập.
Theo giới chuyên gia Nhật Bản và nước ngoài, mục tiêu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều khả năng là biến bãi cạn Scarborough trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines thành một căn cứ quân sự để tạo thành một “tam giác chiến lược”, với hai đỉnh khác là Đảo Phú Lâm và các căn cứ xây trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản Yoji Koda nói: “Xét về mặt quân sự, việc thiết lập căn cứ quân sự tại ba điểm chiến lược đó là điều kiện để Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực ở Biển Đông theo phạm vi ‘Đường 9 đoạn’ mà họ vạch ra… Sau khi hoàn tất tam giác này, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt quyền kiểm soát một vùng rộng lớn trên Biển Đông”.
Rõ ràng, việc xây dựng các căn cứ ở 3 địa điểm trọng yếu và chiến lược nói trên sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng triển khai các phương tiện chiến đấu tân tiến như máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6 trong phạm vi rộng lớn, và điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn trên không phận Biển Đông. Bên cạnh khả năng cảnh báo sớm và giám sát ngày càng hiệu quả, trong tương lai Trung Quốc sẽ dễ dàng thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) rộng lớn, đe dọa hoạt động của các máy bay khác tại cả những khu vực ở xa lãnh thổ của họ.
Việc Manila "gần" Trung "xa" Mỹ khiến Nhật Bản phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh. (Nguồn: SRN News) |
Tự do hàng hải bị thách thức
Điều mà nhiều người quan tâm là khi nào Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động xây dựng vài cải tạo tại bãi cạn Scarborough? Bãi cạn này nằm cách căn cứ không quân Mỹ ở vịnh Subic, phía Bắc đảo Luzon, chỉ khoảng 220km, và cách Căn cứ Không quân Clark 300km.
Tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết phủ nhận mọi tuyên bố về chủ quyền đối với Biển Đông của Trung Quốc, đánh dấu chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines sau khi nước này để mất quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough từ năm 2012. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền từ tháng 6/2016, chỉ mới là giành lại quyền đánh cá tại bãi cạn này cho ngư dân Philippines. Ông cho biết đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20/10 vừa qua, và Bắc Kinh cam kết sẽ ra lệnh cho các tàu biển rút khỏi khu vực này.
Nhiều thành viên Chính phủ Nhật Bản cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ khiến Trung Quốc khó có thể “tự tung tự tác” nếu muốn cải tạo Bãi cạn Scarborough, song Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không từ bỏ tham vọng của mình. Nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani, thuộc Viện Các Vấn đề Quốc tế Nhật Bản, cho rằng “đó chỉ là bước dừng tạm thời... Họ chắc chắn sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng tại Bãi cạn Scarborough. Với kết quả của cuộc bầu cử Mỹ và ông Trump sắp lên nắm quyền, họ có thể sẽ ưu tiên các hoạt động củng cố và xây dựng các thành trì ở Biển Đông”.
Philippines ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và Nga. (Nguồn: Bloomberg) |
Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng với Nhật Bản bởi nhiều mặt hàng nhập khẩu của quốc gia này, như dầu thô và khí đốt từ Trung Đông, đều được trung chuyển qua đó. Ông Koda cảnh báo: “Một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng một căn cứ quân sự tại bãi cạn Scarborough, họ sẽ nắm quyền kiểm soát và có thể ngăn chặn và thao túng các hoạt động thương mại và hậu cần của các nước khác đi qua khu vực này theo ý mình…”.
Bởi vậy, việc đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến huyết mạch này là điều hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. Điều Tokyo cần làm là tiếp tục các khía cạnh hợp tác sẵn có với Philippines thông qua viện trợ kinh tế, hợp tác quốc phòng và củng cố Lực lượng Tuần tra Bờ biển Philippines, đồng thời phối hợp với Mỹ cùng cộng đồng quốc tế để đảm bảo trật tự luật pháp ở Biển Đông.
Ông Duterte ước Philippines "là một phần của châu Âu"! Cuối cùng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở thủ đô Lima ... |
Tổng thống Philippines để ngỏ khả năng theo Nga rút khỏi ICC Tổng thống Duterte tỏ ra thất vọng với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) bởi nó không giúp ích được nhiều cho các nước ... |
Philippines cam kết duy trì hợp tác quốc phòng với Mỹ Lời cam kết được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra ngày 7/11, bất chấp những tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte. |