Phố cổ Hội An lung linh với những chiếc đèn lồng rực rỡ. (Nguồn: TITC) |
Rảo bước trên những con phố xinh đẹp nên thơ, ngắm nhìn dãy nhà xưa cũ đã nhuốm màu thời gian, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên đầy hoài niệm và không quên thưởng thức ẩm thực đặc sắc là những trải nghiệm đáng nhớ dành cho du khách trong hành trình ghé thăm thành phố di sản Hội An.
Phố cổ lung linh bên dòng sông Hoài
Nằm bên bờ sông Hoài êm đềm - một nhánh của hạ lưu sông Thu Bồn, phố cổ Hội An mang trong mình một vẻ đẹp vẹn nguyên theo năm tháng. Đây từng là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất vào thế kỷ XVII - XVIII, là nơi tập trung buôn bán, giao thương của người Việt, người Hoa, người Nhật và các nước phương Tây. Vì vậy, ẩm thực Hội An là sự giao thoa và kết tinh của nhiều nền văn hóa đặc sắc.
Nhờ vào lợi thế địa hình đa dạng mà người dân Hội An đã tích lũy nên một nền ẩm thực phong phú, sử dụng nguyên liệu sẵn có của núi rừng, đồng bằng và miền biển, vừa mang đặc trưng của vùng đất duyên hải miền Trung, vừa mang nét riêng biệt sẵn có của phố Hội.
Khí hậu Hội An đan xen khí hậu giữa miền Nam và miền Bắc, rõ rệt hai mùa mưa và mùa khô, quanh năm tiết trời ấm áp và dễ chịu. Có lẽ chính vì tiết trời này nên các món rau củ tươi mát đã trở thành thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân Hội An, nổi tiếng hơn cả là các loại rau từ làng Trà Quế.
Những mẹt rau thơm tươi non của làng rau Trà Quế. (Nguồn: TITC) |
Đến đây du khách sẽ có dịp tìm hiểu hàng chục loại rau lá và rau gia vị đa dạng được trồng trên đất đai màu mỡ, như rau răm, húng, quế, ngò, tía tô, hẹ, hành, đến rau đắng và diếp cá… Nơi đây nhiều loại rau đến độ người Hội An còn truyền nhau câu: “Ai về Trà Quế thì về/ Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh/ Buổi mai đi bán củ hành/ Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm”.
Du khách còn được trải nghiệm cuộc sống nông dân thực thụ khi tự tay xới đất, ươm trồng và thu hoạch các loại rau. Hay thưởng thức đặc sản Hội An như bánh vạc, hến trộn, mì Quảng, cao lầu… được chế biến từ các loại rau vừa thu hoạch.
Văn hóa ẩm thực Hội An - Nơi tinh hoa hội tụ
Phố Hội mang đặc trưng của những ngôi nhà cổ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, ngày nay, một số ngôi nhà còn trở thành không gian thưởng thức ẩm thực và đồ uống cho du khách khi đến với vùng đất di sản.
Trong không gian hoài cổ, thơ mộng, hương vị và cách bài trí giản dị của các món ăn Hội An như đưa du khách quay ngược thời gian trở về quá khứ để hòa mình vào khung cảnh tấp nập của một thời vàng son và trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc. Ở Hội An, chỉ cần ăn một chiếc bánh bao, một chiếc bánh xèo, bánh vạc, bánh tráng hay một bát hến trộn cũng đã có thể cảm nhận được hết cái tâm tình dịu dàng của người phố Hội, những ưu ái của sông ngòi, biển khơi, đồng bằng dành tặng cho vùng đất trù phú này.
Mì Quảng, một trong 12 món ăn Việt Nam đạt "giá trị ẩm thực châu Á". (Nguồn: TITC) |
Một trong những niềm tự hào của văn hoá ẩm thực Hội An là mì Quảng - món ăn thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, mùa nào thức nấy của người dân nơi đây, bởi bất kỳ sản vật nào, dù là tôm, thịt heo, gà, cá lóc hay ếch cũng đều có thể nấu với mì. Sợi mì Quảng được làm từ một loại gạo ít dẻo và thêm một lớp dầu phộng (dầu lạc) phi thơm với củ nén để đảm bảo các sợi mì không bị dính vào nhau.
Hương dầu phộng thoang thoảng cùng hương vị đặc trưng riêng biệt đã làm nên sức hấp dẫn cho món ăn từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức vinh danh là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt "giá trị ẩm thực châu Á".
Dừng chân tại Hội An, du khách đừng quên thưởng thức cao lầu, món ăn thường xuyên được nhắc tới như một đặc sản trong những câu ca dao về vùng đất này: “Hội An có Hạ-uy-di/ Chùa Cầu, Ông Bổn, cao lầu Năm Cơ”, hay “Món ăn đặc sản Hội An/ Cao lầu ông Cảnh, Tam Tam bánh xèo”. Theo người dân địa phương, cái tên cao lầu bắt nguồn từ việc thời xưa, đây là món cao lương mỹ vị được thưởng thức trên lầu cao, thực khách có thể vừa cảm nhận hương vị riêng biệt của cao lầu, vừa ngắm nhìn phố Hội lung linh bên dòng sông Hoài tấp nập thuyền ghe.
Quá trình chế biến sợi cao lầu rất mực công phu: đầu bếp phải ngâm gạo trong nước tro lọc kỹ rồi xay thành nước bột, sau đó dùng vải bòng nhiều lần để bột khô, rồi mới cán bột và xắt thành từng sợi, đem hấp và phơi khô. Một bát cao lầu có màu sắc rực rỡ, bắt mắt với thịt xíu, nước xíu và tép mỡ, ăn kèm cùng các loại rau gia vị tươi ngon được hái từ làng rau Trà Quế. Bí quyết cho bát cao lầu ngon đúng điệu nằm ở nước thịt xíu, vừa có vị ngọt thịt, vừa có vị đậm đà của nước đường, xì dầu, và nước mắm.
Món cao lầu nổi tiếng ở Hội An. (Nguồn: TITC) |
Phố Hội còn hấp dẫn du khách bởi một món đặc sản trứ danh - đó là cơm gà. Bằng đôi tay khéo léo, người dân Hội An đã tận dụng nguồn thịt gà tươi ngon từ Tam Kỳ cùng loại gạo dẻo thơm được trồng bên dòng sông Thu Bồn để làm nên món cơm gà thơm ngon nức tiếng. Thịt gà thơm mềm, béo ngậy cùng với hạt cơm dẻo bùi, vàng ruộm, ăn kèm với gỏi và loại sốt đặc trưng sẽ khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi.
Trước đây, cơm gà thường được bán trên những gánh hàng rong khắp các con đường, ngõ ngách, sau được người dân ưa chuộng và trở nên phổ biến, cơm gà có mặt ở hầu hết các nhà hàng lớn nhỏ trên đường phố Hội An.
Người dân Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung còn có câu “đói lòng ăn trái bòn bon”. Bòn bon là loại trái cây đặc sản của núi rừng, không chỉ là món ăn tráng miệng, với sự sáng tạo vốn có, người dân địa phương còn tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon, nổi bật nhất là gỏi bòn bon.
Bòn bon hái từ cây về được bỏ vỏ, tách riêng từng múi, loại bỏ lớp màng mỏng như lụa bao quanh, trộn kèm với bòn bon là tôm ram và thịt ba chỉ thái nhỏ. Gia vị dùng để trộn gỏi gồm nước chanh pha với đường, tỏi, ớt, rắc thêm chút đậu phộng rang, hành phi, rau răm...
Gỏi bòn bon đúng điệu hội tụ đủ các yếu tố chua chua, ngọt ngọt, cay thơm nồng nàn. Khi thưởng thức, thực khách có thể ăn kèm với bánh phồng tôm giòn thơm hay chỉ đơn giản là ăn trực tiếp cũng đủ khiến bạn vương vấn không quên.
Phố cổ Hội An nên thơ bên dòng sông Hoài. (Nguồn: TITC) |
Dạo phố Hội An, du khách không khó để bắt gặp rất nhiều gánh chè. Chè là một món ăn vặt được người dân Hội An đặc biệt ưa chuộng. Khác với chè Huế được chế biến cầu kỳ mang phong vị cung đình, chè Hội An hướng đến nét dân dã, mộc mạc như chè bắp trộn sương sáo đen, chè mè đen, chè đậu ván… Ngồi trên một chiếc ghế nhựa vừa thưởng thức ly chè vừa ngắm nhìn các con phố nhỏ, mới thấy hết cái kỳ thú của thành phố này.
Đâu chỉ đãi bạn những công trình kiến trúc cổ xưa hay bầu không khí hoài niệm, đâu chỉ đãi bạn những giàn hoa giấy rực rỡ hay những đêm lung linh đèn lồng, Hội An trong tim mỗi du khách còn có cả những món ăn hấp dẫn, đã thử một lần thì lưu luyến khôn nguôi, khiến người ta đều muốn được quay trở lại để tận hưởng một thoáng nhàn nhã, bình yên.
| Lưu ngay danh sách 5 thiên đường ẩm thực ở Hà Nội Ẩm thực Hà Nội từ lâu đã trở thành nét văn hoá đặc trưng và niềm tự hào của người dân Thủ đô. Dưới đây ... |
| Phát triển Bản đồ ẩm thực Việt tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực địa phương Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa ra mắt Bản đồ ẩm thực trực tuyến, được kỳ vọng ... |
| Ẩm thực Việt Nam hút khách tại Hội chợ từ thiện lần 54 ở Indonesia Các sản phẩm truyền thống, ẩm thực của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thực khách tại Hội chợ từ ... |
| Khám phá nền ẩm thực nhiều ‘của ngon vật lạ’ nơi đất mũi Cà Mau Cà Mau đã dệt nên một nền văn hoá ẩm thực bình dị mà đầy sức hút, thể hiện sự giao thoa văn hoá với ... |
| Tuần Văn hóa - du lịch Gia Lai 2023: Quảng bá các giá trị nổi bật, đặc sắc mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên Tuần Văn hóa - du lịch Gia Lai 2023 được tổ chức với quy mô lớn, công phu với hàng loạt sự kiện mang đặc ... |