Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Diễn Tú) |
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 quốc gia. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI ở mức cao hơn trung bình của thế giới và khu vực châu Á, Đông Nam Á.
Kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP.
Năm 2023 được khẳng định là "Năm Dữ liệu số quốc gia", là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”, với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số. Theo đó, tập trung vào các mục tiêu lớn như sau: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; Trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.
Tham dự và chủ trì phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức, một nước, một chính phủ làm được.
"Tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia chuyển đổi số thì mới có tài nguyên số. Đây là một 'mỏ vàng', nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã, đang tạo lập, khai thác. Đây cũng là nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh… Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần xác định tham gia chuyển đổi số là tham gia thị trường toàn cầu, đi ra thế giới, giải quyết các bài toán lớn của quốc tế.
Phó Thủ tướng mong muốn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam tiên phong vươn ra thế giới, cùng tạo ra những hệ sinh thái số, đưa ra nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả; kiến tạo các giá trị mới cho đất nước, cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần phát triển Chính phủ số với toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
“Dữ liệu là tài nguyên mới, có thể coi là đất đai trên không gian số. Cơ quan nhà nước xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, ông Tiến nói và lưu ý cơ quan quản lý cần thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, ban, bộ, ngành và tổ chức để tư vấn, góp ý xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, chiến lược dữ liệu bài bản; tham gia xây dựng hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sẵn sàng hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, cơ quan, ban, ngành; xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra nhiều dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Diễn Tú) |
Trong khuôn khổ Vietnam - ASIA DX Summit 2023 (ngày 24-25/5) sẽ diễn ra 5 phiên hội thảo chuyên đề về các chủ đề: Hạ tầng dữ liệu số và bảo mật an toàn thông tin; Chuyển đổi số tại Việt Nam - châu Á và các cơ hội hợp tác; Kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển Chính phủ, Chính quyền số; Chuyển đổi số trong tài chính - ngân hàng và Hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam - châu Á.
Bên lề các hội thảo là triển lãm về nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.
Theo dữ liệu số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
| Việt Nam-Singapore đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ và năng lượng xanh Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, ngày 18/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Thứ trưởng Thường ... |
| Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP Ngày 20/5, tại Bắc Kạn đã diễn ra Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với ... |
| Bảo vệ dữ liệu cá nhân - Nỗ lực bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam Việc ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, thể hiện nỗ lực bảo vệ ... |
| Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ: Chuyển đổi số bằng bằng mọi nguồn lực Thời gian qua, với mục tiêu vận hành, quản lý hệ thống thuỷ lợi hiệu quả, nhanh chóng, Công ty TNHH MTV Khai thác công ... |
| Việt Nam xếp thứ 2/22 thị trường toàn cầu về số hóa Đó là thông tin vừa được đề cập trong chương trình Nền tảng số - phát sóng ngày 20/05/2023 trên kênh VTC1 |