Tổng thống Macron công bố kế hoạch "Nước Pháp 2030". (Nguồn: Reuters) |
Về mặt tích cực, ở cấp độ châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành công với kế hoạch phục hồi kinh tế, cũng như chính sách tiêm chủng vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, ông Macron gặp phải muôn vàn khó khăn trong chiến lược ngoại giao, trong đó có thể điểm qua như: quan hệ đi xuống với Mỹ, Nga; quản lý các cuộc khủng hoảng ở Syria, Libya và "cú đâm sau lưng" của Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, Australia (AUKUS).
Trong chính sách đối ngoại, thành công hay thất bại không thể là một tiêu chí tuyệt đối. Hơn nữa, phải nhìn nhận rằng, Tổng thống Macron đã phải triển khai chính sách của mình trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như thời kỳ cựu Tổng thống Donald Trump nắm quyền, đại dịch Covid-19 và địa chính trị ở châu Âu có nhiều xáo trộn.
Thuận lợi đi cùng khó khăn
Nếu xem xét nguyên nhân của những khó khăn mà nền ngoại giao Pháp gặp phải dưới thời Tổng thống Macron, cần phân biệt giữa các yếu tố mang tính cấu trúc và các nhân tố liên quan trực tiếp đến chính sách của tổng thống.
Trước tiên, chúng ta phải ghi nhận một sự thật hiển nhiên đó là sự suy giảm sức mạnh kinh tế, dân số, văn hóa của Pháp trên thế giới. Một thực tế còn tồn tại là mô hình kinh tế của Pháp đã mất đi tính năng động, sự mâu thuẫn với Đức ngày càng lớn, Pháp gặp khó khăn trong cuộc đua đổi mới công nghệ và hơn nữa, các nhà lãnh đạo Pháp trong nhiều năm đã bỏ quên các công cụ quyền lực mềm, như hoạt động ngoại giao và văn hóa ở nước ngoài.
Do vậy, Pháp ngày càng khó có thể hành động một mình, bên ngoài một khuôn khổ đa phương, cũng như khó có thể tăng cường "vai trò cân bằng quyền lực".
Những năm qua, chính sách ngoại giao của Pháp có một "phong cách Tổng thống Macron", với những quyết định đột phát, những tuyên bố khiêu khích. Thế nhưng, niềm tin vào các mối quan hệ cá nhân, tầm nhìn chiến lược đôi khi được diễn đạt một cách mập mờ.
Với phong cách này, trong thời gian đầu, ông Macron đã được các nhà lãnh đạo của các cường quốc khác chú ý khi phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chiến đấu vì thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Đó cũng là thời điểm ông Macron có những phát biểu nổi tiếng về châu Âu. Theo ông Macron, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cũng như việc Mỹ phá bỏ cam kết sẽ thúc đẩy châu Âu khẳng định "quyền tự chủ của châu Âu" trong các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp cũng như địa chính trị.
Thế nhưng, Tổng thống Macron đã khiến giới lãnh đạo phương Tây “dậy sóng” khi tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang “chết não”, thiếu phối hợp giữa châu Âu và Mỹ. Sáng kiến của ông trong quan hệ với Nga cũng đã làm suy yếu uy tín của nhà lãnh đạo Pháp này đối với đa số người dân các nước châu Âu và Mỹ. Phát biểu của ông về "quyền tự chủ chiến lược của châu Âu" cũng vấp phải sự phản kháng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Macron gặp mặt lần đầu sau thỏa thuận AUKUS. (Nguồn: Reuters) |
Hành động để đảo ngược xu hướng
Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Macron đã tăng cường bán vũ khí, tăng cường sự hiện diện, đặc biệt về mặt quân sự trong khu vực.
Chính phủ Pháp đã thúc đẩy EU phát triển "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", vì họ nhận thức được rằng, cần một sự kết nối giữa châu Âu với cực tăng trưởng kinh tế quan trọng là châu Á-Thái Bình Dương này.
Vụ Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp đã phủ bóng đen lên "bảng thành tích" của Tổng thống Macron ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó đưa Pháp trở lại tình huống đơn độc về chiến lược.
Thêm nữa, Anh đã ra khỏi EU. Với chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, Anh sẽ không ngần ngại hành xử như một đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Pháp ở châu Á-Thái Bình Dương và có thể cả ở Trung Đông và châu Phi. Mỹ cũng đang trở lại vai trò lãnh đạo trong hợp tác đa phương và rất có thể làm "lu mờ" vai trò của Pháp tại các diễn đàn đa phương toàn cầu.
Tổng thống Pháp phải nhận ra rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đã buộc Pháp phải có những chính sách quyết đoán hơn với Trung Quốc, trong khi Paris cũng như nhiều nước châu Âu khác không muốn làm trầm trọng hơn cuộc đối đầu Đông-Tây (Trung Quốc-phương Tây) vốn đang hình thành.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, Pháp cần 3 lộ trình hành động để đảo ngược xu hướng "đơn độc" chiến lược.
Thứ nhất, dành ưu tiên cho sự đồng thuận ở châu Âu. Đây là điều kiện để Pháp có được vai trò và sự ủng hộ từ các nước thành viên EU.
Thứ hai, tìm kiếm sự kết nối lại với Mỹ. Cuộc thảo luận của Paris với Washington cần tập trung vào việc phân chia những trách nhiệm mới cần thiết trong bối cảnh Mỹ từ bỏ một số khu vực như Trung Đông, châu Phi để xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, giải quyết vấn đề trọng tâm về việc khôi phục quyền lực mềm của Pháp. Muốn vậy, Pháp cần điều chỉnh lại toàn bộ các kênh, các hình thức truyền thông và thông điệp của mình.