Nghệ sĩ Lê Hùng Phong. (Ảnh: NVCC) |
Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tiết trời khô ráo, mát dịu, chúng tôi cùng một số anh chị em nghệ sĩ đã có một chuyến du ngoạn và giao lưu thực sự đáng nhớ tại trang trại Sáng Lòa gần Khu di tích K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội).
Trong các màn biểu diễn thực sự nhiệt tình, đầy hài hước, nhưng cũng rất chuyên nghiệp của mọi người, tôi thực sự ấn tượng trước những ngón guitar đỉnh cao và đầy đam mê của nghệ sĩ Lê Hùng Phong. Một chuyến du Xuân, tôi không chỉ được nghe anh đàn, mà chuyện dạy guitar và dự án Cây đàn chiến sĩ của anh còn gây choáng ngợp hơn thế.
Đam mê không biên giới
Thấy tôi nhịp nhịp các ngón tay lên bàn theo tiếng guitar của Lê Hùng Phong, nghệ sĩ guitar Bùi Thiên An (tay guitar hàng đầu TP. Hồ Chí Minh) khẽ chia sẻ: “Tôi phục ông Phong vì sự miệt mài của ổng với sự nghiệp trồng người trong lĩnh vực guitar, đặc biệt là đam mê gieo những hạt giống yêu guitar cho trẻ em của ổng. Tôi biết những dự án dạy guitar của Phong trước đây, dành cho sinh viên và người đi làm, đều rất thành công. Tôi hy vọng có ngày ổng triển khai những dự án kiểu như vậy ở trong Nam. Khi đó, tôi rất muốn được hỗ trợ trong khả năng của mình”.
Những lời chia sẻ khiến tôi có thêm góc nhìn khác về tay guitar với vẻ ngoài giản dị đang vô cùng chăm chú, chỉn chu biểu diễn trên kia. Chờ anh chơi xong bản nhạc, về ghế ngồi, tôi mới lân la ngồi cạnh bắt chuyện. Hùng Phong giản dị, nhẹ nhàng từ giọng nói đến cách anh tư duy trong nghệ thuật, chuyên nghiệp và lý trí.
Lê Hùng Phong sinh năm 1974. Anh tốt nghiệp guitar điện tại Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội rồi học tiếp guitar cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội và được mọi người đặt cho nghệ danh “Phong guitar”, chuyên dòng flamenco và pop.
Anh kể: “Chuyện dạy guitar đến với tôi vô cùng tự nhiên. Tôi vừa học, vừa đi diễn. Được khoảng chục năm gì đó thì một hôm tôi nảy ra ý tưởng dạy guitar miễn phí tại quán cà phê của anh bạn trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hồi đó, thấy quán của bạn ế khách quá nên tôi nghĩ, nếu dạy guitar miễn phí sẽ một công mà được đôi việc: tôi có địa điểm truyền tải đam mê âm nhạc nói chung và guitar nói riêng cho mọi người, còn quán của bạn tôi có thêm khách. Nói là miễn phí nhưng sau khóa dạy ấy, tôi lại thấy mình lãi to vì những điều mà học viên mang đến. Họ hỏi đủ thứ trên trời, dưới bể về guitar. Có những câu hỏi khó quá, tôi phải lọ mọ tìm đọc thứ này, đi hỏi người kia để có câu trả lời. Thế mà mình lãi vì sau khóa dạy nắm bắt được nhu cầu của mọi người về khóa guitar cơ bản và giáo trình “xóa mù guitar” manh nha hình thành từ đó”.
Hành trình phổ cập guitar
Con đường dạy nhạc và biểu diễn của Phong cứ bộn bề như thế, cho đến năm 2002 thì anh tổ chức festival guitar đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công vang dội của sự kiện, Lê Hùng Phong thành lập CLB guitar Lê Nguyễn Trần và từ đó bận tối mắt tối mũi với lịch dạy guitar dày đặc tại các trường đại học, từ Xây dựng sang Bách khoa, Kiến trúc, Giao thông vận tải, Ngoại ngữ, Thương mại… Anh bảo: “Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, với sự nghiệp giảng dạy tôi đã tự xây dựng và phát triển thành công các mô hình đưa cây đàn guitar gần gũi với công chúng hơn. Tôi thành công với chương trình Cây đàn sinh viên, phổ cập guitar cho các câu lạc bộ ở gần 20 trường Đại học ở Hà Nội với slogan “Mỗi phòng ký túc xá – mỗi cây đàn guitar”.
Số lượng học viên theo học tới nay lên đến gần 20.000 người. Sau đó, tôi lại mang cây guitar đến các công sở trong chương trình Văn hóa công sở qua cây đàn guitar với slogan “Mỗi văn phòng công sở - Mỗi cây đàn guitar”. Các khóa học guitar cho cán bộ nhân viên các tập đoàn như VNPT, FPT, Fecon… được đánh giá là đã mang giá trị tinh thần đến từng phòng ban và từng gia đình riêng của anh chị em làm việc tại đây”.
Khoảng chục năm nay, Lê Hùng Phong soạn một giáo trình dạy guitar ứng dụng phần mềm trên máy tính gọi là Guitar Pro, cho phép người học rút ngắn thời gian “chơi guitar thành thạo” xuống chỉ còn hai tháng.
Học trò của anh trong giới showbiz không ít, trong số đó có các ca sĩ Đồng Lan, Song Tú, Duy Tùng… Có những học viên khó khăn đến mức Hùng Phong chủ động miễn học phí như một cách cấp học bổng, với điều kiện học viên phải chăm chỉ và tiến bộ, nếu không sẽ “cắt học bổng”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là học viên của Lê Hùng Phong khi điều kiện dạy học của anh là sẽ thu học phí tất cả những buổi mà giáo sư “trốn học”. Thế mà, dù thời gian dạy học trực tuyến giữa thầy ở Việt Nam và trò ở Mỹ diễn ra lệch 12 múi giờ, nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu đã không bỏ lỡ bất cứ buổi học nào. Bà Watanabe, phu nhân một nguyên lãnh đạo của công ty trực thuộc Honda Việt Nam cũng là học trò chăm chỉ của thầy Phong guitar suốt năm năm…
Người ta vẫn nói “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng với Phong guitar thì khác, dù chẳng dư dả gì và nhiều ước mơ lo cho vợ con một cuộc sống tiện nghi hơn còn đang phải xếp hàng thì anh vẫn đem cho… nhạc. Những bản nhạc khi có nhà sản xuất hỏi mua, anh lại “cho mượn” vì “không muốn cầm mấy đồng bạc mà bị nhà sản xuất “hành tỏi”. Anh cho mượn để… bớt việc.
Từ trái qua phải, các nghệ sĩ Trần Việt Anh, Kim Dung, Bùi Thiên An và Phong guitar giao lưu ngày Xuân. (Ảnh: NVCC) |
Sưởi ấm lòng quân dân
Lê Hùng Phong chia sẻ: “Tháng Bảy vừa qua, sau chuyến đi Vị Xuyên thăm các chiến sĩ năm xưa ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương, tôi chợt thấy mình cần phải đóng góp thêm giá trị để giúp các chiến sĩ đang ngày đêm vất vả canh giữ biên cương Tổ quốc có được sức khỏe tinh thần, lan tỏa đến niềm vui cho các bạn với chương trình Cây đàn chiến sĩ có slogan “Mỗi chốt của Tổ quốc – Mỗi cây đàn guitar”.
Nghệ sĩ Lê Hùng Phong cho biết, anh rất mong muốn được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, lãnh đạo Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng ủng hộ, tạo điều kiện để thực hiện sứ mệnh này.
Theo anh, dự án Cây đàn chiến sĩ nhằm giúp các cán bộ, chiến sĩ có đời sống tinh thần phong phú hơn, có cơ hội học và thực hành kỹ năng chơi guitar. Đây không chỉ là hoạt động giải trí mà còn giúp tạo ra một môi trường tương tác và xây dựng tinh thần đoàn kết trong quân đội, gắn chặt tình quân dân. Dự án sẽ cung cấp các khóa học guitar đệm hát cơ bản, hướng dẫn online tới từng cán bộ, chiến sĩ trên chốt biên cương của quê hương.
Lê Hùng Phong tâm sự: “Mục tiêu của dự án là phát triển kỹ năng chơi guitar cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tạo ra một môi trường thú vị và tương tác để nâng cao tinh thần đoàn kết trong các đơn vị. Đối tượng của dự án là các cán bộ, chiến sĩ bao gồm cả người mới học và người đã có kinh nghiệm. Theo đó, dự án sẽ cung cấp tài liệu học tập, tab và hợp âm cho các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, con người và tâm hồn người chiến sĩ phổ biến”.
Theo nghệ sĩ Lê Hùng Phong, trong khuôn khổ dự án sẽ diễn ra các sự kiện như biểu diễn và giao lưu guitar nhằm nâng cao kỹ năng âm nhạc và tạo cơ hội sáng tạo cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho các cán bộ chiến sĩ tại đơn vị, qua đó thúc đẩy đoàn kết trong anh em chiến sĩ. Mỗi khóa học sẽ bao gồm 20 buổi học miễn phí (mỗi tuần một buổi, thời gian do các đơn vị tự sắp xếp) và cuối cùng là các sự kiện liên quan đến guitar.
Nghe anh chia sẻ, chứng kiến đam mê phổ cập guitar đến mọi người, tôi tin rằng dự án Cây đàn chiến sĩ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bộ đội và góp phần tạo ra một môi trường đoàn kết và sáng tạo. Tôi tin tâm ý của Phong guitar sẽ khiến dự án thành công rực rỡ. Đó là bởi, Phong không những mang sức lực mà cả trái tim giúp mọi người lan tỏa tình yêu thương qua lời ca, tiếng đàn, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh chiến sĩ Việt Nam.