📞

Phong lan không chỉ có hương thơm

08:20 | 22/11/2015
Loài hoa yêu kiều này còn biết nói – thứ ngôn ngữ của ngoại giao.
Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton với loài hoa mang tên Vanda William Catherine.

Sự hiện diện của Thủ tướng Narendra Modi tại sân bay quốc tế Changi vào ngày 23/11 tới là một sự kiện được cả Ấn Độ và Singapore trông đợi. Chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên của nhà lãnh đạo 65 tuổi này tới đảo quốc Sư tử diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nước chủ nhà đã thể hiện thiện chí khi chuyển đến vị thượng khách một lời đề nghị trang trọng: Lấy tên ông đặt cho một loài hoa phong lan mới của nước này.

Đặc sản quốc gia

Trên thực tế, Singapore được biết đến như một thiên đường của phong lan. Một trong những lý do khiến quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á (710 km2) trở thành nơi đáng sống chính là sự lộng lẫy sắc màu của các loại phong lan. Có thể thấy loài hoa này ở khắp mọi nơi, từ đường phố, nhà hàng đến công viên, khu du lịch…

Một điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá Singapore là Vườn Phong lan Quốc gia (NOG) nằm trong Vườn Bách thảo Singapore (SBG), di sản thế giới đầu tiên của Singapore được UNESCO công nhận (tháng 7/2015). Nơi đây có khoảng 60.000 cây phong lan, trong đó có khoảng 1.200 loài tự nhiên và hơn 2.000 loài lai tạo. Để ai cũng có thể chiêm ngưỡng sự phong phú và tươi đẹp của phong lan, NOG đã xây dựng một khu trưng bày thường xuyên - được coi là khu trưng bày về phong lan lớn nhất thế giới.

Trong hàng ngàn loài phong lan của “đất nước xanh”, không thể không nhắc đến Vanda Miss Joaquim. Được giới thiệu với công chúng từ năm 1899, loài hoa lai tạo mang tên người tạo ra nó (bà Agnes Joaquim) đã được chọn làm quốc hoa của nước này vào năm 1981. Điều này cũng có nghĩa, Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới lấy một loài hoa lai tạo làm quốc hoa.

Chính vì sự phổ biến đó mà có ý kiến cho rằng, phong lan đồng nghĩa với Singapore và đối với đất nước nhiệt đới này, cách tốt nhất để thúc đẩy quan hệ với các nước là mượn tiếng nói của loài hoa.

Thiện chí ngoại giao

Trên thực tế, Singapore đã áp dụng “chiêu” đối ngoại này từ năm 1956. Một loài phong lan đã được đặt tên theo quý bà Anne Black, phu nhân của cựu Thống đốc Singapore. Chính sự ra đời của hoa Aranthera Anne Black đã mở màn cho “ngoại giao phong lan” đặc sắc của nước này.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore, "tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia có chuyến thăm chính thức đến Singapore đều có thể được mời để lấy tên họ cho một loài phong lan mới". Chẳng hạn như cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Nữ hoàng Elizabeth II, Nhật Hoàng Akihito, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân...

Các nguyên thủ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Singapore năm 2009 đều được mời “chia sẻ” tên cho phong lan. Bà Trần Thị Kim Chi, Phu nhân của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã được đặt tên cho loài phong lan mới là Spathoglottis Phong Chi.

Không chỉ vậy, những nhà lãnh đạo các tổ chức lớn hay ngôi sao ở các lĩnh vực như giải trí, thể thao, xã hội… cũng là “thượng khách” của phong lan. Đó là Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Phu nhân, ca sĩ nhạc pop Ricky Martin, diễn viên điện ảnh Thành Long, tay golf Annika Sorenstam, nhà hoạt động môi trường Jane Goodall và cả những người đoạt giải Nobel. Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Laura Bush, Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton… cũng có loài phong lan mang tên mình.

Việc đặt tên hoa phong lan theo nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng ở nước ngoài rõ ràng là một cử chỉ thể hiện sự tôn vinh của Singapore đối với người đó. Và thiện chí này diễn ra thường xuyên hơn, tỷ lệ thuận với vai trò ngày càng tăng của đảo quốc Sư tử ở châu Á. Hiện tại, Singapore có hơn 200 loài phong lan có tên đặc biệt như thế – tất cả được trưng bày tại khu VIP thuộc NOG.

Ồ, thật là đẹp! Tôi không thể tưởng tượng bất cứ điều gì tuyệt vời hơn việc có loài phong lan được đặt tên theo chính mình".

(Đệ nhất Phu nhân Mỹ Laura Bush phát biểu tại buổi lễ đặt tên hoa phong lan Mokora Laura Bush tại Singapore tháng 10/2003).

Công cụ hoàn hảo?

Dường như phong lan đang trở thành một công cụ ngoại giao hoàn hảo. Nhà nghiên cứu Harold Johnson, tác giả của cuốn sách Vanda Miss Joaquim nhận xét, đây là “cách duy nhất để khiến các vị nguyên thủ nhớ đến chuyến thăm Singapore”.

"Mỗi quốc gia đều muốn mang đến cho các vị khách viếng thăm điều gì đó và ngày nay, dường như các chuyến thăm cấp cao đến Singapore nhiều hơn so với thời trước”, TS. Nigel Taylor, Giám đốc SBG cho biết. "Đây có thể là một sự phản ánh về nền kinh tế của Singapore, vị trí cửa ngõ của Singapore ở Đông Nam Á… Do đó, tôi đoán là mật độ các chuyến thăm đang gia tăng”.

Loài hoa này còn đóng vai trò quan trọng đối với các nhà ngoại giao Singapore trong nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài. Đại sứ Singapore tại Jordan K. Kesavapany cho biết: “Hoa phong lan đã trở thành một bộ phận hiệu quả trong việc thúc đẩy mối quan hệ của Singapore với nước ngoài. Chẳng hạn, hàng năm, chúng tôi đều xây dựng gian hàng Singapore bán hoa phong lan. Hoa được bán hết sạch trong vòng vài giờ và toàn bộ số tiền thu được dành cho hoạt động từ thiện".

Tuy nhiên, có một thực tế là những người trồng hoa lan sẽ được nhớ đến nhiều hơn những loài hoa phong lan. Trong phần lớn trường hợp, quà tặng cho các quan chức thường trở thành tài sản của Nhà nước. Và một điều không may là chỉ rất ít các loài phong lan VIP được giới thiệu ở thị trường địa phương hay quốc tế.

TS. Nadia Wright, đồng tác giả Vanda Miss Joaquim cho biết thêm: "Việc đặt tên nên được sử dụng một cách thận trọng, đây là một hành động tuyệt vời và độc đáo về tình hữu nghị nhưng việc lạm dụng có thể làm giảm bớt vinh dự này". Hạnh Diễm