Nhỏ Bình thường Lớn

Phục hồi thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới

Nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, kéo dài thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động... là những giải pháp thiết thực để phục hồi thị trường lao động đang bị tổn thương vì Covid-19.
Phục hồi thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của thị trường lao động. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thị trường lao động bị tổn thương

Tại Tọa đàm “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của thị trường lao động. Hàng chục triệu người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn do tiền lương bị giảm, thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao.

Covid-19 đẩy nhiều chủ sử dụng lao động lâm vào tình cảnh nợ nần, phá sản... Nguồn cung cho thị trường lao động bị suy giảm, cơ cấu việc làm và chuyển dịch trong thị trường bị đảo chiều. Thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, làm mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.

Trong đó, có 4,7 triệu người bị mất việc (tương đương 16,5%); 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (tương đương 51,1%); 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (tương đương 42,7%) và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập (tương đương 67,2%).

Khảo sát của Tổng cục Thống kê với 22.700 doanh nghiệp về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy, có đến gần 18% doanh nghiệp thiếu lao động.

Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận tại vùng Đông Nam Bộ với 30,6%. Đặc biệt, những địa phương thiếu lao động cao nhất bao gồm Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và TP.Hồ Chí Minh (31,8%)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho hay, tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vì vậy, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022, khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người..

Không chỉ thế, lần đầu trong nhiều thập kỷ, làn sóng di cư ngược từ các khu đô thị, các trung tâm công nghiệp về nông thôn diễn ra với quy mô lớn. Thời gian qua, đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển).

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiếu nguồn lao động, không đảm bảo sản xuất.

Dự báo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%. Tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và nếu vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, thị trường lao động sẽ đứt gãy.

Phục hồi thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới
Mục tiêu cấp bách lúc này là phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động. (Nguồn: TTXVN)

Giải pháp gỡ khó

Trước thực trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mục tiêu cấp bách lúc này là phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động, đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, hỗ trợ người lao động có việc làm an toàn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Hiện tại, người lao động mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh và đang rời bỏ nơi cư trú. Việc di chuyển của người lao động cũng đang gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương.

Vì vậy, song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Bao gồm nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống”.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.

Ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ, kinh nghiệm các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy, cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cần sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) TS. Trương Anh Dũng, trước mắt, cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 của Chính phủ.

TS. Trương Anh Dũng cho rằng, thực tế chính sách hỗ trợ người lao động kể trên sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm.

Song song với đó, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động.

Về trung hạn và dài hạn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận thấy, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm.

Đồng thời, cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh: “Cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động”.

TS. Hoàng Trung Học: Cần giảm kỳ vọng về kết quả học tập của trẻ để dạy học trực tuyến nhẹ nhàng hơn

TS. Hoàng Trung Học: Cần giảm kỳ vọng về kết quả học tập của trẻ để dạy học trực tuyến nhẹ nhàng hơn

Một trong những việc thiết thực nhất để ủng hộ thầy, trò trong bối cảnh học trực tuyến là cần tiếp tục xem xét giảm ...

Giảng viên trẻ đoạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021: 'Dám thử sai' để thử thách bản thân

Giảng viên trẻ đoạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021: 'Dám thử sai' để thử thách bản thân

ThS. Lê Hoàng Quỳnh, giảng viên Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, 1 trong 10 gương mặt được vinh danh giải ...