📞

Phương Tây đang nắm trong tay 'chìa khóa' mở lối thoát cho xung đột Nga-Ukraine?

Vy Anh 18:29 | 31/05/2023
Việc phương Tây lưỡng lự viện trợ vũ khí mà Ukraine đang cần có thể đưa xung đột Nga - Ukraine vào trạng thái 'đóng băng'.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Aylesbury, Anh, ngày 15/5. (Nguồn: Twitter của ông Rishi Sunak)

Với những gì đang có, Ukraine đang làm tốt

Kể từ đầu xung đột Nga-Ukraine, kho vũ khí hạt nhân của Nga luôn là trở ngại duy nhất và lớn nhất đối với việc cung cấp vũ khí tự vệ cần thiết cho Ukraine. Mặc dù nhiều hệ thống vũ khí đang được chuyển đến Ukraine, nhưng nhiều chuyến hàng trong số này chỉ được thực hiện một cách ngập ngừng và miễn cưỡng.

Trong một số trường hợp, các nước đã viện lý do để đáp ứng chậm chạp các yêu cầu của Kiev. Ví dụ, các bên được thông báo là cần 18 tháng để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng F-16, trong khi trên thực tế, điều này có thể đạt được trong 4 tháng.

Những rào cản tương tự cũng được đặt ra đối với xe tăng và pháo tầm xa, như hệ thống HIMARS.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù trước đó đã điều động các hệ thống này. Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho một lựa chọn hạt nhân, có lẽ là cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật hoặc phi chiến lược nhằm vào Ukraine.

Nhưng hiện cũng có những tranh cãi cho rằng, Moscow đang gặp khó khăn không chỉ trong việc duy trì năng lực răn đe, mà còn cả trong việc tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine, một lựa chọn sẽ chỉ làm cả Kiev lẫn các đồng minh thêm tức giận và tăng cường sức kháng cự của họ.

Thêm vào đó, chiến dịch hạt nhân giờ đây có thể phải đối mặt với những rủi ro chiến thuật và chiến dịch gia tăng, thậm chí có thể khiến nó không được xem xét.

Vào đầu tháng 5, một khẩu đội phòng không MIM-104 “Patriot” đã lần đầu tiên hạ gục KH-47M2 Kinzhal, một loại tên lửa đạn đạo phóng từ trên không cơ động tiên tiến mà Nga tuyên bố là vũ khí siêu thanh không thể ngăn cản, bất khả xâm phạm trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Kết quả này đã gây sốc cho chính phủ Nga. Sự kiện này cho thấy những tên lửa Patriot mà Ukraine sở hữu cũng có thể đánh chặn và bắn hạ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.

Fabian Hoffman, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Oslo (Na Uy), cho rằng, khả năng đánh chặn tên lửa của Kiev trong một cuộc tấn công cường độ cao, có phối hợp theo thời gian và đa chiều như vậy cho thấy ngay cả khi Nga trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho tên lửa thì khả năng cao là chúng không đánh trúng mục tiêu.

Giới quan sát bình luận rằng, trước tình huống này, Moscow giờ đây gặp nhiều vấn đề hơn trong việc "vung" vũ khí hạt nhân được cho là bất khả xâm phạm của mình trước các hệ thống phòng thủ tên lửa và/hoặc tên lửa đối phương.

Các máy bay ném bom của Nga hiện bố trí ở Belarus cũng rất có thể dễ bị đánh chặn như vậy, theo đó làm giảm hiệu quả của chúng trong việc đe dọa Kiev hoặc NATO.

Những diễn biến này làm suy yếu nghiêm trọng lý lẽ về sự kiềm chế hỗ trợ Ukraine.

Rõ ràng, bằng việc cung cấp cho Ukraine vũ khí trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các nguồn tài chính cần thiết, phương Tây có thể tăng cường cả khả năng răn đe thông thường và hạt nhân. Làm như vậy sẽ không chỉ đẩy lùi những nỗ lực liên tục của Moscow trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân làm "đòn tâm lý", mà còn góp phần rút ngắn cuộc xung đột này.

"Cuộc xung đột đóng băng"

Các báo cáo gần đây cho thấy, nhiều quan chức đang tin rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể trở thành một “cuộc xung đột đóng băng” như tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu phương Tây tiếp tục trì hoãn cung cấp vũ khí cho Ukraine vì lo ngại Nga rất có thể sẽ dẫn đến kịch bản này. Việc gửi F-16 và vũ khí mà Ukraine cần có thể sẽ thay đổi cục diện xung đột và có lợi cho Mỹ và phương Tây.

Trong cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông châu Âu ngày 11/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội nước này vẫn cần một số loại vũ khí viện trợ theo đợt. Ông Zelensky đặc biệt nhấn mạnh, quân đội Ukraine cần nhiều xe bọc thép hơn, đồng thời nhấn mạnh, Kiev rất muốn sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành cuộc phản công tiềm tàng nhằm vào lực lượng Nga. Một số cho biết, Kiev đã dự phòng quân ở khu vực Zaporizhzhia.

Nhiều nguồn tin cũng dự đoán thời điểm bắt đầu chiến dịch phản công, nhưng theo giới chức, cuộc phản công của Kiev đã bị hoãn lại nhiều lần do phương Tây chuyển giao thiết bị chậm chạp, thời tiết xấu và tổn thất lớn mà quân đội Ukraine phải gánh chịu ở Bakhmut.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi các nhà viện trợ gửi các loại vũ khí tối tân hơn, cho rằng, chúng cần thiết để giúp nước này giành lợi thế trước Nga.

Chính phủ Ukraine cũng đã thúc giục các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 để bổ sung cho phi đội máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất đang ngày càng thiếu hụt. Tuy nhiên, cho đến nay Kiev vẫn chưa đạt được mong muốn.

(theo the Hill, AP)