Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo ngày 15/7. (Nguồn: AFP) |
Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ đường ống xuất khẩu khí đốt nào của Nga đều đơn thuần nhằm mục đích thương mại, mọi sự can thiệp chính trị đều không phù hợp. Tuy nhiên, Mỹ lại không tin điều này và cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là "mối đe dọa chính trị, quân sự và năng lượng” mới với châu Âu, đặc biệt là Ukraine.
Sự trao đổi
Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Joe Biden thú nhận rằng: “Thời điểm tôi trở thành Tổng thống Mỹ, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành 90% và việc áp dụng lệnh trừng phạt sẽ chẳng có ý nghĩa gì”.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bấy lâu nay đã gây ra rất nhiều sóng gió trong quan hệ giữa hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi Đức ra sức bảo vệ thì Mỹ kiên quyết phản đối. Tuy nhiên, cả hai cuối cùng đã đi đến một điểm thống nhất là sẵn sàng đi đến một thỏa thuận, trong đó là Berlin phải làm một việc gì đó để Washington "yên tâm" và không tiếp tục gây áp lực đối với dự án này.
Cuối cùng, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2 với nội dung có những điểm đáng chú ý sau.
Một là, Đức phải đưa ra các biện pháp để hỗ trợ thị trường năng lượng châu Âu.
Hai là, Đức phải áp dụng lệnh trừng phạt với Nga, nếu Nga hạn chế xuất khẩu năng lượng.
Ba là, Đức phải chi 200 triệu Euro để hỗ trợ ngành năng lượng của Ukraine, đồng thời thành lập quỹ 1 tỷ USD để bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho nước này.
Bốn là, Đức phải đứng về phe của Mỹ để yêu cầu Moscow gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine (hợp đồng hiện nay sẽ hết hạn vào năm 2024).
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ, bà Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho biết: “Hai nhà lãnh đạo Nga và Đức rất hài lòng trước việc dự án đường ống dẫn khí đốt sắp hoàn thành”.
Mỹ từng tuyên bố sẽ ngăn cản bằng được dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Politico) |
"Kỳ quặc và không đúng chỗ"
Người đứng đầu của Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ phản đối thỏa thuận Mỹ-Đức liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc. Ông Vyacheslav Volodin cho rằng đây là sự can thiệp và hoạt động kinh doanh của Nga.
Theo ông Vyacheslav Volodin, Nga cung cấp khí đốt dựa trên cơ sở các hợp đồng thương mại, chứ không phải trong khuôn khổ các thỏa thuận liên chính phủ. Khí đốt là một loại hàng hóa trong khi thỏa thuận Mỹ-Đức lại giống như một biên bản về những dự định chính trị.
Người đứng đầu của Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga nhấn mạnh: "Điều này rất kỳ quặc và không đúng chỗ. Thay vì tiến hành đối thoại, thỏa thuận lại toát lên vẻ hăm dọa chính trị đối với Nga".
Ông Vyacheslav Volodin cho rằng đã là thỏa thuận thì phải tính đến quan điểm song phương giữa Nga với các bên, như giữa Nga với Đức, Nga với Mỹ, hay Nga với Ukraine, chứ không thể phiến diện như những gì nêu trong thỏa thuận Mỹ-Đức.
Trả lời phỏng vấn, Phó Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng Nga Aleksey Grach đánh giá rằng cốt lõi của thỏa thuận Mỹ-Đức là Washington muốn giữ thể diện trước thiên hạ.
"Mỹ từng tuyên bố sẽ ngăn cản bằng được dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng nay đường ống dẫn khí đốt đã hoàn thành, mà đây lại là lời hứa của một nước giàu nhất thế giới”, ông Aleksey Grach phân tích.
Theo thông báo của Nhà Trắng, dự kiến ngày 30/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm tới Mỹ. Dòng chảy phương Bắc 2 cũng sẽ là một trong các chủ đề đàm phán của ông Vladimir Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Bình luận về chuyến thăm này, ông Aleksey Grach nhận định: "Mặc dù đã đạt được thỏa thuận Mỹ-Đức, nhưng tư duy chống Nga của Mỹ sẽ không dừng lại".
Theo Phó Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng Nga, thực chất Mỹ chẳng hề quan tấm tới Ukraine mà chủ yếu quan tâm tới lợi ích của chính mình. Và trong trường hợp cụ thể này, Mỹ có ba lợi ích cốt lõi.
Thứ nhất, kìm hãm sự phát triển của châu Âu.
Thứ hai, hạn chế khả năng cạnh tranh về kinh tế, về chính trị của Nga, làm suy yếu Nga.
Và cuối cùng là nhằm quảng bá năng lượng của Mỹ ra thế giới.