Quan hệ Anh-Trung Quốc đang xấu đi sau khi Chính phủ Anh đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia cung cấp vật tư và thiết bị phục vụ mạng lưới 5G. (Nguồn: Financial Times) |
Nguy cơ của cuộc chiến thương mại
“Kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung Quốc từng được cựu Thủ tướng Anh George Osborne ca ngợi vào năm 2015 không có nhiều tiến triển dưới thời bà Theresa May.
Sa lầy trong các cuộc đàm phán với Brussels về cuộc “ly hôn đắt đỏ” với Liên minh châu Âu (EU), những triển vọng về một nước Anh hậu Brexit thúc đẩy quan hệ với cường quốc đang nổi hàng đầu thế giới đang dần xa vời.
Từ khi ông Boris Johnson lên nắm quyền, những lo ngại ngày càng lớn về toan tính của các doanh nghiệp Trung Quốc, các hành vi lạm dụng nhân quyền và hoạt động thương mại mang tính bảo hộ khiến đòi hỏi xem xét lại toàn bộ lập trường của Anh càng trở nên mạnh mẽ.
Quyết định mà ông Johnson đưa ra hồi đầu tháng, theo đó cấp quyền xin thị thực mới cho hàng triệu người Hong Kong (Trung Quốc), để đáp trả việc Trung Quốc thông qua Luật An ninh quốc gia mới đối với vùng lãnh thổ này, đã khiến Bắc Kinh không hài lòng và đe dọa trừng phạt. Và nạn nhân chính là kim ngạch thương mại Anh-Trung Quốc hằng năm trị giá 68 tỷ Bảng Anh và hàng tỷ Bảng đầu tư từ Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ Anh đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia cung cấp vật tư và thiết bị phục vụ mạng lưới 5G - do ảnh hưởng từ đòn trừng phạt từ Mỹ đối với doanh nghiệp này - sẽ càng khiến Bắc Kinh tức giận.
Charles Parton, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách RUSI, một nhà ngoại giao từng có 22 năm làm việc về vấn đề Trung Quốc, dự đoán sắp tới sẽ là “một cơn giông bão lớn” trong quan hệ Anh-Trung.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tung các cú đòn ngoại giao nhằm vào Anh, chẳng hạn như đe dọa cắt giảm đầu tư và xuất khẩu sang Anh, hạn chế du lịch và thậm chí là cả lượng sinh viên sang Anh học tập. Thậm chí, ông Parton còn cảnh báo Anh nên thận trọng với nguy cơ trở thành đối tượng của các đòn tấn công an ninh mạng từ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra với Thủ tướng Johnson là liệu ông có thể duy trì mối quan hệ kinh tế đầy lợi ích với siêu cường đang nổi này trong khi vẫn thể hiện được rằng nước Anh hậu Brexit luôn đấu tranh cho các giá trị dân chủ và sẽ bảo vệ an ninh nội địa trước các mối đe dọa từ bên ngoài?
Áp lực từ Washington
Các nghị sỹ đảng Bảo thủ cũng đang theo dõi sát sao cách hành xử của nhà lãnh đạo ở số 10 phố Downing.
Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, bình luận: “Giờ là thời điểm mang tính bước ngoặt đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại lập trường địa chiến lược với Trung Quốc, đây đáng nhẽ là điều chúng ta đã phải làm từ lâu”. Đồng quan điểm với nhiều nghị sỹ khác, ông khẳng định không còn nghi ngờ gì về việc Anh và Trung Quốc “đang tiến thẳng đến Chiến tranh Lạnh”.
Nhìn từ một số góc độ, quan điểm của Chính phủ Anh về Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ trước các sự kiện tại Hong Kong và những cân nhắc liên quan đến Huawei. Sự lạnh nhạt của Anh đối với Trung Quốc có sự ảnh hưởng từ chiến lược đối phó với Bắc Kinh của Tổng thống Trump cũng như góc nhìn của Thủ tướng Johnson.
Anh - với quyết tâm nhanh chóng hoàn thành một thỏa thuận hậu Brexit - đã chịu áp lực từ phía các nhà đàm phán Washington đòi hỏi phải quay lưng với Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thậm chí còn nhắc lại nhiều lần rằng Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada sẽ là hình mẫu cho các thỏa thuận thương mại mà Mỹ tham gia trong tương lai. Đây là một văn bản bao gồm điều khoản cho phép Washington có quyền xem xét hoặc phủ quyết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà Mexico và Canada ký kết với một “nền kinh tế phi thị trường”, thuật ngữ bao hàm Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng các nhà đàm phán Mỹ muốn có điều khoản tương tự trong các thỏa thuận với Anh.
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford Rana Mitter cũng chia sẻ quan điểm cho rằng quyết định liên quan đến Huawei của Anh chịu ảnh hưởng từ các diễn biến mới tại Hong Kong và sẽ dẫn đến phản ứng “cực kỳ gay gắt” từ phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định quyết tâm biến những đe dọa này thành hành động trên mặt trận kinh tế của Trung Quốc lớn tới đâu vẫn là điều cần phải chờ xem.
Ông nói: “Xét cho cùng, nhiều khía cạnh trong quan hệ thương mại giữa Anh và Trung Quốc là rất khó thay thế”, ám chỉ tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Trung tâm tài chính London cũng như khu vực pháp lý London, hay sự quan tâm của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với các trường đại học tại Anh.
Bất chấp những ồn ào và cứng rắn trên phương diện ngoại giao, trên thực tế, Chính phủ Anh không hề tỏ ý muốn hiện thực hóa quan điểm của những nghị sỹ cứng rắn về việc chia tách kinh tế với Trung Quốc.
Một mặt chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong, mặt khác, Ngoại trưởng Dominic Raab nhấn mạnh tới quan hệ thương mại và các mối liên kết Anh-Trung vẫn sẽ được duy trì cho dù Anh sẽ phải đón nhận “phản ứng” như thế nào từ Trung Quốc trong những tuần và những tháng sắp tới.
Chuyển hướng tiếp cận
Các chuyên gia cho rằng chỉ riêng Anh - dù có những lợi thế và ảnh hưởng trong một số lĩnh vực nhất định - chưa đủ tầm để đòi hỏi hay thuyết phục Trung Quốc thay đổi cách hành xử của mình.
Tuy nhiên, người ta đang ngày càng đặt hy vọng vào khả năng Anh tham gia một nhóm các quốc gia nào đó để cùng xây dựng một lực lượng có sức ảnh hưởng bao trùm, và cụ thể ở đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại tự do mà Anh đang đề nghị tham gia.
Một số quan chức Anh xem CPTPP là một công cụ để Anh có thể qua đó tiếp cận Trung Quốc ở một vị thế mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia Parton từ Viện Nghiên cứu chính sách RUSI, đồng tình với những quan điểm này. “Chúng ta nên xích lại gần các quốc gia cùng chung chí hướng để thể hiện một mặt trận thống nhất… không phải theo cách thù địch, mà là những phương thức thương mại như chúng ta vẫn thường thúc đẩy, cụ thể là nếu họ muốn làm ăn với chúng ta, họ sẽ phải tự điều chỉnh theo các tiêu chuẩn đó. Đứng cùng nhau và kiên định lập trường này, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn”, ông nói.