Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Mỹ-Ấn Độ đóng vai trò then chốt để duy trì cán cân quyền lực trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Project Syndicate) |
Quan trọng không thể để mất
Theo Giáo sư Brahma Chellaney, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ đóng vai trò then chốt để duy trì cán cân quyền lực trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn và đối trọng với tham vọng của Trung Quốc.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ và việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước là một trong những chính sách đối ngoại hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington hiện nay.
Cuộc tập trận quân sự chung ngày 18-31/10 tới mang tên Yudh Abhyas (diễn tập chiến tranh) tại khu vực Auli, thuộc bang miền Bắc Uttarakhand, khu vực địa hình núi cao cách biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc chưa đầy 100 km, làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ.
Ấn Độ tổ chức các cuộc tập trận quân sự hằng năm với Mỹ nhiều hơn các quốc gia khác khi hai cường quốc tìm cách cải thiện khả năng tương tác của các lực lượng. Đô đốc Michael Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ khẳng định Ấn Độ là một "đối tác quan trọng" trong việc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng việc Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan cũng như tác động của xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và New Delhi.
Giống như các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ có quan điểm trung lập về xung đột ở Ukraine. Trước sự "thất vọng" của Mỹ và châu Âu, Ấn Độ tiếp tục mua dầu giảm giá từ Nga, từ chối đề nghị của chính quyền Tổng thống Biden về việc thay thế dầu Nga bằng nguồn cung của Mỹ. Thay vào đó, Ấn Độ lựa chọn tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga.
Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định của Ấn Độ, theo Giáo sư Brahma Chellaney là lo sợ thất bại trước Trung Quốc. Kể từ năm 2019, Mỹ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran để cắt nguồn dầu rẻ hơn của Ấn Độ và biến New Delhi thành thị trường lớn nhất cho các nhà xuất khẩu năng lượng của Mỹ.
Quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các lệnh trừng phạt là Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường mua dầu của Iran với giá chiết khấu và phát triển quan hệ đối tác an ninh với quốc gia cộng hòa Hồi giáo mà không phải đối mặt với sự trả đũa của Mỹ.
Trong khi Mỹ đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng coi xung đột ở Ukraine là "cơ hội lớn" để đẩy mạnh doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kêu gọi các quan chức Ấn Độ tránh mua vũ khí của Nga và nên mua vũ khí do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, Giáo sư Brahma Chellaney nhận định việc ông Biden quá tập trung vào trừng phạt Nga có thể làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh của Ấn Độ, đặc biệt nếu các nỗ lực quốc tế nhằm gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin vô tình tiếp sức cho một Trung Quốc đang không ngừng mở rộng.
Bên cạnh đó, tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden rằng việc nâng cấp phi đội F-16 cho Pakistan sẽ thúc đẩy hoạt động chống khủng bố đã khiến Ấn Độ phản ứng gay gắt. Trong chuyến thăm gần đây tới Washington, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã công khai lên án thương vụ này. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Pakistan chắc chắn sẽ triển khai các máy bay chiến đấu đã được nâng cấp chống lại Ấn Độ.
Không nên phung phí cơ hội
Trong bối cảnh đó, Giáo sư Brahma Chellaney dẫn lại một số quan điểm cũ của các nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ thuận lợi hơn dưới các chính quyền của Đảng Cộng hòa Mỹ. Quan hệ Mỹ-Ấn Độ phát triển mạnh dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, vốn phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ trong việc phát triển chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các chính sách mới đối với Trung Quốc và Pakistan. Với một sự thay đổi lớn, ông Trump đã chấm dứt chính sách 45 năm gián tiếp hỗ trợ sự trỗi dậy của Trung Quốc và cắt viện trợ an ninh cho Pakistan với lý do không cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố .
Trong khi đó, Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng Tổng thống Biden lại tái hiện chính sách ưu tiên với Pakistan, coi tiếp cận với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu và không đề cập gì đến những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Giáo sư Brahma Chellaney, một minh chứng rõ nét nhất trong việc ông Biden chưa thực sự chú trọng đến quan hệ với Ấn Độ là kể từ khi ông nhậm chức, Mỹ không cử đại sứ đến New Delhi. Trong khi Đại sứ Mỹ tại Pakistan, ông Donald Blome, đã gây tranh cãi bằng những phát ngôn trong chuyến thăm đến vùng Kashmir do Pakistan quản lý.
Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng nếu muốn chuyển trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ phải cải thiện quan hệ với đồng minh chiến lược quan trọng nhất của mình ở châu Á. Để đạt được điều đó, Tổng thống Biden không được phung phí cơ hội lịch sử để xây dựng một "liên minh mềm" với Ấn Độ.
Nếu Mỹ muốn giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang với Trung Quốc và Nga, và tránh đưa các chiến lược đi quá xa ngoài mức kiểm soát thì Giáo sư Brahma Chellaney nhấn mạnh, Washington cần New Delhi hơn bao giờ hết. Nhưng nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau, quan hệ đối tác song phương giữa hai bên sẽ bị tổn hại.
| Điểm tin thế giới sáng 13/10: Nhật-Đức sắp họp 2+2, Hà Lan tiếp tế tên lửa cho Ukraine, Iran-Nga-Trung Quốc tập trận chung ở Ấn Độ Dương? Mỹ-Ấn Độ hợp tác dầu khí, Nhật-Đức chuẩn bị họp 2+2, Hà Lan viện trợ tên lửa cho Ukraine... là tin tức thế giới đáng ... |
| Vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ 'gọi tên' công ty Ấn Độ Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Hóa dầu Tibalaji có trụ sở tại Mumbai vào ... |
| Gác lại vấn đề máy bay F-16 của Pakistan, Mỹ-Ấn Độ siết chặt hợp tác quốc phòng nhằm đối trọng Trung Quốc Ngày 26/9, Mỹ và Ấn Độ đã cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. ... |
| 'Mượn' sân khấu Liên hợp quốc, bộ tứ I2U2 nhóm họp trực tiếp lần đầu tiên Các nước bộ tứ I2U2 bày tỏ cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế của nhóm. |
| Ấn Độ có thái độ gì về quan hệ hợp tác kinh tế với Nga? Ngày 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho hay, nước này đang nỗ lực để ổn định hợp tác kinh ... |