Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Bali ngày 14/11. (Nguồn: Reuters) |
CNN ngày 15/11 đăng bài phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ nhiệt căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nhưng hai nước vẫn đang trong quá trình “va chạm”. TG&VN xin lược dịch bài phân tích.
Để mọi việc không đi quá xa
Theo phía Mỹ, cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia mang lại hai kết quả quan trọng: hai nước bày tỏ lập trường chung về việc Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và việc nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc, một “cú hích” cho Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết ông đã nhấn mạnh với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh cũng có nghĩa vụ kiềm chế hoạt động hạt nhân và tên lửa gây bất ổn của Triều Tiên đang đe dọa khu vực Thái Bình Dương.
Việc hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đã không cùng nhau giải quyết những vấn đề này trong những tháng gần đây cho thấy cả thế giới đang phải “chịu đựng” ra sao khi Washington và Bắc Kinh tỏ ra “xa cách” trong năm nay.
Các tuyên bố công khai của cả hai bên cho thấy mỗi bên đều nhận ra bản chất nghiêm trọng của sự cạnh tranh và cả hai nước đều muốn đảm bảo rằng tình hình không đi quá xa trở thành xung đột. Hai nước đang hướng tới việc mở lại các cuộc thảo luận thường xuyên hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào năm tới. Các cuộc trao đổi như vậy đã bị đình hoãn kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đi thăm Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 8.
Việc thiếu liên lạc giữa các nhà lãnh đạo là một trong những lý do khiến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Leon Panetta, người từng giữ các chức vụ Chánh văn phòng Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đồng thời đã xử lý quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong nhiều thập kỷ bày tỏ lạc quan thận trọng sau cuộc hội đàm bên lề hội nghị G20.
Ông Panetta nhận định: “Kết quả của cuộc gặp này là đưa mối quan hệ trở lại bình diện ngoại giao hơn. Thay vì đả kích lẫn nhau, hai nước có thể bắt đầu đối thoại về một loạt các vấn đề cần giải quyết, tôi nghĩ cuộc gặp này có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng”.
Giới hạn của các cuộc gặp thượng đỉnh
Những động lực dẫn đến việc Mỹ và Trung Quốc coi phía bên kia là mối đe dọa hàng đầu đang được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia chứ không phải vì lý do cá nhân.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị G20 ở Bali, rõ ràng là trong khi cả hai bên đều muốn tránh đụng độ, thì các mục tiêu của họ về cơ bản vẫn không tương thích.
Những phát biểu công khai của Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm rằng “một chính khách nên nghĩ về và biết được đất nước của mình đi đến đâu. Ông ấy cũng nên suy nghĩ và biết cách hòa hợp với các quốc gia khác và thế giới rộng lớn hơn”, có thể được coi là sự thừa nhận trách nhiệm mới của Trung Quốc hiện là một cường quốc lớn trên thế giới.
Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cho biết ông không nhận thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đối đầu hơn hay hòa giải hơn. Ông nói: "Tôi thấy ông ấy vẫn luôn trực tiếp và thẳng thắn… Chúng tôi đã rất thẳng thắn với nhau về những điều chúng tôi không đồng ý hoặc không chắc chắn về quan điểm của nhau”.
Cách bình luận như vậy hàm ý về những bất đồng lớn tại cuộc hội đàm về các lĩnh vực dễ biến động nhất trong mối quan hệ - chẳng hạn như vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) hay thương mại.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vẫn có thể hợp tác với nhau vì lợi ích lớn hơn của hành tinh. Tổng thống Joe Biden công khai nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ đã sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán về khí hậu.
Sau cuộc hội đàm, thông báo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo “nhất trí trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng về biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu bao gồm giảm nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu”.
Tuyên bố của Mỹ rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden “nhắc lại thỏa thuận của họ về việc một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ nổ ra và nhấn mạnh phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine” cũng mang ý nghĩa rất quan trọng.
| Mỹ đặt ra mục tiêu gì trong quan hệ với Trung Quốc? Trong một cuộc họp báo, giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden bày tỏ hy vọng khôi phục các kênh thông tin ... |
| Tình hình Ukraine: Nga dường như đã mở rộng phạm vi tấn công; phương Tây đang gắn kết hơn 'một cách đáng ngạc nhiên' Nga dường như đã mở rộng phạm vi tấn công; cuộc xung đột ở Ukraine đang khiến phương Tây gắn kết hơn, theo Foreign Policy. |
| Mỹ tìm cách 'mở những cánh cửa đã đóng' trong hợp tác với Trung Quốc Trung Quốc đã đóng cửa một số kênh liên lạc và hợp tác chính với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang tìm cách duy trì liên ... |
| Không khí căng thẳng tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ tấn công Điện Capitol Thông qua phiên điều trần mới đây, 9 thành viên Ủy ban điều tra vụ tấn công Điện Capitol của Hạ viện Mỹ muốn tái ... |
| Xích mích chưa giải với thành viên NATO, tiến trình gia nhập của Phần Lan-Thụy Điển gặp 'đá tảng', điều kiện kết nạp là gì? Hãng tin Đức DPA dẫn các nguồn thạo tin ngày 18/5 tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản việc khởi động tiến trình đàm ... |