Quan hệ Mỹ-Trung là cặp quan hệ có ảnh hưởng lớn nhất tới các trục quan hệ quốc tế. (Nguồn: Reuters) |
Manh mối mới, tia hy vọng mới?
Sau 9 tháng lên cầm quyền, chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc cuối cùng đã xuất hiện manh mối.
Ngày 4/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, đưa ra 4 biện pháp cụ thể.
Các biện pháp bao gồm: cùng Trung Quốc thảo luận tình hình thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết; khởi động trình tự miễn thuế có mục đích; thể hiện sự quan ngại sâu sắc đối với các hành vi thương mại lấy quốc gia làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc; phối hợp cùng đồng minh xây dựng quy tắc thương mại công bằng trong thế kỷ XXI, thúc đẩy kinh tế thị trường và chính thể dân chủ chiếm ưu thế trong quá trình cạnh tranh.
Phát biểu của bà Katherine Tai cho thấy, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ bắt tay xử lý vấn đề thương mại đối với Trung Quốc.
Về tổng thể, bài phát biểu thể hiện quan điểm chính sách “trung tính”, vừa không xóa bỏ triệt để chính sách thuế quan do chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump để lại, vừa đáp ứng yêu cầu xóa bỏ thuế quan mà giới doanh nghiệp Mỹ đưa ra.
Mặc dù không làm gia tăng mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc, nhưng bài phát biểu đã bày tỏ quan ngại về các hành vi thương mại của Bắc Kinh mà thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chưa đề cập và từ lâu bị các giới bên ngoài chỉ trích.
Có thể thấy, dù lập trường chính sách được bà Katherine Tai thể hiện tiếp tục duy trì sự cứng rắn, bao gồm việc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ và sẵn sàng huy động tất cả công cụ, nhưng chính trị gia 47 tuổi này cũng phát đi những tín hiệu thiện chí.
Chẳng hạn đưa ra chủ trương “chung sống lâu dài” đối với chính sách thương mại của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh không đồng ý “tách rời” Mỹ-Trung, mà đề xuất cần phải “tái tương tác”.
| Qua 'thời trăng mật', quan hệ Mỹ-EU tìm ngã rẽ mới? Giai đoạn “trăng mật” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden dường như đã chấm dứt ... |
Quan hệ thương mại với tư cách là “hòn đá tảng” trong quan hệ Mỹ-Trung truyền thống đã vấp phải trắc trở chưa từng có dưới thời ông Donald Trump.
Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, với việc Bắc Kinh cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Washington trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm.
Tuy nhiên, theo dự tính của chuyên viên nghiên cứu cao cấp Chad Bown thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson, lượng hàng hóa của Mỹ mà Trung Quốc mua trong năm 2020 còn thiếu khoảng 40% so với cam kết. Xét theo số liệu của 8 tháng đầu năm nay, mức thiếu hụt của năm 2021 ước khoảng 30%.
Gần đây, giới doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường “vận động hành lang”, thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Joe Biden và Trung Quốc tái khởi động đàm phán thương mại, yêu cầu Trung Quốc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời cắt giảm các khoản thuế vốn đã gia tăng sau khi hai nước tiến hành chiến tranh thương mại.
Ngày 4/10, bà Katherine Tai đã né tránh cáo buộc trực tiếp vấn đề Bắc Kinh chưa thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời cũng chưa công bố việc áp thuế bổ sung mới.
Điều này khiến nhiều người lo lắng sự gia tăng xung đột thương mại Mỹ-Trung chỉ tạm thời thuyên giảm.
Ít nhất trong giai đoạn hiện nay, Washington không muốn kích hoạt mâu thuẫn thương mại với Bắc Kinh. Đây cũng được coi là nhân tố tích cực trong tiến trình tương tác gần đây giữa hai nước.
Những dấu hiệu tích cực
Quan hệ Mỹ-Trung xuất hiện một số chỉ dấu tích cực trong thời gian gần đây.
Ngày 10/9, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nối lại điện đàm sau 7 tháng, thiết lập “hành lang” an toàn không để xảy ra xung đột trong cuộc đọ sức kịch liệt Mỹ-Trung.
Cuối tháng 9 vừa qua, các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cũng tổ chức hội nghị đối thoại phối hợp chính sách quốc phòng.
Ngày 6/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Thụy Sỹ.
Các nguồn tin thân cận cho biết, mục đích cuộc gặp của hai bên lần này là nhằm “xây dựng lại kênh liên lạc, thực hiện đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước”.
Có phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và ông Jake Sullivan sẽ mở đường cho cuộc gặp tiếp theo của lãnh đạo cấp cao nhất hai nước.
Tin liên quan |
Sau những rạn nứt do thoả thuận AUKUS, quan hệ đồng minh Mỹ-Pháp có thể 'gương vỡ lại lành'? |
Một loạt sự kiện này cho thấy, sau khi trải qua cuộc đọ sức gay gắt, Washington và Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn tiếp xúc bình tĩnh, thực dụng.
Hai bên được cho là đã hiểu rõ hơn "lằn ranh đỏ" của nhau, đồng thời cũng biết rằng, các mâu thuẫn phức tạp cần phải từng bước tháo gỡ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm nếu dựa vào đó để phán đoán quan hệ Mỹ-Trung sẽ thay đổi.
Vấn đề Eo biển Đài Loan và thoả thuận an ninh ba bên AUKUS do Mỹ, Anh và Australia thành lập gần đây chính là hai điểm mâu thuẫn phơi bày trước mắt.
So với sự căng thẳng trong những tháng qua, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay có thể miễn cưỡng gọi là một “tia nắng mùa Xuân”.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc gây nên sự cạnh tranh đối với Mỹ, và việc hai bên nảy sinh đối đầu là thực tế rất khó tránh khỏi.
“Tia nắng mùa Xuân” có thể kéo dài bao lâu, và liệu có nhanh chóng xuất hiện một đợt “rét nàng Bân” hay không, điều này phải xem Bắc Kinh và Washington có sẵn sàng tiếp tục đưa ra thiện chí để giải quyết tình trạng khó khăn hay không?
| Bà Mạnh Vãn Chu được tự do, quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung sẽ 'nồng ấm' hơn? Cuộc khủng hoảng gần 3 năm liên quan đến Trung Quốc, Canada và Mỹ được cho là đã kết thúc vào ngày 24/9 với việc ... |
| 'Ẩn ý' của Washington khi đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Ngày 20/8, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden dự định đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ ... |