📞

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 'thăng hoa' trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Abe Shinzo

N.Kim 21:00 | 29/09/2020
TGVN. Trong bài báo đăng trên East Asia Forum, tác giả Xuan Dung Phan cho rằng, những hoạt động ngoại giao của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã nâng mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (trái) và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong cuộc họp báo tại Văn phòng của ông Abe ở Tokyo, tháng 10/2018. (Nguồn: Reuters)

Sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bất ngờ từ chức vào tháng trước, truyền thông Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết gợi nhớ tới những khoảnh khắc ấn tượng trong chuyến thăm của ông đến Việt Nam vào năm 2017: hình ảnh ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dạo quanh Hội An, một trung tâm thương mại trước đây của các thương gia Nhật Bản và là quê hương của một cộng đồng nhỏ của các thương gia Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16.

Hình ảnh này tượng trưng cho cam kết của ông Abe trong việc gắn kết sâu sắc hơn với Việt Nam. Và thật vậy, nó đã được thể hiện thông qua các hoạt động ngoại giao của ông Abe, nâng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Thừa nhận Việt Nam có tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản, ông Abe đã đặc biệt nỗ lực để thể chế hóa mối quan hệ hợp tác song phương.

Trong thời gian đương nhiệm từ năm 2006 - 2007, Thủ tướng Nhật Bản đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược Nhật Bản - Việt Nam. Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, Hà Nội đã được chọn là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới các quốc gia Đông Nam Á của ông Abe vào năm 2013. Một năm sau đó, nhờ vào nỗ lực thúc đẩy tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh của ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng.

Hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục được nâng tầm hơn nữa theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP) của ông Abe, bao gồm ba khía cạnh: thúc đẩy pháp quyền và tự do hàng hải, đóng góp vào hòa bình và an ninh thông qua xây dựng năng lực và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, kết nối thông qua cơ sở hạ tầng.

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật Bản đã rất nhiệt tình ủng hộ chính sách ngoại giao chủ động của Hà Nội trong các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Đối với ông Abe, Nhật Bản và Việt Nam được "kết nối bởi đại dương tự do" và cả hai nước cần phối hợp để ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn, Nhật Bản đã công khai ủng hộ lập trường của Việt Nam về quản lý tranh chấp ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tokyo cũng thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội trong việc xây dựng năng lực thực thi luật hàng hải. Sau vụ việc liên quan tới giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Abe cam kết tài trợ 6 tàu tuần tra mới cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và gần đây nhất, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho vay 345 triệu USD để hiện thực hóa cam kết đó.

Có nhiều cơ hội để củng cố hơn nữa mối quan hệ trong lĩnh vực này giữa Nhật Bản và Việt Nam khi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là một mối quan tâm chung. Để tiếp tục thúc đẩy sáng kiến FOIP, chính phủ mới của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ phải tiếp tục mở rộng hợp tác hải quân và an ninh hàng hải với Việt Nam.

Ông Abe đã ưu tiên cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, trong cả lời nói lẫn hành động. Từ năm 2014 đến 2018, Nhật Bản tài trợ khoảng 280 triệu USD vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, môi trường và hành chính công. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản cũng đang gia tăng, với việc xác định Việt Nam là điểm đến ưu tiên theo khuôn khổ Đối tác về sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng của Nhật Bản. Tận dụng các dự án do Nhật Bản tài trợ, Việt Nam đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho các khoản vay của Trung Quốc.

Với tư cách là những quốc gia ủng hộ tăng cường kết nối kinh tế khu vực, Hà Nội và Tokyo đã hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. Sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe đóng vai trò then chốt cho mục tiêu khôi phục thỏa thuận này, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, và rất nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận thương mại này.

Giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng rất sôi nổi. Trong chuyến công du lần thứ ba tới Việt Nam, ông Abe đã tới thăm trường Đại học Việt Nhật, nơi ông nhận định sẽ trở thành cây cầu nối giữa hai nước. Khai giảng niên học đầu tiên vào năm 2016, Đại học Việt Nhật mong muốn cung cấp cho sinh viên Việt Nam cơ hội việc làm và thực tập tại các công ty Nhật Bản. Trong một bài phỏng vấn, ông Abe đã nói về sự ngưỡng mộ của người dân Nhật Bản đối với người dân Việt Nam nồng hậu và cần cù, những người thích học hỏi ngôn ngữ và văn hóa của đất nước Nhật Bản.

Việt Nam đã trở thành nguồn lao động nhập cư có tay nghề lớn nhất vào Nhật Bản - tính riêng năm 2018, đã có 70.000 thực tập sinh Việt Nam tới đất nước mặt trời mọc. Đầu năm nay, hai nước cũng đã thống nhất nâng số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản.

Mặc dù sự từ chức đột ngột của ông Abe có thể gây ra một số gián đoạn trong cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng quỹ đạo quan hệ Việt Nam - Nhật Bản dường như khó có thể chệch hướng. Một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ luôn nhớ tới Thủ tướng Abe, người đã để lại một ấn tượng tốt trong tâm trí của các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam. Để tiếp tục di sản của ông Abe tại Việt Nam, tân Thủ tướng Suga sẽ cần phải duy trì động lực trong tất cả các lĩnh vực hợp tác cũng như xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi với Hà Nội.

* Xuan Dung Phan là nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

(Theo East Asia Forum)