Toàn cảnh phiên báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh; đồng thời nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.
Về cơ bản, Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật hiện hành và có tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến các luật khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề. Theo đó, cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số;
Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục , các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi.
Cần nghiên cứu, đưa vào Luật một số chính sách về xã hội hóa đang được thực hiện ổn định; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro; chính sách hợp tác công-tư; cơ chế hợp tác liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp điện ảnh tư nhân với đơn vị điện ảnh nhà nước.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại phiên họp. |
Về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim; bổ sung thành phần Hội đồng có các chuyên gia ở các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo, dân tộc và một số lĩnh vực khác (cùng với các nhà chuyên môn, quản lý điện ảnh như Dự thảo Luật).
Ngoài ra, nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế trao đổi giữa đơn vị xin cấp phép và cơ quan cấp phép trong trường hợp không thống nhất về kết quả phân loại.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, chỉ nên quy định trách nhiệm chung của các cơ quan trong việc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh; còn các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị bỏ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của cơ quan thuộc Chính phủ tại Điều 47 Dự thảo Luật vì các cơ quan này không có chức năng quản lý nhà nước.
Để quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị, quảng bá phim, cung cấp dịch vụ và hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam; nghiên cứu, có cơ chế cấp phép đặc thù đối với phim Việt Nam tham gia liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài;
Đề nghị không quy định cụ thể tên các Liên hoan Phim trong Luật; đồng thời làm rõ khái niệm liên hoan phim quốc gia; đề nghị Chính phủ lý giải nguyên nhân không cho phép các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tự tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam mà phải liên kết với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Đối với nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cơ chế về trách nhiệm, điều kiện bảo đảm xây dựng kho dữ liệu số hóa về phim lưu trữ của cơ sở lưu trữ phim. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu thêm các nội dung quy định liên quan đến tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh; đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim; quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim; quảng cáo về phim và quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim; bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh…