📞
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung:

Quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam

Đức Khải 07:15 | 07/07/2019
TGVN. Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III đã được thông qua tại Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 4/7 vừa qua.  Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp đã trả lời phỏng vấn. Xin trân trọng giới thiệu.    
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định Quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam (ảnh Đức Khải)

Thưa Thứ trưởng, Phiên họp trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 41 Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) ngày 4/7 vừa qua tại Geneve, Thụy Sỹ. Thứ trưởng có thể chia sẻ đánh giá về kết quả này của cộng đồng quốc tế?

Có thể nói, Phiên họp lần này là sự tiếp nối và kết thúc của đợt Rà soát Định kỳ Phổ quát lần II trên cơ sở Phiên Đối thoại vào tháng 1/2019 với Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ). Nếu Phiên họp hồi tháng 1/2019 kéo dài trên 3 tiếng đồng hồ và có hơn 130 quốc gia phát biểu đóng góp ý kiến, thì Phiên họp lần này có thời gian có ngắn hơn, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ. Và trong 1 tiếng đó, thì đã có hơn 20 phút dành cho đoàn Việt Nam trình bày và trao đổi quan điểm còn 40 phút còn lại là dành cho các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ phát biểu.

Tại Phiên họp lần này, các quốc gia đã đánh giá rất cao về quá trình chuẩn bị nghiêm túc Báo cáo quốc gia Rà soát Định kỳ Phổ quát về bảo đảm và phát huy quyền con người của Việt Nam. Các quốc gia đều hoan nghênh thành tựu đạt được của Việt Nam thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong chu kỳ rà soát lần này. Tại Phiên họp lần này, các quốc gia đưa ra 291 khuyến nghị thì Việt Nam đã đồng ý tới 241 khuyến nghị, một tỷ lệ rất cao tới 83%. Điều đó cho thấy, mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Phải nói thêm rằng, các quốc gia đưa ra nhiều khuyến nghị như vậy cũng là thể hiện sự quan tâm về các thành tựu mà Việt Nam đạt được và mong muốn chúng ta chia sẻ, mong muốn chúng ta làm tốt hơn các vấn đề đó. Có thể nói, đánh giá chung về kết quả báo cáo và các kết quả đạt được lần này của Việt Nam là rất tích cực. Tuy nhiên, cũng có một số ít, ít thôi những ý kiến khác biệt, những nhận định không khách quan, thông tin sai sự thật về tình hình Việt Nam và chúng ta đã bác bỏ những nhận định phiến diện này. Và đây cũng là dịp để đoàn Việt Nam thông tin lại, trao đổi lại để làm rõ thêm một số vấn đề mà các nước còn quan tâm, các ý kiến còn khác biệt.

Nội dung cụ thể nào được các nước đánh gia cao trong Báo cáo UPR lần này của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Trong kỳ báo cáo lần này, nếu nói về kết quả thì các nước đánh giá Việt Nam đạt được kết quả rất toàn diện, đặc biệt các quốc gia đánh giá cao Việt Nam trong quá trình xây dựng luật. Ví dụ như trong thời gian 4-5 năm chu kỳ giai đoạn từ 2014-2019, chúng ta đã xây dựng được khoảng 100 các văn bản luật khác nhau, trong tất cả cá lĩnh vực về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Kết quả thứ hai của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao đó là sự gắn bó giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và phát triển bền vững. Đây là vấn đề đang được các nước trong liên minh châu Âu, nhất là nghị viện châu Âu rất quan tâm, bởi vì bảo đảm quyền con người không chỉ là tập trung vào phát triển kinh tế mà còn là phát triển xã hội, trong đó có các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, môi trường, quyền của người lao động...

Điều thứ ba được quan tâm là một loạt các vấn đề mới, có thể gọi là cụm các vấn đề mới đặt ra trong quá quá trình thực hiện bảo đảm quyền con người. Ví dụ như vấn đề di cư, quyền của người lao động, biến đổi khí hậu, trong đó có cả những vấn đề mà chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến triển trong thời gian vừa qua, ví dụ như vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền cho người đồng tính, chuyển giới…

Thứ trưởng có đề cập đến việc Việt Nam cam kết thực hiện 241 khuyến nghị trên 291 khuyến nghị trong kỳ rà soát lần này, vậy các bước tiếp theo để thực hiện các khuyến nghị này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Sau kỳ họp lần này, Việt Nam sẽ có khoảng 4-5 năm để triển khai các khuyến nghị UPR mà chu kỳ III vừa rồi đã chấp thuận. Sau đó, Việt Nam sẽ báo cáo ở chu kỳ IV, dự kiến vào năm 2023. Trên cơ sở kinh nghiệm của các chu kỳ trước đây, trong thời gian tới, các bộ ngành liên quan mà Bộ Ngoại giao được giao trách nhiệm làm đầu mối chủ trì sẽ đánh giá về các khuyến nghị chúng ta vừa cam kết thực hiện nằm trong lĩnh vực nào. Trên cơ sở đó, các khuyến nghị sẽ được phân công cho các bộ ngành, có sự tham gia của địa phương và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện. Trong quá trình này, chúng ta cũng sẽ tham khảo các đối tác nước ngoài để từ đó, xây dựng thành chương trình hành động trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta cũng sẽ có kiểm điểm việc thực hiện hàng năm những khuyến nghị đã cam kết thực hiện, chương trình hành động trong đó có các vấn đề về xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách, biện pháp triển khai cụ thể như tăng ngân sách, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người... Bộ Ngoại giao cũng cùng các bộ ngành liên quan có các kiểm điểm giữa kỳ. Đây là các bước chúng ta đã làm trong chu kỳ II giai đoạn 2014-2019 vừa qua và cách làm này được nhiều nước đánh giá rất cao. Chúng ta cũng sẵn sàng hợp tác với các nước, các cơ quan Liên hợp quốc trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tiến trình này.

Đại diện các nước chúc mừng Trưởng đoàn Việt Nam – Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung sau khi Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam được thông qua, ngày 4/7 tại Trụ sở Liên hợp quốc, Geneve, Thụy Sỹ.

Việc Việt Nam tham gia tích cực vào Cơ chế UPR từ 2008 và thực hiện các khuyến nghị của các nước, nhất là trong giai đoạn 2014-2019 như thứ trưởng vừa điểm lại có ý nghĩa như thế nào với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Cơ chế UPR ra đời từ năm 2008 và được đánh giá là thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước hết, sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong cả 3 chu kỳ UPR, thể hiện việc chúng ta đã hoàn thành có trách nhiệm nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của LHQ, bởi vì cơ chế này là cơ chế phổ cập, dành cho tất cả các quốc gia thành viên của LHQ. Từ việc xây dựng báo cáo quốc gia, đối thoại với các nước, xem xét, chấp thuận và triển khai các khuyến nghị, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.

Ý nghĩa thứ hai, có thể nói là qua quá trình này, chúng ta cũng chia sẻ được với các quốc gia kinh nghiệm đạt được của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, chúng ta cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước để có thể làm tốt hơn công tác này ở đất nước chúng ta.

Và một điều rất quan trọng, là qua quá trình này, chúng ta cũng tiếp thu được nhiều kinh nghiệm để đưa vào các kế hoạch, chiến lược biện pháp cụ thể để quá trình triển khai làm sao đảm bảo tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các khuyến nghị đã cam kết thực hiện, chúng ta cũng có thêm điều kiện để đối thoại với các quốc gia, chia sẻ và cung cấp thêm về thực tế ở Việt Nam, đồng thời có ý kiến kịp thời đối với những ý kiến còn có khác biệt với chúng ta về thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia.

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.

Trong chu kỳ trước, Việt Nam đã chấp thuận 80,2% số khuyến nghị nhận được, ban hành Kế hoạch tổng thể để thực hiện và hoàn thành 96,2% trong số đó, thuộc nhóm nước thực hiện hiệu quả UPR, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn thực hiện và rà soát báo cáo cho chu kỳ tiếp theo, dự kiến bắt đầu năm 2023.

(thực hiện)