Mục tiêu của Đề án là đưa ra một hệ thống giải pháp tổng thể, công khai, minh bạch, nhằm thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần chống tham nhũng, lãng phí... Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện TTHC và các văn bản pháp luật có liên quan... sẽ được công khai trên Internet để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi hơn cho người dân. Trên cơ sở đó, quá trình triển khai Đề án được chia làm 03 Giai đoạn: Giai đoạn 1, thống kê TTHC từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2009; Giai đoạn 2, rà soát và nêu khuyến nghị về cải cách TTHC từ tháng 9/2009 đến hết tháng 5/2010 và Giai đoạn 3 thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC trong năm 2010.
Đối với Bộ Ngoại giao, chưa bao giờ có đợt triển khai đồng bộ, quyết liệt và bài bản như đợt thực hiện Đề án cải cách TTHC lần này. TTHC của Bộ Ngoại giao tuy không nhiều, nhưng không vì thế mà bị coi nhẹ. Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành hội nhập sâu rộng, nhu cầu đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao trở nên hết sức cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường cầu nối, giúp người dân giao lưu, mở rộng hợp tác làm ăn ra nước ngoài; tạo điều kiện cho Việt kiều về kinh doanh, hợp tác cùng xây dựng quê hương; tạo điều kiện để người nước ngoài tăng cường đầu tư, du lịch vào Việt Nam... Đặc biệt, sự tham gia của Bộ Ngoại giao vào Đề án 30 còn góp phần làm cho các đối tác nước ngoài thấy thêm quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC, ngay sau khi Đề án 30 ra đời, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác Đề án 30 và thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao công tác của Tổ. Trong quá trình triển khai, các thành viên của Tổ công tác đã nắm bắt yêu cầu nhiệm vụ mới, tham gia nhiều đợt tập huấn, thống kê, rà soát TTHC; sau đó thông tin, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị trong và ngoài nước triển khai theo đúng các lộ trình đã đề ra. Kết quả là trong Giai đoạn I, Bộ Ngoại giao đã đi đầu trong cả nước với việc thông kê và công bố 65 TTHC (50 thủ tục ở ngoài nước và 15 thủ tục ở trong nước, chủ yếu liên quan đến công tác lãnh sự, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác tuyển dụng cán bộ), trước thời hạn 2 tháng so với yêu cầu. Trong Giai đoạn II, Tổ Công tác tiến hành rà soát và kiến nghị đơn giản hóa 55/65 TTHC (10 TTHC liên quan đến quốc tịch chưa rà soát do chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn), trong đó kiến nghị giữ nguyên 07 TTHC, sửa đổi bổ sung 40 TTHC, thay thế 04 TTHC và hủy bỏ 04 TTHC (đạt tỉ lệ 87%). Đồng thời, Tổ Công tác đã hoàn tất việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC, dự kiến sẽ cắt giảm được khoảng 34,1% chi phí, tương đương tiết kiệm được hơn 364,6 tỷ đồng mỗi năm.
Đến nay, các phương án kiến nghị đơn giản hóa TTHC của Bộ Ngoại giao đã được Tổ công tác Trung ương chấp nhận, đánh giá cao và đang trong quá trình thực thi theo lộ trình Giai đoạn III. Bên cạnh các kiến nghị đó, Bộ Ngoại giao còn nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi văn bản pháp quy để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện TTHC một cách chủ động theo quy định của pháp luật, giảm chi phí không cần thiết và tăng cường công tác quản lý.
Trong suốt 2 năm triển khai Đề án 30, Tổ Công tác đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc lớn với chất lượng cao, được Thủ tướng khen ngợi và Tổ Công tác Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước và hoan nghênh cách triển khai đúng hướng và chặt chẽ của Bộ Ngoại giao. Có những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm và trực tiếp là Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh; đồng thời phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên Tổ Công tác... Qua quá trình triển khai Đề án, nhận thức và trình độ chuyên môn của cán bộ trực tiếp triển khai TTHC đã được nâng lên rõ rệt, có hệ thống và khoa học hơn. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế - xã hội mà các phương án đơn giản hóa TTHC ở Bộ Ngoại giao đem lại, lợi ích vô hình cũng rất lớn - đó là góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới và hội nhập trong con mắt của bà con Việt kiều và người nước ngoài.
Có thể nói cải cách TTHC là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp nhất của nước ta hiện nay, trước khi bắt đầu Đề án 30 không ít ý kiến đánh giá bi quan, nhưng kết quả tới nay cho thấy Đề án đã đi đúng hướng và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Bài học học rút ra là những gì xuất phát từ mục tiêu đúng, vì lợi ích của nhân dân sẽ nhận được sự đồng thuận rộng lớn trong xã hội, kết hợp với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và phương pháp triển khai khoa học, chắc chắn sẽ thành công. Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đối ngoại của Nhà nước nguyện "chung tay cải cách TTHC" cùng các cơ quan, ban, ngành trong cả nước để tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.
Tô Anh Dũng
Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao