Ảnh của Tướng Soleimani trên đường phố Tehran, Iran. Năm 2021 dự kiến sẽ chứng kiến sự tan băng của quan hệ giữa Mỹ và Iran, nhưng bất kỳ thay đổi nào, nếu có, sẽ diễn ra rất từ từ. (Nguồn Reuters) |
Tròn một năm kể từ sự kiện Tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần sân bay Baghdad.
Sau sự kiện trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã hạ lệnh tiến hành vụ ám sát đó vì lợi ích quốc gia nhằm ngăn chặn một cuộc chiến xảy ra. Ông Trump từng tuyên bố: “Ông Soleimani đang âm mưu các cuộc tấn công thâm độc nhằm vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc của mình.
Lo ngại chiến tranh
Vụ ám sát đã dẫn đến lo ngại xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Các bờ biển của Iran nằm ở phía Bắc của eo biển chiến lược Hormuz, nối vùng Vịnh với biển Arap. Hiện 1/3 khí đốt tự nhiên của thế giới và 1/4 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu đi qua eo biển Hormuz mà Iran có thể phong tỏa trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Iran đe dọa sẽ có phản ứng “tương xứng” sau vụ sát hại Tướng Soleimani nhưng vẫn lưu tâm đến lời kêu gọi kiềm chế và chỉ tấn công hai căn cứ Iraq, nơi có quân đội Mỹ đồn trú. Không một binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong các cuộc tấn công mà lẽ ra có thể châm ngòi cho cuộc chiến Mỹ-Iran.
Căng thẳng dần giảm bớt nhưng khi năm 2020 kết thúc và ông Trump không tái đắc cử, những đồn đoán về một cuộc xung đột vũ trang lại tăng nhanh. Chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đã gấp rút áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong những ngày cuối cùng, trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden nhậm chức trong tháng 1 này.
Cuối tháng 12/2020, ông Trump một lần nữa đưa ra cảnh báo với Iran và đe dọa chiến tranh. Ông viết trên Twitter rằng Iran phải chịu trách nhiệm vì bắn rocket vào “Vùng Xanh” của Baghdad và Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bác bỏ khẳng định của ông Trump rằng Iran đứng sau vụ tấn công ở Vùng Xanh và nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động mạo hiểm nào của mình”.
Tóm lại, năm 2020 được đánh dấu bởi nỗi ám ảnh của Mỹ đối với Iran và trong một số thời điểm, tưởng như có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn khốc. Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ đã làm giảm bớt những lo ngại đó nhưng khó có thể nói trước được điều gì.
Năm tồi tệ với Lebanon và Syria
Năm 2020 là một năm tồi tệ đối với thế giới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhưng đối với Trung Đông, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn.
Năm qua bắt đầu với việc người dân Lebanon hy vọng vào một sự thay đổi trong hệ thống chính trị từ một hệ thống chia sẻ quyền lực dựa trên giáo phái sang một chính phủ kỹ trị có thể bảo vệ đất nước khỏi sự sụp đổ kinh tế. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là đồng nội tệ mất giá 80%, thất nghiệp quy mô lớn, người Lebanon trở thành thuyền nhân mới trên biển Địa Trung Hải tìm kiếm nơi ẩn náu ở châu Âu.
Ngày 4/8/2020, hàng nghìn tấn amoni nitrat được lưu trữ không an toàn đã phát nổ và “nuốt chửng” một số khu vực sôi động nhất của Beirut, gây ra sự tàn phá lớn. Vụ nổ khiến hơn 200 người chết và 200.000 người rơi vào cảnh vô gia cư.
Trước đó, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri buộc phải từ chức vào tháng 10/2019 và trở lại nắm quyền vào năm 2020 nhưng vẫn chưa thể thành lập chính phủ.
Mặt khác, nền kinh tế Lebanon đã sụp đổ và tác động của nó cũng được cảm nhận ở nước láng giềng Syria. Nhiều doanh nghiệp Syria tuyên bố họ đã gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng của Lebanon nhưng khi các ngân hàng này áp đặt quyền kiểm soát vốn, tiền của họ cũng bị phong tỏa, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể thu hồi được.
Bị tàn phá bởi 9 năm chiến tranh kéo dài, Syria đang rất cần xây dựng lại cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cấm bất kỳ quốc gia thứ ba nào, bao gồm cả các đồng minh của ông Assad là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đầu tư vào Syria.
Mỹ và nhiều nước ở châu Âu cảm thấy quỹ tái thiết là đòn bẩy duy nhất mà họ có để gây áp lực đối với Tổng thống Assad, buộc ông phải thả hơn 100.000 tù nhân chính trị trong các nhà tù ở Syria và mở ra những cải cách chính trị có ý nghĩa.
Syria đã bị tàn phá trong cuộc chiến giữa chế độ ông Assad và phe nổi dậy, phần lớn đất nước đã bị nghiền nát bởi những đợt ném bom hạng nặng. Trong khi đó, người dân Syria đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca mắc Covid-19 và nạn đói.
Vụ nổ cảng Beirut, Lebanon, gây tàn phá lớn. (Nguồn: Sun) |
Chờ đợi những đổi thay trong năm 2021
Ngược lại với số đông, 2020 lại là một năm tốt lành đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Khi Israel sẵn sàng tổ chức bầu cử Quốc hội trở lại vào đầu năm nay, ông Netanyahu có thể phô trương các thỏa thuận hòa bình mà ông đã giành được với các nước Arap như Các Tiểu vương quốc Arap Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco.
Hàng chục nghìn khách du lịch Israel đã đổ xô vào các khu chợ và bãi biển ở Dubai trong khi người dân UAE có thể chụp ảnh ở thánh địa Jerusalem đang bị tranh chấp.
Những diễn biến này đã gây thất vọng cho người dân Palestine. Người Palestine hy vọng ông Biden có thể mở lại con đường cho giải pháp hai nhà nước và nới lỏng hầu bao để cung cấp viện trợ cho những người tị nạn sống rải rác khắp khu vực.
Năm 2021 dự kiến sẽ chứng kiến sự tan băng của quan hệ giữa Mỹ và Iran, nhưng bất kỳ thay đổi nào, nếu có, sẽ diễn ra rất từ từ. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế của Lebanon và Syria được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn; không có hy vọng các bên tham chiến ở Libya và ở Yemen chấm dứt xung đột.
Tương lai của khu vực trong năm tới dường như có phần ảm đạm. Và nó sẽ ngày càng được định hình bởi sự cạnh tranh giữa các vương quốc như UAE, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia ủng hộ các nhóm Hồi giáo chính trị trong khu vực.