📞

Sau những rạn nứt do thoả thuận AUKUS, quan hệ đồng minh Mỹ-Pháp có thể 'gương vỡ lại lành'?

Bích Ngọc 07:00 | 07/10/2021
Sau những rạn nứt do Thoả thuận An ninh ba bên Anh-Mỹ-Australia (AUKUS) mang lại, liệu quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ-Pháp có thể quay trở lại như cũ, hay sẽ tiếp tục đóng băng?
Sau những rạn nứt do Thoả thuận An ninh ba bên Anh-Mỹ-Australia (AUKUS) mang lại, liệu quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ-Pháp có thể quay trở lại như cũ, hay sẽ tiếp tục đóng băng? (Nguồn: Alamy)

Sau vụ Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Tập đoàn Naval Pháp để mua tàu ngầm có năng lực hạt nhân của Mỹ thông qua Thỏa thuận An ninh ba bên Anh-Mỹ-Australia (AUKUS), truyền thông Pháp tiếp tục khai thác những phân tích về các bài học mà nước này cần rút ra, cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Paris và Washington, đặc biệt là trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du 3 ngày tại Paris, gặp Tổng thống Emmanuel Macron và người đồng cấp Jean Yves Le Drian.

Bài học rút ra cho Pháp

Bài viết mới đăng trên chuyên mục Kinh tế-Thời luận của tờ Le Monde chỉ ra những bài học cho Pháp sau khi để mất thương vụ tàu ngầm với Australia vào tay Mỹ.

Theo bài viết, từ năm 1990-2000, nhiều nhà phân tích khẳng định, địa kinh tế sẽ vượt trội so với địa chính trị.

Thế nhưng, mọi chuyện giờ đây đã khác. Các mối quan hệ liên minh đã lấy lại được tầm quan trọng và địa chính trị được đặt lên trên hết.

Tập đoàn Pháp Naval là nạn nhân của AUKUS, chứ không phải là nạn nhân của những thất bại đơn thuần về công nghiệp.

Theo Le Monde, rất khó để phát hiện ra kế hoạch B mà 3 nước Australia-Anh-Mỹ giữ tuyệt mật. Pháp đã phải trả giá khi thiếu vận động hành lang chính trị cho thương vụ thế kỷ này.

Mặc dù, Paris phẫn nỗ vì Australia, Anh và Mỹ có thái độ không coi trọng nước Pháp, song Paris cũng đã đánh giá quá thấp mối lo ngại ngày càng gia tăng của Canberra trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Le Monde nhấn mạnh rằng, các hợp đồng vũ khí và đôi khi là cả các lĩnh vực năng lượng và viễn thông, là tổng hòa các yếu tố chính trị.

Do đó, để thắng được các gói thầu lớn, hơn bao giờ hết các nhà sản xuất công nghiệp phải điều chỉnh sao cho phù hợp với khuôn khổ chiến lược mà "khách hàng" xác định.

Giới quan sát lý giải, dường như việc Australia tham gia vào "vòng xoáy" ngăn chặn Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu và biến việc hiện đại hoá hạm đội thành một phần của liên minh quân sự-ngoại giao có khả năng bảo vệ tốt hơn, cũng là hợp logic.

Bởi Pháp - một cường quốc tầm trung và sợ làm mếch lòng Trung Quốc - được cho là không thể bảo đảm an ninh cho Australia.

Thế khó của Pháp và châu Âu

Trở lại với căng thẳng trong quan hệ Paris-Washington, tờ La Croix vừa đăng bài viết “Pháp-Mỹ: Làm thế nào để dung hòa quyền tự chủ và liên minh?”, trong đó đánh giá chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Mỹ, đặc biệt là cuộc gặp của Ngoại trưởng hai nước ngày 5/10, là một bước đi trong lộ trình nhằm “tái lập lòng tin” sau vụ khủng hoảng tàu ngầm.

Công cuộc “hàn gắn” này được cho là sẽ dẫn đến “các hành động cụ thể”, nhất là về an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quốc phòng châu Âu và cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel.

La Croix nhận định, quan hệ giữa Pháp và Mỹ đầy mâu thuẫn khi Paris bị mắc kẹt giữa khát vọng về “quyền tự chủ chiến lược” và thực tế là Pháp bị lệ thuộc vào Mỹ.

Đối với Tổng thống Macron, AUKUS càng khẳng định Pháp và châu Âu cần xây dựng một nền quốc phòng tự chủ, để không lệ thuộc vào Mỹ - “một đồng minh ngày càng không đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, chiến dịch Barkhane của Pháp ở Sahel lại cho thấy, quân đội Pháp cần đến sự trợ giúp của “người bạn Mỹ” trong nhiều hoạt động, như hậu cần, máy bay trinh sát không người lái, thông tin tình báo và tiếp nhiên liệu trên không.

Còn châu Âu, kể cả Vương quốc Anh, đều không có đủ phương tiện bảo đảm an ninh cho sân bay Kabul, Afghanistan trong đợt di tản vừa qua. "Lục địa già" vẫn phải dựa vào Mỹ.

Để chứng minh nước Pháp không đơn độc nếu không có Mỹ, trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken, Ngoại trưởng Pháp đã có các cuộc trao đổi với một loạt người đồng cấp Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell.

AFP nhận định: “Cuộc khủng hoảng này tác động đến lợi ích của tất cả các nước châu Âu liên quan đến sự vận hành của đồng minh và cam kết của các nước châu Âu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

EU cũng hy vọng, cuộc khủng hoảng lòng tin này sẽ là cơ hội để làm “sáng tỏ” quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương về tham vọng tự chủ quốc phòng của châu Âu bên cạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quan hệ Mỹ-Pháp có “gương vỡ lại lành”?

Không giống như chuyến công du hồi tháng 6 được đón tiếp như người thân trong nhà, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trở lại Paris trong bối cảnh mới: Quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ đang rơi vào khủng hoảng niềm tin chưa từng có kể từ sau thông báo lập liên minh AUKUS.

Tới Paris vào tối ngày 4/10 trong chuyến công du 3 ngày, chính thức là để dự hội nghị Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), nhưng lãnh đạo ngoại giao của cường quốc lớn nhất thế giới có sứ mệnh quan trọng hơn là tìm cách làm dịu căng thẳng giữa Washington và Paris.

Ông Blinken bắt đầu ngày làm việc vào ngày 5/10 bằng cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và sau đó tiếp kiến Tổng thống Emmanuel Macron.

Mục tiêu chủ yếu của các cuộc trao đổi nhằm “xác định các giai đoạn” để “giúp tái lập lòng tin” sau vụ khủng hoảng tàu ngầm.

Tuy nhiên, Paris cảnh báo rằng, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, cần phải có thời gian và đòi hỏi có những hành động cụ thể của cả hai bên.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken lần này là nỗ lực tiếp tục sứ mệnh xoa dịu đồng minh, đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Macron và Tổng thống Biden vào cuối tháng này ở châu Âu.

Tuy nhiên, giới quan sát đã thấy trước cuộc hội ngộ giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước diễn ra lạnh nhạt.

Ngoại trưởng Pháp Le Drian, ngay khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, là người tỏ phẫn nộ nhiều hơn cả. Ông liên tục đưa ra các bình luận gọi hành động của Australia và Mỹ là “cú đâm sau lưng”, tuyên bố liên minh AUKUS là “tàn nhẫn” hay là sự “rạn vỡ lòng tin”…

Vì vậy, nhà ngoại giao người Pháp không thể nồng nhiệt đón tiếp ông Blinken như người trong nhà giống hồi tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, Điện Elysee đã xác nhận rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Blinken sẽ mang đến “sự khôi phục lòng tin” giữa hai bên.

Còn theo một quan chức Mỹ, Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Macron đã thảo luận về nỗ lực thúc đẩy Pháp đối với việc tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước châu Âu.

Hai đồng minh giờ đây phải tìm được những “hành động cụ thể” để hàn gắn lại lòng tin.

Điều cụ thể ở đây có thể là vị thế “cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của nước Pháp phải được thừa nhận trong một khuôn khổ cam kết nhất định, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ gần đây.

Để làm được việc đó, Paris giờ đây cần tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như gợi ý của giới chuyên gia.

Sau những bài học có thể nói là cay đắng vừa qua với đồng minh, làm sao dung hòa được chủ trương tự chủ trong quan hệ đồng minh, khi thế và lực chưa đủ thuyết phục, quả là bài toán khó cho Pháp lúc này.

(tổng hợp)