Hơn một tuần đã trôi qua sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un. Khi dư âm về những diễn biến nóng bỏng của sự kiện này đã lắng xuống, người ta mới nhận thấy có cái gì đó đã được nâng lên. Đó chắc chắn không phải điều gì khác ngoài vị thế của nước chủ nhà đã đứng ra tổ chức cuộc gặp lịch sử này.
Trước đó, cả thế giới từng rất băn khoăn về địa điểm được chọn để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này. Đó phải là một quốc gia có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên, có an ninh đảm bảo, có cơ sở hạ tầng hiện đại và hơn hết là đứng ở vị trí trung lập... Sau nhiều đắn đo, cuối cùng, quốc đảo nằm riêng rẽ tại khu vực Đông Nam Á đã trở thành ứng viên lý tưởng.
Một phần quan trọng của thế giới
Với diện tích nhỏ và dân số chỉ khoảng 5,6 triệu người nhưng được coi là trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, Singapopre đã duy trì mối quan hệ hữu nghị với Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua. Hơn 30.000 người Mỹ và 4.200 doanh nghiệp Mỹ đang sinh sống và hoạt động tại Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: AP) |
Singapore và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 và Singapore là một trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ Triều Tiên đặt đại sứ quán. Người Triều Tiên cũng từng tới Singapore làm ăn trong quá khứ. Trước năm 2016, công dân Triều Tiên thậm chí có thể nhập cảnh Singapore mà không cần visa. Mặc dù Singapore đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên từ năm 2017 dưới sức ép của Mỹ và Liên hợp quốc, song nước này vẫn duy trì quan hệ trung lập và hữu nghị với Triều Tiên.
Singapore cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chưa đầy 5.000 km. Điều này cho phép nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sử dụng chuyên cơ để di chuyển tới nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump mà không phải tiếp nhiên liệu giữa chừng.
Từ lâu, Singapore đã mong muốn vượt qua “vạch an toàn” để trở thành một trung gian quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người hiểu rất rõ sự khiêm tốn về lãnh thổ của Singapore và nước này cần xác định rõ vai trò của mình để trở thành một phần không thể thiếu trên trường quốc tế. Cũng nhờ đó mà quốc đảo này sẽ bảo vệ được mình khỏi bất cứ mối đe dọa nào.
Và với những gì đã thể hiện trong vai trò chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều cùng thành công rực rỡ của nó, những nỗ lực của Singapore đã được đền đáp xứng đáng.
Bí quyết cho thành công
Nhưng để trở thành một người trung gian thành công không phải là điều dễ dàng. Một trung gian đơn thuần - không mang lại giá trị nào đặc biệt sẽ dễ dàng bị lãng quên khỏi bức tranh lớn. Còn Singapore thành công nhờ có lối đi riêng của mình.
Chính quyền Singapore từng được đánh giá cao về khả năng tổ chức nhanh chóng và an toàn các cuộc gặp ngoại giao cấp cao. Singapore đã tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh của các nước Đông Nam Á và đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2018 này. Singapore cũng là nơi diễn ra Diễn đàn an ninh toàn cầu thường niên Shangri-La với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng của gần 30 nước trên thế giới. Năm 2015, Singapore từng đăng cai tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu...
Với Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, người trung gian không chỉ cần cung cấp không gian và điều kiện tốt nhất cho các cuộc đối thoại mà còn cần khéo léo “lánh” ra đằng sau “cánh gà” và chỉ xuất hiện khi cần thiết. Chiếm được lòng tin, đảm bảo được tính bảo mật là hai thành công khiến Singapore hoàn toàn “ghi điểm” trong sự kiện này.
Trung tâm hòa giải trên thế giới phải kể đến Geneva. Với thành phố này, Thụy Sỹ đã biến ngoại giao trung gian trở thành một nghệ thuật. Thành phố Geneva với vẻ đẹp nguyên sơ, dãy núi Alps hùng vĩ, ngoạn mục... mang đến một bầu không khí yên bình, giúp làm xoa dịu những cái đầu nóng, xóa nhòa sự khác biệt... để các đối tác có thể ngồi xuống, cùng nhau thương thảo.
Với Singapore, việc lựa chọn hòn đảo Sentosa là nơi để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp mặt cũng là một bước đi đúng đắn. Đảo Sentosa mang tới một không gian và khung cảnh ấm cúng, với một bầu trời thoáng đãng và ánh nắng nhẹ khiến những tâm hồn cứng rắn nhất cũng trở nên mềm mại hơn. Điều quan trọng nhất là nó tách biệt với thế giới bên ngoài để hai nhân vật quan trọng có được không gian thực sự riêng tư...
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, thế giới đã không tiếc lời ca ngợi sự nhiệt tình của Singapore và cho rằng “quốc đảo sư tử” đã thực sự tỏa sáng. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng vai trò của Singapore chỉ giới hạn trên góc độ là một chủ khách sạn chứ chưa phải là một người hòa giải hay trọng tài, một vai trò khá nhỏ và chưa tích cực như một số trung gian ngoại giao khác... Dù vậy, với tính chất của sự kiện đặc biệt nói trên, còn nơi nào trên khắp châu Á có thể đảm nhận vai trò trung gian tốt hơn được nữa?